Vụ án sai phạm tại ngân hàng xây dựng (VNCB, nay là CBBank) là đại án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, vượt cả đại án siêu lừa Huyền Như.
- NÓNG: Hôm nay xét xử Phạm Công Danh và 35 bị can "rút ruột" VNCB
- Rút 9.000 tỷ từ ngân hàng Xây dựng... dễ như chơi
Ông Phạm Công Danh- chủ tịch VNCB cùng các thuộc cấp như Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương... bị cáo buộc các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Khi đại án được đưa ra xét xử thì con số thiệt hại được xác định lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.
Tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ.
Giai đoạn tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại đây.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian là Chủ tịch HĐQT, ông Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các Chi nhánh VNCB thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng.
Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, ông Danh không thể trực tiếp rút tiền của ngân hàng nên đã lập ra hàng loạt công ty, thuê giám đốc, sau đó sử dụng những pháp nhân này để hợp thức hóa việc rút tiền bằng hàng loạt các hợp đồng khống. Trong đó, tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp ký hợp đồng khống với các công ty của Danh trong việc cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng.
Tiếp đó, ông Danh được cho là chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.
Theo Cáo trạng, chỉ trong vòng vài ngày cuối tháng 8/2013, thông qua việc thực hiện các hợp đồng vay thế chấp giữa Trần Ngọc Bích với VNCB, ông Danh đã rút số tiền gần 5.200 tỷ đồng khỏi ngân hàng nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này sau đó được chuyển đến tài khoản của chủ tịch Danh và ông rút ra để chi tiêu nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì.
Cũng tháng 5/2013, bằng việc ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt, Chủ tịch VNCB đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 900 tỷ đồng để mua 900 trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành. Số tiền này sau đó được chuyển cho ông Danh sử dụng vào mục đích riêng.
Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, cần tiền trả nợ cho các cá nhân và ngân hàng khác, ông Danh chỉ đạo đồng phạm sử dụng 12 pháp nhân công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống để vay tiền VNCB. Cựu chủ tịch Danh còn sử dụng một số bất động sản tại TP HCM và Đà Nẵng nâng khống giá trị gấp 4 lần làm tài sản thế chấp vay 5.000 tỷ đồng của VNCB. Trong khi những tài sản này đã được ông dùng để vay số tiền tương tự của ngân hàng BIDV.
Tổng thiệt hại được xác định vượt hơn 9.000 tỷ đồng chỉ sau một thời gian ngắn khi nhóm cổ đông từ Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu ngân hàng VNCB.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tách hành vi rút hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB đem gửi tại 3 ngân hàng (nhằm bảo lãnh 29 lượt vay của các công ty nhà ông Danh) sang vụ án khác. 17 bị can nguyên là giám đốc các công ty thuộc Tập đoàn Thiên thanh và 4 bị can khác là thành viên Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan cũng được tách ra, điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hải Hà (tổng hợp)