Câu chuyện về Trà đạo và nét tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản

Trà đạo là một thế giới nhẹ nhàng, hướng con người đến việc tu tâm. Ta có thể thấy rõ điều đó qua hàng loạt cách ứng xử, dụng tâm khi thưởng thức trà của người Nhật.
Câu chuyện về Trà đạo và nét tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản

Nhật Bản: Lưu chút bột trà - Khắc nên một nét Văn hoá

Theo truyền thuyết Nhật, ngày đó có vị cao tăng người Nhật là Eisai (1141 - 1215) đi du học và mang về từ Trung Quốc một loại bột trà xanh được gọi là Matcha. Ban đầu người ta dùng nó làm thuốc nhưng dần nó lại được coi như một “loại thưởng thức” của giới quý tộc được dùng trong các buổi họp mặt. Và ngày nay với công dụng thư giãn và hương vị thơm ngon, trà đạo là môn nghệ thuật của tất cả những ai muốn tìm kiếm những khoảnh khắc tĩnh lặng, an bình sau hàng giờ làm việc, sinh hoạt căng thẳng, mệt mỏi.

Tuy nhiên, là một đạo thì Trà đạo cũng có những quy tắc riêng của nó, không hề tuỳ tiện, không hề cẩu thả. Nhưng những quy tắc ấy không chỉ đơn thuần là phép tắc uống trà, mà còn là con đường để người nhập đạo thanh tẩy tâm hồn, từ từ giác ngộ.

Đó là các quy tắc: Hòa - Kính - Thanh - Tịch.

Theo định nghĩa từ nhiều nguồn khác nhau chúng ta có thể hiểu các quy tắc trên như sau:

"Hòa" có nghĩa là hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Sự hài hoà giữa vạn vật, hài hòa giữa trà nhân với trà thất, hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, giao hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà.

"Kính" là lòng kính trọng, biết ơn cuộc sống, biết ơn vạn vật từ có sự sống đến vô tri. Trạng thái này xuất hiện thì trà nhân đã có sự hài hoà tuyệt đối trong tâm hồn.

“Có tức là không, không tức là có”, khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, hòa vào vạn vật. Đó là "Thanh".

"Tịch" là khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới cũng trở nên tĩnh lặng, ta hòa vào thế giới, thế giới ở trong ta, hòa quyện vào nhau, không còn phân chia đến mức tưởng chừng hai thứ như vắng bặt đi, không còn hiện diện.

Ở Nhật Bản những quy tắc này đã được biểu hiện tinh tế hơn qua cách pha trà, cách mời trà, thưởng thức trà. Đặc biệt là cách người ta nhập Trà đạo và Thiền. “Mối liên quan mật thiết giữa Thiền và Trà đạo gần như không còn khoảng cách để phân chia, chẳng hạn Trà Thang hình thành từ sự phát triển trong nghi thức uống trà của Thiền Tông, thậm chí có người cho rằng Trà đạo chính là Thiền.”

Chúng ta có thể thấy toàn bộ Hòa - Kính - Thanh - Tịch đều nghiêng về hai chữ “hài hoà”. Để cởi bỏ mọi sự ràng buộc, tầm nhìn hạn hẹp bởi những thói cổ hủ, ích kỷ, Thiền đã nêu lên một chủ trương là sự bình đẳng giữa vạn vật, mọi vật đều có lợi ích và vị trí riêng, chúng mâu thuẫn, bổ sung và hoàn thiện thế giới này, chúng đóng góp cho cuộc sống, cho con người, hoàn thiện hơn cái gọi là phần “người”, tạo con đường đến cổng của giác ngộ. Bởi những hành vi, hoạt động hằng ngày của con người đều có ý nghĩa, cho dù đó là điều nhỏ nhất, chúng ta đi tìm sự trong sáng cũng chính là tìm tòi, len lỏi từ những hành động li ti, sự vật nhỏ bé đến những cái lớn hơn. Vậy vạn vật rốt cuộc là ngang bằng, có ngang bằng thì mới có chỗ cho sự hài hoà. Nếu “tôi” lớn hơn thế giới, ta luôn muốn đứng trên vị trí cao của bầu trời, nếu thế giới là gánh nặng to lớn, thế giới sẽ nuốt chửng cái “tôi”.

Trà đạo và Đạo Phật hay Thiền gắn kết, quyện lại, tạo nên sự thanh khiết trong từng ngụm trà. Trà đạo được nâng lên như một đỉnh cao của sự tinh hoa, một đạo tạo ra như cách để tôn sùng cái đẹp, một lối đi cho những ai muốn tìm kiếm cái cốt của Chân - Thiện - Mỹ.

Trà đạo: Điểm tận cùng của sự hoàn mĩ?

Như đã nói, Trà đạo là một sự nhẹ nhàng, tu tâm. Tu là sửa. Chưa bao giờ việc “sửa tâm”, thay đổi bản thân lại dễ dàng. Ta có thể thấy rõ điều trên qua hàng loạt cách ứng xử, dụng tâm khi thưởng thức trà của người Nhật.

Nguyên liệu của một buổi thưởng trà:

+ Trà (茶 – Cha): Người ta sẽ có những loại trà được pha khác nhau trong tuỳ trường hợp, có thể thêm chút hoa quả khô, vị thuốc,…

+ Nước pha trà (浸剂): Thường là nước suối, nước mưa, nước đã tinh lọc.

+ Ấm nước (鉄瓶 – Tetsubin): Dùng để đun sôi nước pha trà.

+ Gáo múc nước (水舀子 – Shaku): Là một loại gáo nhỏ có cán dài, được dùng để múc nước nóng vào bát, hoặc châm thêm nước lạnh. Việc sử dụng Shaku để múc, châm thêm nước, nâng lên hạ xuống, tạo tiếng róc rách của trà cũng là một nét nghệ thuật trong trà đạo.

+ Chén trà (茶杯 – Chawan): Chế tác bằng gốm thô sơ, mộc mạc. Khi dâng trà mời khách, nếu trên chén có khắc hoa văn thì hoa văn luôn được hướng về phía khách để tỏ lòng kính trọng.

+ Hũ, lọ đựng trà (茶箱 – Natsume): Được làm từ gỗ, trang trí thẩm mỹ công phu, tinh tế tạo cảm giác thích thú, tăng giá trị bên ngoài cũng như trà đựng bên trong. Đây không phải những giá trị vật chất mà là giá trị từ sự gia công kỹ lưỡng, khéo léo của những nghệ nhân, thợ nghề, sự thẩm mỹ nơi con người.

+ Khăn nhỏ (茶巾 – Chakin): màu trắng, dùng để lau chén trà và các đạo cụ pha trà khác.

+ Muỗng múc trà (茶杓 – Chasaku): Là một loại muỗng có cán dài, được dùng để đo lượng trà cần pha và múc trà từ lọ. Dựa vào mức độ hình thức, chasaku được phân thành ba loại:

- Shin (nghi lễ): Không có mấu và làm từ gỗ, ngà voi hoặc đồi mồi.

- Gyo (bán nghi lễ): Thường làm từ tre và có một mấu ở phía sau.

- Sho (thông thường): Là loại phổ biến nhất hiện nay, cũng làm bằng tre như gyo nhưng có một mấu ở giữa.

Những nguyên tắc khi pha và thưởng thức trà

Khi pha trà

Nhiệt độ nước pha trà: Không được dùng nước đang sôi để pha. Nước pha trà giữ nhiệt độ ở khoảng 80 - 90 độ C.

Lượng nước pha trà: Người pha phải biết ước lượng sao cho mỗi lần pha nước không nhiều cũng không ít, trọn vẹn để cho lần uống sau, tránh làm nguội nước, màu trà không còn đẹp.

Khi mời trà và thưởng trà: Cung kính và tỉ mỉ.

Tại đây chúng ta cũng có nhiều lễ nghi như:

+ Dẫn khách qua phòng đợi, dùng một tách nước nóng, sau đó đưa họ đến phòng trà để vệ sinh tay và miệng.

+ Chủ nhà sẽ mặc kimono truyền thống, sẽ tiếp đón khách trước cửa phòng trà. Nhẹ nhàng và lịch sự. Đặc biệt lối vào phòng trà cũng được thiết kế đủ thấp để mọi người phải cúi mình bước vào, cử chỉ tượng trưng cho sự khiêm tốn.

+ Trước khi uống trà, người Nhật thường ăn một vài loại bánh ngọt được chế biến cùng với các nguồn cảm hứng thiên nhiên.

+ Người rót trà phải xếp các tách trong khay theo thứ tự một, hai, ba, bốn, rót lần lượt đều nhau, không rót quá đầy hoặc quá vơi.

+ Lời chào rất quan trọng: Sau khi trà được rót xong, trà chủ sẽ xoay chén trà mời khách và khách để hai tay xuống sàn nhà, cúi đầu chào mọi người, nâng chén trà lên xoay chén ba lần theo hướng kim đồng hồ một cách cung kính, sau đó mới chậm rãi đưa lên môi thưởng thức. Khi uống xong, khách lại xoay chén theo hướng ngược lại về vị trí cũ rồi nhẹ nhàng đặt chén xuống. Người Nhật thường uống ngụm to để cảm nhận vị trà. Khi kết thúc họ sẽ cúi chào chủ nhà một lần nữa.

Sẽ có ý kiến cho rằng Trà đạo có nhiều nghi thức rườm rà, quá nhiều yêu cầu và đòi hỏi để có được sự thanh thoát. Nhưng trên thực tế không đơn giản mà việc uống trà được coi là “đạo”, được nhiều người coi trọng và giữ gìn như một báu vật. Những “đòi hỏi” trong Trà đạo đã gián tiếp rèn luyện cho con người sự nhẫn nại, hoàn thiện, tinh tế,… Trà đạo không chấp nhận những môn đồ hành đạo cẩu thả, tuỳ tiện và tuỳ hứng. Đồng thời việc uống trà có thể bồi bổ, cải thiện sức khoẻ con người, uống trà trong tâm trạng thư thái càng làm cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái hơn bao giờ hết.

Mong rằng những tâm sự của con người có thể được thanh tẩy qua chén trà vô ưu. Uống một ngụm như uống cả sự tỉ mỉ, kỳ công, trân trọng cái đẹp vào lòng…

Yuu (Thu Hiền)

Theo Vina Cirlce