Chân dung các nữ tướng Việt Nam trên thương trường (phần 1)

Sở hữu những thương hiệu mạnh của Việt Nam, bên cạnh tài năng của doanh nhân, những “nữ tướng” này còn gây ấn tượng bởi sự dung dị, nhân hậu và trí tuệ.
Chân dung các nữ tướng Việt Nam trên thương trường (phần 1)
nu-tuong-doanh-nhan-2.png

Mai Kiều Liên là một nữ doanh nhân Việt Nam giữ chức vụ Tổng Giám đốc công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Bà cũng từng là ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa VIII.
CEO của Vinamilk sinh ngày 1 tháng 9 năm 1953 tại Paris Pháp. Nguyên quán của bà là xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Bà được sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là bác sĩ nặng lòng với quê hương, đất nước. Vì vậy, dù có những khó khăn, nhưng các đấng sinh thành quyết định chuyển gia đình từ Pháp về Việt Nam.
Là mẫu phụ nữ Việt Nam điển hình bước ra từ những năm tháng đất nước trải qua bom đạn, đói nghèo, bao cấp và mở cửa, Mai Kiều Liên có được trải nghiệm sâu sắc về chất lượng sống của người dân Việt Nam.

Nối tiếp chí hướng của người cha bác sĩ về rất nhiều thế hệ con người Việt Nam không được biết đến chế độ dinh dưỡng và không biết về sữa, bà hy vọng có thể tạo ra một cuộc cách mạng về chiều cao cho lớp thế hệ trẻ.

"Nếu có môi trường tốt, cạnh tranh bình đẳng thì doanh nghiệp Việt Nam phát triển không kém doanh nghiệp trên thế giới", Bà Liên từng chia sẻ trước báo giới cũng như Nhà nước về sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Nữ tướng ngành sữa đã có những quyết định lịch sử, cân não trong nhiều khoảnh khắc sinh tử của công ty cổ phần Sữa Việt Nam qua 4 thập niên tồn tại.

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên trở thành người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này dã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Nhiều chuyên gia tài chính uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, uy tín và thương hiệu của bà Mai Kiều Liên – vị lãnh đạo đã có công lớn cho việc gây dựng cơ ngơi Vinamilk như ngày hôm nay, chiếm ít nhất 20% giá trị vốn hóa thị trường của thương hiệu này trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 1 tháng 1 năm 1970, là một nữ doanh nhân, tỷ phú trên cương vị là tổng giám đốc của Vietjet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng HDBank. Bà là người Việt Nam thứ hai, sau Phạm Nhật Vượng được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD (năm 2017).

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thủ đô Hà Nội, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã sớm nổi tiếng trong cộng đồng vì thành tích học tập xuất sắc và tài năng kinh doanh bẩm sinh. Khi còn là sinh viên năm 2 bà đã bước vào thương trường, kinh doanh đủ mọi thứ từ hàng điện tử, máy fax, máy vi tính, đồng hồ… từ các nước Châu Á như Nhật, Hàn, Hồng Koong sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường thiếu như phân bón, sắt thép, thiết bị…Năm 21 tuổi, bà đã kiếm được 1 triệu USD nhờ tài năng buôn bán này.

Sau khi trở về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Techcombank, sau đó là VIB và hiện tại là Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Sau đó là lĩnh vực hàng không với vị trí tổng giám đốc Vietjet Air. Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Ngày 23/5/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn đến từ nước Mỹ trị giá 11,3 tỷ USD.

Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của VietJet Air, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam. Gần một thập kỷ sau đó, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay.

CEO của Vietjet Air là một “nhân tố” làm thay đổi cục diện hàng không. Câu nói nổi tiếng của bà: “Tôi không cho kết nối toàn cầu là tham vọng, mà là ước mơ. Có người từng nói với tôi rằng: ‘Hãy mơ những giấc mơ to lớn và hành động như thể một thiên thần’. Thực sự, chúng tôi đã biến điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành hiện thực”, quả là có sức khơi gợi cho các doanh nhân Việt Nam phấn đấu phát triển không chỉ trên sân nhà mà còn là vươn tầm thế giới.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.[7] Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.

Tính đến ngày 7/4/2018, tài sản của bà đã tăng lên $3.7tỷ (đứng hạng 645 ) ngang ngửa tài sản của tổng thống mỹ Donald Trump. Bà còn được xếp vào danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đứng thứ 55 hơn bà Hillary Clinton (cựu ứng cử viên tổng thống mỹ) 10 bậc.

“Nhiều bạn bè từng hỏi tôi tại sao không đi chơi, hưởng thụ cuộc sống, làm nhiều thế để làm gì, nhưng tôi không cho phép mình được nghỉ. Tạo ra được nhiều việc làm, đóng góp được nhiều cho xã hội, nộp nhiều thuế cho ngân sách quốc gia… giờ đây đã trở thành niềm hạnh phúc của những doanh nhân thế hệ chúng tôi”.

Đó là tâm sự của nữ tướng quyền lực của ngành ngân hàng, người được nhiều người ưu ái gọi bà với cái tên “nữ tỷ phú đô la” miền Bắc – Nguyễn Thị Nga.

Nguyễn Thị Nga sinh ngày 17 tháng 8 năm 1955 tại Hà Nội. Bà là chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam. Theo Forbes mảng kinh doanh nhiều sân golf, bất động sản… đã đem lại mức doanh thu cho bà Nguyễn Thị Nga, giúp bà trở thành một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á (theo bình chọn của Forbes).

Xuất phát điểm là một người kinh doanh xuất nhập khẩu, bước ngoặt trong cuộc đời kinh doanh mở ra với bà Nguyễn Thị Nga vào năm 1993 khi Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng tư nhân. Khi đó bà và những cộng sự của mình thành lập ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương.

Năm 1998 bà chính thức tham gia điều hành với một vị trí trong hội đồng quản trị.
Sau khi ngân hàng này giải thể, bà Nga chuyển sang Techcombank, góp vốn đầu tư và lần lượt nắm giữ các vị trí quan trọng như Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó chỉ tịch, rồi Phó chủ tịch thứ nhất, sau đó lên làm Chủ tịch HĐQT.

Sau đó, do không chung quan điểm với các cổ đông lớn còn lại, Bà Nga rời Tachcombank và đầu tư vào SeABank. Đến nay, ngân hàng này từ vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng và là ngân hàng thương mại rất nhỏ ở Hải Phòng đã có vốn điều lệ lên tới gần 5.500 tỷ đồng.

Bà Nga còn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thung lũng Vua, từ đó bà xây dựng BRG, một tập đoàn sở hữu cổ phần trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sân golf, khách sạn. Tập đoàn BRG gồm có các đơn vị thành viên: SeABank, sân golf quốc tế Đảo Vua - Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng), Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn…

Con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bung – Nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng đã không chọn cho mình cuộc đời của một nữ công chức êm ả mà chọn con đường kinh doanh đầy gay góc. Người con gái đó chính là bà Nguyễn Thị Mai Thanh – nữ tướng cơ điện lạnh, thuyền trưởng tài ba của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).

Nguyễn Mai Thanh sinh ngày 25 tháng 12 năm 1952, quê quán Trảng Bàng, Tây Ninh. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà theo học lớp dược tá và được phân công về Sư đoàn 9 ở chiến trường miền Đông ác liệt.

Bà tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa không khí rồi lập gia đình tại CHDC Đức. Sau đó, bà cùng chồng về nước và trở thành kỹ sư của Xí nghiệp quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh.
Năm 33 tuổi, mà được chọn làm giám đốc xí nghiệp, quản lý 200 con người, chấp nhận khó khăn, thử thách của bao xí nghiệp nhà nước trong giai đoạn hậu bao cấp.

Năm 1992, bà cùng xí nghiệp của mình tiên phong thực hiện cổ phần hóa. Một năm ssau công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) ra đời.

Dù non trẻ về tuổi đời quản lý nhưng bà Mai Thanh đã lãnh đạo doanh nghiệp của mình từng bước vượt qua thử thách thời đại. 1996, thương hiệu máy điều hòa Reetech ra đời, công ty vượt qua khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, rồi khủng hoảng 2008… chính là nhờ tài năng lãnh đạo tuyệt vời của nữ tướng Mai Thanh.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cựu Phó chủ tịch HĐQT công ty REE, nhận xét: “Vì đâu REE từ một công ty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định”.

“Dù biết rằng kinh doanh giống như đi trên một con đường, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng bạn phải luôn nhìn nhận rõ ràng về sự vấp ngã của mình. Và không nên hứa hẹn nếu biết mình không thực hiện được”.

Năm 2014, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã vinh dự được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Ngay từ khi thành lập, tên của Công ty Vĩnh Hoàn đã mang khát vọng của người sáng lập là vươn ra toàn cầu và tồn tại mãi mãi. Đây cũng là công ty "đa quốc gia" khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh.

"Bà trùm" trong ngành thủy sản cũng vinh dự góp mặt trong top 10 nữ doanh nhân thành đạt do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào tháng 6/2013 dựa trên các tiêu chí: có vai trò quyết định cao nhất trong doanh nghiệp; có thời gian lãnh đạo đủ dài để tạo nên dấu ấn tích cực với công ty và ngành kinh doanh mà họ hoạt động…

Có tạp chí từng so sánh, cứ 4 đô la Mỹ doanh thu xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Châu Âu thì một đô la thuộc về Vĩnh Hoàn. Bà Khanh là đại diện duy nhất của ngành hải sản đứng top 10 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2014, năm 2017 bà đứng ở vị trí 20 trong top người giàu nhất thị trường chứng khoán. Vĩnh Hoàn cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trung bình 25% giai đoạn 2007-2014.

Bà Khanh vẫn làm trong nhà nước đến năm 1997, khi đó bà 36 tuổi, chính thức thành lập nên Vĩnh Hoàn để kinh doanh riêng, công ty của bà chọn An Giang làm địa bàn để công ty hoạt động. 6 năm sau ngày thành lập, Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đứng đầu ngành.

Vĩnh Hoàn đang xúc tiến nhiều dự án mới về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo, collagen với sự ra đời của các công ty con làm tiền đề cho sự mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm