Lâm Quốc Vũ – Người gia công thầm lặng phần mềm “Made in Vietnam”

Trong lĩnh vực gia công phần mềm, Lâm Quốc Vũ đi từ người gia công thầm lặng đến dấu ấn sản phẩm “Made in Vietnam”.
Lâm Quốc Vũ – Người gia công thầm lặng phần mềm “Made in Vietnam”

Làng công nghệ đầu năm lại rộn ràng khi người Việt tiếp tục ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới. Đó là việc Lê Diệp Kiều Trang chính thức nhậm chức Giám đốc mạng xã hội Facebook tại Việt Nam. Dù vậy, nhắc đến Kiều Trang thì không thể không kể thương vụ đình đám bán lại sản phẩm vòng đo sức khỏe Misfit cho Fossil. Trong khi đó, Nguyễn Hà Đông cùng cánh chim Flappy Bird đã gây sự chú ý của hàng triệu người dùng toàn cầu.

Tương tự, trong lĩnh vực gia công phần mềm, Lâm Quốc Vũ đi từ người gia công thầm lặng đến dấu ấn sản phẩm “Made in Vietnam” được vinh danh trên thị trường quốc tế.

Sản phẩm Việt có chỗ đứng

Một ngày đẹp trời vào năm 2013, Lâm Quốc Vũ hồ hởi cầm tập hồ sơ gồm 20 tờ giấy chuẩn bị thuyết trình về đứa con cưng QA Symphony đã tròn 2 tuổi để gọi vốn đầu tư tại Thung lũng Silicon, nhưng ông đã bị dội gáo nước lạnh. Mỗi ứng viên có 15 phút để trình bày, còn ông chỉ có 2 phút và ra về chỉ sau 2 câu hỏi. “Tôi đã làm gì sai?”, Lâm Quốc Vũ hỏi một đối tác của mình, cũng là một người bạn với nhà đầu tư duyệt hồ sơ của ông khi đó.

Nhưng 4 năm sau, QA Symphony đã có khoản đầu tư 40 triệu USD từ Insight Ventures Partners, sau 2 lần gọi vốn từ series A và B. Quỹ này hiện sở hữu phần lớn cổ phần của ứng dụng kiểm thử phần mềm, bắt đầu thiết lập kinh doanh ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, bên cạnh thị trường Mỹ. “QA Symphony đã 7 năm tuổi và cần những nhà đầu tư mới”, Lâm Quốc Vũ kể về sự trưởng thành của “đứa con tinh thần” đầu tiên, là sản phẩm phần mềm “Made in Vietnam” mà ông ấp ủ 9 năm về trước, nhưng lại là thành tựu trong suốt chặng đường 23 năm hành trình gia công của ông tại Việt Nam.

Lâm Quốc Vũ là một trong những nhân tố góp phần xây dựng lứa kỹ sư phần mềm đầu tiên ở Việt Nam. Ông đặt chân về Việt Nam dưới vai trò là nhà đầu tư Mỹ, thành lập Paragon Solutions Vietnam vào năm 1995, sau này bán lại cho FCG và rồi tiếp tục bán cho CSC Vietnam. Hành trình làm thuê chấm dứt khi ông rời công ty ban đầu do mình sáng lập, cùng 3 cộng sự khác thành lập KMS Technology vào năm 2009.

Đó là thời điểm nền kinh tế thế giới suy thoái và các công ty gia công phần mềm cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, may mắn là năm 2010, ông kiếm được hợp đồng từ một khách hàng là sếp cũ. Dự án này ngay lập tức đẩy số lượng kỹ sư của KMS từ 40 lên 100 người chỉ 1 năm sau đó.

Với kinh nghiệm quản lý công ty gia công trước đó, Lâm Quốc Vũ xây dựng KMS mới với những nguyên tắc: tập trung gia công cho các công ty phần mềm khác và một ngành nghề chứ không nhận dự án riêng lẻ, đó là thị trường Mỹ và đặc biệt là lĩnh vực y tế. Ông cho biết điều đó khiến KMS lúng túng trong thời gian đầu, nhưng sẽ trở thành chuyên gia sau này và có thể tư vấn ngược lại cho khách hàng nhờ tận dụng được kiến thức, kỹ năng, công cụ, vốn tốn nhiều thời gian để học hỏi.

Điều mà KMS quan tâm còn là định giá sản phẩm gia công. Lâm Quốc Vũ cho biết KMS không chạy theo cuộc đua hạ giá, bởi điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút người giỏi, chính sách đãi ngộ nhân viên và môi trường làm việc. Theo báo cáo của Vinasa, doanh số của KMS năm 2016 vào khoảng 341 tỉ đồng với tốc độ tăng trưởng 24%. Xét về quy mô các công ty gia công tại thị trường Việt Nam, đây là con số ở nằm ở nhóm trên của thị trường.

Khi KMS đã đứng vững, Lâm Quốc Vũ có 2 lựa chọn tiếp theo: tiếp tục làm gia công hoặc thử sức với sản phẩm “Made in Vietnam”. “Trong lĩnh vực phần mềm, gia công thì có thể tồn tại hoặc sống tốt, còn KMS năm thứ 2 đã có lợi nhuận”, ông cho biết. Đó cũng là lý do vì sao ông tự tin trao trách nhiệm tại KMS cho các cổ đông sáng lập khác để thực hiện giấc mơ về sản phẩm.

Trở thành một “công ty sản phẩm” hay một “công ty gia công” luôn là lựa chọn khó khăn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, ở bất kỳ giai đoạn nào. Công ty sản phẩm thì có chi phí cao (như phát triển sản phẩm, mở thị trường, bán hàng…), nhưng ngược lại, gia công phần mềm không tạo ra nhiều giá trị bằng thiết kế sản phẩm, ông cho biết.

Ghi danh Việt Nam trên bản đồ sản phẩm phần mềm quốc tế là giấc mơ ấp ủ của Lâm Quốc Vũ khi mới thành lập KMS. Và khi được hỏi về tương lai của KMS, ông khẳng định sẽ không bán và tỏ ra tiếc nuối về việc đón nhà đầu tư quá sớm với thương hiệu mình đã bán đi vào đầu thập niên 2000. “Đó là tâm huyết chung của những anh em đồng nghiệp”, ông nói. Đó không chỉ là các cổ đông sáng lập, mà cả với những lãnh đạo chủ chốt mà Công ty có chính sách sở hữu cổ phần. Dù vậy, có thể nhận thấy, KMS không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp kỹ sư, mà còn là nơi cung cấp dòng tiền ổn định để Lâm Quốc Vũ và các cộng sự có thể tiếp tục với giấc mơ mới.

Hành trình mới

KMS vừa khai trương văn phòng thứ 4 tại Việt Nam ở TP.HCM có diện tích 3.000m2 và sức chứa hơn 650 nhân viên. Năm nay, KMS cũng tuyên bố kế hoạch tuyển thêm 200 kỹ sư, nâng số nhân sự lên 1.200 người. KMS cần thêm nhân sự trong bối cảnh Công ty vẫn còn những sản phẩm chờ đến ngày hái quả. Đó là các sản phẩm mới như Kobiton (giải pháp kiểm thử ứng dụng di động trên đám mây) hay Katalon (giải pháp kiểm thử phần mềm tự động). Các sản phẩm này đang phát triển khá tốt và KMS cũng có những sản phẩm khác nhưng chưa thể công bố lúc này, Lâm Quốc Vũ cho biết.

Trong khi đó, nói về tương lai của phần mềm, theo Lâm Quốc Vũ, có 2 xu hướng đáng chú ý: trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain. “AI không phải là dạng robot, mà là có một số công cụ hỗ trợ cho phần mềm làm việc tối ưu hơn. Còn Blockchain cũng không phải là cryptocurrency (tiền mã hóa), mà liên quan đến chuyện bảo mật”, ông nói.

Khi đặt chân về Việt Nam vào thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa đón nhà đầu tư ngoại, Lâm Quốc Vũ không chọn Ấn Độ, nơi ông chỉ cần đăng tuyển là có ngay kỹ sư làm việc. Ông chọn Việt Nam làm điểm khởi nghiệp, không chỉ vì tự tin vào trình độ của người Việt, mà ông nghĩ sự khác biệt của bản thân ông với những người khác không phải là ở trình độ hay khả năng, mà là nằm ở cơ hội tiếp cận với nền học thuật, cũng như kinh nghiệm làm việc ở Mỹ.

Nếu như ước vọng xưa của ông là Việt Nam có thêm nhiều kỹ sư phần mềm giỏi, cùng kỹ năng tốt sánh vai với các cường quốc, nhưng giấc mơ này nay đã nâng lên một tầm mới: hướng đến một nền kinh tế khởi nghiệp với nhiều startup làm sản phẩm thay vì chỉ làm gia công.

Làm sản phẩm tất nhiên sẽ rất khó, tỉ lệ sống sót lại quá thấp, nhưng điều này là cần thiết cho tương lai. Theo Lâm Quốc Vũ, startup Việt cần một chu kỳ thất bại để tích lũy đủ kinh nghiệm, sau đó thị trường nói chung mới có thể có bước nhảy mới để hình thành nên “kỳ lân” (chỉ các startup được định giá 1 tỉ USD trở lên). “Bạn có thể học rất ít từ chiến thắng. Nhưng bạn có thể học mọi thứ từ thất bại”, ông treo khẩu hiệu tại phòng giải trí ở văn phòng KMS mới.

Hãy trở lại với bài học đầu tiên ông nhắc đến khi mang sản phẩm đi gọi vốn, đó là yếu tố nhu cầu thị trường, nhân sự và cuối cùng mới là sản phẩm. “Không chỉ Việt Nam, mà phần đông nhân sự khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thường bỏ công sức ra viết sản phẩm tốt, nhiều chức năng rồi đi kêu gọi đầu tư. Kỳ thực nếu thị trường không đủ lớn thì nhà đầu tư không quan tâm”, ông nói.

Để chuẩn bị cho chu kỳ mới, ông chọn cách về Việt Nam nhiều hơn thường lệ để gặp gỡ những gương mặt khởi nghiệp có tiềm năng, dưới danh nghĩa vườn ươm Upstar Labs, có thể xem như một nhà đầu tư cỡ nhỏ với số vốn đầu tư khoảng 100.000USD cho từng dự án. Làm vườn ươm sẽ rất cực, nhưng là niềm đam mê mới, ông cho biết.

Theo Nhipcaudautu.vn

Có thể bạn quan tâm