Mai Kiều Liên – TGĐ Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk): “Tôi đã trải qua tuổi thơ không hề có sữa”

Cuộc đời, sự nghiệp và những triết lý nhân sinh quan của chị trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ Việt Nam đang trên đường phấn đấu dựng xây sự nghiệp.
Mai Kiều Liên – TGĐ Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk): “Tôi đã trải qua tuổi thơ không hề có sữa”

Nhắc tới vị CEO của Vinamilk– Mai Kiều Liên, người ta thường đặt cho chị những cái tên mỹ miều như “nữ tướng ngành sữa”, “nữ hoàng sữa”, “thuyền trưởng tài hoa” hay “nữ tỷ phú”… Có thể nói, chị là một trong những doanh nhân đời đầu và thành công từ trong gian khó. Cuộc đời, sự nghiệp và những triết lý nhân sinh quan của chị trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ Việt Nam đang trên đường phấn đấu dựng xây sự nghiệp. Chị đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Tuổi thơ không hề có sữa

Chị Mai Kiều Liên – TGĐ Vinamilk từng chia sẻ về tuổi thơ chưa được nếm dòng sữa tiệt trùng tinh khiết, giàu canxi như phần lớn trẻ em Việt Nam bây giờ. Thời niên thiếu của chị là những tháng ngày liên tục sơ tán từ Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phú… khi nghe tiếng còi báo động trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đó là năm tháng dữ dội với những công việc nặng nhọc như vác củi, cấy lúa mà không hề biết đến sữa, thỉnh thoảng mới có được chút thịt trong bữa ăn đạm bạc. Có lẽ, chính hoàn cảnh khắc nghiệt thời chiến đã hình thành cá tính kiên quyết, tự tin, năng động, có năng lực thích nghi với những khó khăn thời bao cấp và những va đập, sóng gió trong cơ chế thị trường của nữ thủ lĩnh ngành sữa.

Hàng ngàn năm trước đây, trẻ em Việt Nam lớn lên thiếu sữa. Thời Pháp thuộc chỉ những đứa trẻ của gia đình giàu có mới được nếm “sữa Tây”. Những năm chiến tranh, sữa được ưu tiên cho người già và trẻ em nhưng là những hộp sữa hiếm hoi, sức cầu vượt xa cung chế độ tem phiếu… Chính từ hoàn cảnh đó mà đại đa số người Việt Nam không có thói quen uống sữa, không uống được sữa, và giữ quan niệm “hết tuổi thôi nôi là dứt sữa, không cho bé bú mẹ lẫn bú bình”. Trong khi, sữa cần cho cả đời người.

Sữa không phải là ước mơ ban đầu của nữ CEO Vinamilk

Chị đã từng rất hãnh diện và vui mừng khi là một trong những “hạt giống đỏ” được Nhà nước miền Bắc XHCN chọn du học sang Liên Xô, trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt có lập trường kiên định, giỏi chuyên môn cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Trong đáy lòng của cô gái trẻ năm ấy, chị ao ước trở thành một nữ bác sĩ nối tiếp con đường y học của cha hoặc một kỹ sư xây dựng nhưng lại được phân công vào học tại trường Đại học chế biến sữa. Thất vọng, chới với, lạ lẫm và chị đã từng có ý định đôi ngành học. Nhưng rồi tâm tình của người cha đối với vấn nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em sau chiến tranh ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của dân tộc đã giúp chị hiểu ra, đứng vững và ngày thêm yêu công việc của mình. Chị hiểu rằng sữa là một liệu pháp cứu rỗi hàng triệu đứa bé mà sau này chính là tương lai của đất nước. Năm 1976, chị về nước, bắt đầu công việc ở Công ty Sữa Việt Nam và cho đến nay đã trở thành một cốt cán đưa doanh nghiệp này vươn ra xa.

Vinamilk - Thương hiệu sữa Việt

"Chọn những sản phẩm thiên nhiên thuần khiết nhất cho sức khỏe gia đình."

Trải qua muôn trùng sóng gió, thương hiệu Vinamilk đứng vững, xâm nhập vào cuộc sống người tiêu dùng là niềm hạnh phúc to lớn pha lẫn tự hào của chị. Sự kết nối đồng bộ từ khâu sản xuất tới phân phối theo một nguyên tắc chung: tiêu chuẩn “5S”: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng. Bí quyết thành công của người cầm lái khơi dòng chảy Vinamilk từ địa đầu Tổ quốc đến Mũi Cà Mau chính là tinh thần trách nhiệm. Chất lượng làm nên sự thịnh vượng, phồn vinh cũng chính là yếu tố giúp Vinamilk đồng hành cùng sự phát triển của đất nước qua mấy chục năm nay.

Chị Liên cũng chính là một trong những nữ doanh nhân hiếm hoi cùng thời sớm áp dụng xây dựng thương hiệu trong kinh doanh. Từ Logo dễ thương và gần gũi với công chúng đến phát triển hệ thống phân phối, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân viên, khách hàng thông qua bộ phận “quan hệ khách hàng” để từ đó cho ra những chiến lược, sản phẩm phù hợp với thị trường. “Chúng tôi đúng được qua những lúc khó khăn và có nhiều sản phẩm thắng được hàng ngoại, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ chinh phục thị trường và không chịu khuất phục. Với mục đích phục vụ số đông người Việt Nam, chúng tôi luôn đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng nhưng giá rẻ hơn hàng ngoại…”

Giữa làn sóng đổ xô sữa ngoại nhập, Vinamilk vẫn chứng tỏ sức mạnh của sữa nội địa – thương hiệu sữa của người Việt, chính là nhờ người thuyền trưởng tài ba và đội ngũ cộng sự vững vàng, không nản khi thua, luôn tìm cách kịp thời thay đổi chiến thuật, lấy lại thị trường…”

Vinamilk-2.jpg

(Ảnh: Internet)

Phía sau một phụ nữ quyền lực

Chị Liên không chỉ là một “trưởng đầu tàu” quyết đoán, có tầm nhìn xa mà còn là người dũng cảm: dù gặp hiểm nguy tính mạng, vẫn quyết định không bỏ lỡ cơ hội ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, chị cũng là tuýt phụ nữ tràn ngập nữ tính, giàu lòng nhân ái. Chị quan tâm đến đời sống của từng cá nhân trong công ty, thường xuyên đọc báo để tìm ra những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cần được trợ giúp và chị coi đó là một bổn phận.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp nhưng với chị, giải thưởng lớn nhất vẫn là mái ấm gia đình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của chị càng được nhân lên nhiều lần khi nỗ lực phấn đấu đưa dòng sữa và những chế phẩm của thương hiệu Vinamilk trở thành người bạn đồng hành của mọi gia đình Việt Nam, phục vụ cho cuộc cách mạng chiều cao và thể lực nòi giống Việt.

Nỗi trăn trở về tương lại thương hiệu sữa nội địa

Dù tự tin với những gì Vinamilk đã làm được trong thời gian qua nhưng bên trong nữ doanh nhân yêu nước ấy luôn trăn trở về một tương lai của thương hiệu sữa nội địa. Ngày nay, sữa ngoại tràn ngập thị trường Việt và đặc biệt chú trọng khuếch trương xây dựng thương hiệu. Điều đó dẫn đến thực trạng rất nhiều bà mẹ bỉm sữa tin rằng sữa ngoại nổi tiếng, đắt tiền vì có nguồn dinh dưỡng tốt nhất. “Thực sự trong công thức sữa của Vinamilk đã bổ sung sữa non, hàm lượng DHA cùng các nguyên tố vi lượng khác đáp ứng rất tốt cho sự tăng trưởng của trẻ”. Chị vẫn đau đáu và thậm chí còn tự nhận mình làm chưa tốt công tác tuyên truyền, vận động, chưa thuyết phục được khách hàng của mình. Chị cũng trăn trở trước khuynh hướng tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay với hàng nội địa. “Khi đứng trước sự chọn lựa giữa hai sản phẩm cùng giá thành hoặc đắt hơn một chút nhưng đảm bảo chất lượng, chị vẫn chọn thương hiệu hàng nội. Nếu mỗi người góp một chút sức ủng hộ hàng nội, nhiều người cộng lại, nội lực Việt Nam sẽ tăng lên với sức mạnh cấp số nhân và hơn thế nữa…”

"Công ty nào cũng mong muốn chinh phục được thị trường nội địa – nơi mà mình được khai sinh – rồi mới vươn ra thế giới. Để thành công khi ra bên ngoài biên giới quốc gia, chúng tôi phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình."

Người phụ nữ quyền lực của Vinamilk vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng kế hoạch để sữa Việt khẳng định được thị phần trong nước, từng bước vươn mình ra thế giới bằng chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của một doanh nhân kiến quốc. Làm thế nào để sữa và những chế phẩm từ sữa của Vinamilk sẽ ngày càng thanh xuân trong mắt người tiêu dùng, góp phần tăng cường sức sống của dân tộc là câu hỏi và là động lực thúc đẩy chị lao về phía trước.

(Tư liệu từ bài viết của Tác giả Trầm Hương trích trong cuốn “Những gương mặt phụ nữ xuất sắc” của NXB Phụ nữ.)

Có thể bạn quan tâm