Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của HDbank
Ngày 21/4, Ngân hàng HDBank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, theo đó đã thông qua tất cả các tờ trình.
Tăng vốn nhờ chia cổ phiếu
Báo cáo với cổ đông, Ban điều hành HDBank cho biết năm 2016 ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015. Trong đó HDBank riêng lẻ đạt 830 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của HDBank đã tăng lên mức 150.294 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 8.100 tỷ đồng. Tổng vốn huy động tăng trưởng 47% đạt 134.189 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 90.121 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2015.
Năm 2016, ngân hàng tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý 1,6% dư nợ. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất: 12,53%, tỷ lệ ROA: 0.71% và ROE: 9.24 %. Ngân hàng đã tập trung phát triển mạng lưới gồm 221 điểm giao dịch; 7.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Mặc dù lãi đột biến năm 2016 song Hội đồng quản trị HDBank đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu để có nguồn tăng vốn điều lệ. Và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 2%, tổng cộng là 9%. Dự kiến, HDbank sẽ phát hành cổ phiếu với giá trị 567 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Chưa niêm yết vì sợ bất lợi
Trước áp lực thực hiện niêm yết cổ phiếu lên sàn, cổ đông HDBank cũng chất vấn HĐQT vì lý do chậm trễ niêm yết cổ phiếu. Trả lời cổ đông, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank cho biết, nếu HDBank niêm yết cổ phiếu lên sàn rồi giao dịch dưới mệnh giá sẽ không có lợi. Thị trường chứng khoán bấp bênh, vội vàng niêm yết chưa hẳn đã có lợi.
Tại các kỳ đại hội trước, HĐQT cũng có báo cáo cổ đông về vấn đề niêm yết nhưng cần lựa chọn thời điểm niêm yết phù hợp, thị trường thuận lợi để tối đa hóa giá trị cho cổ phiếu.
Hơn nữa, bà Thảo nhấn mạnh, “giá trị thực của HDBank sẽ phải do thị trường đánh giá ở giai đoạn ngân hàng đã khẳng định được vị thế, chiến lược phát triển và các triển vọng trong tương lai. Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa”.
Cổ đông HDbank chất vấn tại Đại hội
Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm cho biết, các năm trước HDBank đã có ý định niêm yết nhưng giai đoạn 2014-2016 là thời gian tái cơ cấu sau sáp nhập DaiAbank và mua lại 100% vốn SGVF nên dời lại. Nếu thị trường không tốt, bản thân HDBank chưa chuẩn bị tốt thì việc niêm yết sẽ mang lại nhiều bất lợi.
Ban điều hành cũng đánh giá về nhiệm kỳ 5 năm (2011- 2016) đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Cụ thể, so với thời điểm năm 2011, tổng tài sản của HDBank đến ngày 31/12/2016 tăng hơn 3 lần; vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần; tổng huy động tăng hơn 4 lần; tổng cho vay tăng 5 lần.
Lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần; mạng lưới hoạt động tăng thêm hơn 100 chi nhánh và 7.500 điểm giao dịch, số lượng nhân sự tăng thêm gần 9.000 CBNV.
Năm 2017, HDBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 178.800, tăng 19% so với năm 2016. Huy động thị trường 1: 124.000 đồng, tăng 20% so với năm 2016. Tổng dư nợ tín dụng: 107.760 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng.
Đại hội cũng bầu ra 9 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022, gồm:
- Bà Lê Thị Băng Tâm
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
- Ông Lưu Đức Khánh
- Ông Lim Peng Khoon
- Chu Việt Cường
- Ông Nguyễn Hữu Đặng
- Ông Nguyễn Thành Đô
- Bà Nguyễn Thị Tâm
- Ông Lý Vinh Quang
ĐHCĐ đã thảo luận và thông qua tất cả các tờ trình về kết qủa kinh doanh, phân phối lợi nhuận, sửa đổi Điều lệ, Bầu HĐQT và Ban kiểm soát./.
>> HDBank “hao hụt” 187 tỷ đồng vì đầu tư cổ phiếu Eximbank