Nước hoa niche: Vạn áng hương trong một dáng hình

Trái ngược với sự đa dạng của mùi hương, thiết kế lọ nước hoa niche theo thời gian, lạ lùng thay, lại chẳng có gì đổi khác.
Nước hoa niche: Vạn áng hương trong một dáng hình

Với những con nghiện mùi hương, nước hoa niche là một thế giới đầy cám dỗ bởi những tầng hương đặc sắc, dị biệt, không chút đại trà và có khả năng biến hóa táo bạo. Thế nhưng, trái ngược với sự đa dạng của mùi hương, thiết kế lọ nước hoa niche theo thời gian, lạ lùng thay, lại chẳng có gì đổi khác.

Cuộc chiến thiết kế vắng bóng niche

Đã thành thông lệ, mỗi khi nhà mốt nào đó cho ra mắt một dòng nước hoa mới, giới mộ điệu lại được dịp trầm trồ trước sự biến tấu của những lọ thủy tinh đầy màu sắc. Không chỉ chiêu đãi khách hàng bằng những nốt hương dễ chịu, nước hoa của các thương hiệu thời trang còn khiêu khích người thưởng thức bằng màn trình diễn các thiết kế độc đáo, bắt mắt. Nếu Givenchy chuộng những thiết kế mang đường cong uốn lượn của một tấm lụa thượng hạng, thì Jimmy Choo thích chơi đùa với những chiếc nắp đậy óng ánh. Nếu Versace làm mê hoặc công chúng bằng những gam màu xanh, tím huyền bí trên thân chai vuông vức, thì Dior lại khơi dậy niềm cảm hứng từ những đường gợn sóng.

live_irresistible_1024x1024.jpg

Givenchy Live Irresistible

Nước hoa niche: Vạn áng hương trong một dáng hình ảnh 2

Jimmy Choo Eau De Parfum

Vậy mà, bất chấp sự sôi động và tính cạnh tranh quyết liệt trên sân khấu thiết kế suốt những năm gần đây, nước hoa niche đến từ các nhà tạo hương hàng đầu thế giới lại luôn sử dụng chiêu “bình cũ rượu mới” cho những áng hương mang nhiều sắc thái ẩn dụ của mình.

Dường như chẳng một nhà chế tác hương niche nào sở hữu chiếc giày cao gót đầy kiêu hãnh như Carolina Herrera Good Girl hay quả bom ngọt ngào như Viktor & Rolf Flowerbomb. Đa phần chai lọ niche đều có dáng trụ vuông hoặc trụ tròn đơn giản, dán nhãn ghi tên hãng, tên dòng nước hoa và dung tích. Serge Lutens bao lâu nay vẫn trung thành với thiết kế thân vuông nắp tròn, Diptyque bo viền mềm mại hơn một chút, ngoài ra không có lấy một chi tiết cắt vát táo bạo hay điêu khắc cầu kỳ. Họa hoằn lắm mới thấy một vài cải tiến trong giới niche: hai thương hiệu Le Labo, Byredo cho phép người mua được in tên mình lên thân chai. Đặt giữa hàng tá chai lọ bắt mắt của các nhà mốt thời trang, những lọ nước hoa niche dễ dàng nằm ngoài tầm để ý của khách hàng, bởi chúng như thể được hờ hững bê nguyên ra từ phòng thí nghiệm của các “perfumer”.

Nước hoa niche: Vạn áng hương trong một dáng hình ảnh 3

Serge Lutens trung thành với kiểu dáng đơn giản.

Nước hoa niche: Vạn áng hương trong một dáng hình ảnh 4

Diptyque bo viền mềm mại.

Thế nhưng, tựa những dây hương sau cùng luôn ẩn giấu sự bất ngờ và táo bạo, đằng sau những thiết kế tinh giản của niche là triết lý của các nhà tạo hương về thế giới nước hoa mà ở đó, mùi hương luôn được đặt ở vị thế hàng đầu.

Triết lý mỹ học trong những thiết kế giản đơn

Trong ẩm thực, ngôi sao Michelin là thước đo danh giá để tưởng thưởng cho tài năng của một đầu bếp. Đầu bếp nào đạt được 1 hoặc 2 ngôi sao Michelin là đã có thể tự hào với sự nghiệp nấu nướng của mình, nếu đạt 3 sao đồng nghĩa với việc tên tuổi của họ sẽ vang danh mãi về sau. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của cuộc chiến Michelin không chỉ nằm ở món ăn mà còn ở sự hoàn hảo của nhà hàng, từ chén đĩa cho đến cách bài trí, phục vụ. Nhà hàng phải là không gian mà thực khách có thể chuyên tâm thưởng thức tác phẩm của người đầu bếp. Thế giới nước hoa niche cũng khắt khe không kém thế giới ẩm thực của nhà hàng gắn sao Michelin: thiết kế thân chai phải tuyệt đối dọn đường cho cảm xúc người mua tập trung vào những nốt hương. Sẽ chẳng một ai mua nước hoa niche chỉ vì mẫu thiết kế bắt mắt.

LeLabo-perfume-1.jpg

Le Labo hiện đang là một trong những cái tên "hot" nhất hiện nay.

Khác với nước hoa của các nhà mốt được sản xuất công nghiệp, đại trà, mỗi dòng niche dường như chỉ nhắm đến một vài đối tượng nhất định – những người nảy sinh khoái cảm với áng hương kỳ quái được tổng hợp từ nguyên liệu dị biệt như lá ô liu, rễ cỏ vetiver, cây nữ lang, dây mật… Họ đến với niche bởi sự lôi cuốn của mùi hương chứ không phải vì những lọ thủy tinh mỗi năm ra vài kiểu dáng khác nhau. Nhà pha chế nước hoa Serge Lutens từng thừa nhận rằng ông không cần phải thực hiện bất cứ cuộc khảo sát hay chiêu trò tiếp thị nào cho những tác phẩm của mình, ông chỉ cần biết lọ nước hoa ấy có nói lên được trọn vẹn cảm xúc của mình hay không mà thôi. Và để nói rõ hơn, Serge Lutens đã viết nên lời đề từ cho lọ nước hoa Baptême du Feu: “Cảm xúc của tôi là chất lỏng. Tựa như sáp lỏng đổ vào khuôn, chúng quyết định điều gì sẽ quyến rũ tôi”.

Thậm chí, bạn còn chẳng bao giờ tìm được một chai nước hoa niche có màu xanh, đỏ, tím, hồng. Thierry Mugler Angel có thể mang sắc xanh êm đềm, Miss Dior hồng ngọt ngào, chứ thứ chất lỏng thần kỳ của L’Artisan Parfumeur, Frederic Malle… tuyệt nhiên chỉ mang sắc vàng, cam đơn thuần của tinh chất thơm. Hàng loạt câu hỏi: làm thế nào để hút được ánh nhìn của người mua, màu sắc của nước hoa có trùng với thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải không, những chiêu thức tiếp thị liệu có hiệu quả chăng… chưa bao giờ là mối bận tâm của các nhà tạo hương niche.

Bên cạnh đó, có vẻ như những nhà pha chế cũng không quan tâm lắm đến chuyện mở rộng việc buôn bán nước hoa niche ra thị trường. Một số loại được sản xuất giới hạn đến mức cá biệt như bộ nước hoa Exclusif của nhà Serge Lutens, giới mộ điệu chỉ có thể tìm thấy duy nhất ở cửa hàng Palais Royal, Paris. Vì sản xuất số lượng nhỏ như thế, các nhà làm nước hoa niche cũng chẳng mặn mà đến việc cải tiến thiết kế chai lọ.

Những diễn viên tài năng đã có tượng đồng Oscar của họ, những đầu bếp danh tiếng đã có ngôi sao Michelin trên kệ tủ. Không biết cần đến bao nhiêu giải FiFi Awards (trao cho những sáng tạo nước hoa hay nhất trong năm) mới đủ để vinh danh những triết lý mỹ học được các nhà sáng chế niche gìn giữ khắt khe trên từng tác phẩm của mình, bất chấp vòng xoáy khốc liệt của thị trường.

Theo Đẹp