An nhiên trâu ngựa giữa cỏ xanh Trà Lĩnh

tra-linh-1342.png

Thân trâu ngựa cứ tưởng là khổ sở lắm, nhưng khi nằm trên đồi cỏ xanh giữa thung lũng núi Mắt Thần, hưởng làn xuân phong ngào ngạt hương thơm của lộc rừng mới nhú, tai nghe đàn đàn trâu ngựa rào rào gặm cỏ mật, cỏ gấu, mới thấy chúng cũng thư thái, an nhàn lắm.

Cao Bằng, một mảnh non nước hữu tình, nên thơ trác tuyệt. Mảnh đất biên cương vùng cao này tuy cũng thuộc tỉnh miền núi, nhưng địa hình phần lớn là bằng phẳng, êm ái hơn Hà Giang rất nhiều. Con đường chạy ngoằn ngoèo, gần như cùng một cao độ, quanh co giữa những quả núi đơn độc.

Núi ở đây cũng tương tự những mạch sơn long ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, đều là núi già, đã bị mưa gió vạn năm bào mòn, gọt giũa nên dáng hình tròn trịa, mềm mại, trông rất gợi cảm, gợi tình. Hàng nghìn quả núi lúp xúp, trập trùng tạo nên dãy thành luỹ vạn niên kiên cố.

Con đường ôm núi mà đi, lựa núi mà uốn nên giống như con thần long vĩ đại, thấy đầu mà chẳng thấy đuôi, chỉ ngó thấy vạn sơn quanh một mảng đồng bằng xanh mướt những rừng tre ngút ngàn, những mảnh ruộng bằng phẳng trồng lúa thân cao, ngọn chớm mái nhà sàn Tày,Nùng nâu sẫm, rì rào tiếng coọng lấy nước dọc những con sông, con suối rì rào hầu như chẳng mấy khi hung dữ.

Đặc điểm của thế đất, dáng núi, hình sông ở đất này như vậy, nên mọi thứ thật bình yên lắm. Bảo sao đất đó lại có tên Cao Bằng cho dù tên cũ là Cao Bình từ thưở xa xưa. Đi giữa “nước non Cao Bằng”, nhìn đường nhìn núi, lòng lại cảm khái, muốn ngâm mấy câu thơ của Phan Hoàng:

Núi đi trong sương lạnh

Núi đi trong mây mù

Núi đi trong gió cuốn

Núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu.

Núi bí ẩn đàn đàn mã phục

Núi trùng trùng muôn vạn hùng binh

z5283115805442-5f6c16485b9e58cf6209de8ca5182715-2534.jpg

Đến đây, thấy trước mặt là con đèo Mã Phục hào hùng. Nếu cứ đi tiếp thì sẽ đến những thắng cảnh đệ nhất kỳ quan như thác Bản Giốc của huyện Trùng Khánh. Còn nếu rẽ sang tay trái, sẽ đi vào mảnh đất Trà Lĩnh có cửa khẩu Trà Lĩnh quan trọng tựa yết hầu.

Thường người ta đi trảy Cao Bằng sẽ ít ghé vào Trà Lĩnh, mà thường trực chỉ Trùng Khánh mỹ miều với dòng Quây Sơn tươi đẹp vùng biên viễn hoặc tới những địa chỉ đỏ như Hang Pác Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác ở huyện Hà Quảng. Chỉ có dân làm ăn buôn bán mới đi vào Trà Lĩnh.

Thế là đã bỏ sót một vùng “tuyệt tình cốc” diễm lệ vô cùng, với hồ Thang Hen và núi Mắt Thần. Những vẻ đẹp này nằm ẩn giấu giữa rừng sâu, chỉ được phát hiện bởi những gã phượt thủ phiêu du cách đây hơn 15 năm. Hồ Thang Hen là hồ nước ngọt tự nhiên nằm trên núi cao nhất của Việt Nam, còn núi Mắt Thần là quả núi độc nhãn với một con mắt được soi thủng giữa núi.

Trong tiếng Tày, núi Mắt Thần được gọi là “Phja Piót”, dịch ra là cái núi bị thủng một lỗ, dùi xuyên qua như để gió lùa thông thống bên nọ sang bên kia. Còn như đánh giá của các nhà địa chất, núi Mắt Thần thật ra là một cái hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m.

Dưới chân núi Mắt Thần (hay còn gọi là núi thủng) là một savan (thảo nguyên) rất đỗi yêu kiều, có mấy đồi đất vồng lên như bầu ngực sơn nữ xuân thì, có những bãi cỏ bằng phẳng và hố nước. Có thể thấy đôi chút ngạc nhiên khi ở ở vũng lầy giữa savan có một vài chiếc bè tre kết theo kiểu đặc trưng ở vùng này.

Cũng chẳng quái lạ lắm đâu. Vào mùa hè, nước mưa từ trên trời đổ xuống, làm dâng nước từ các vô số con suối quanh đây, nhấn chìm cả vùng savan. Khi đó, nước ở chân núi Mắt Thần và hệ thống hồ Thang Hen gồm 36 hồ cùng liên thông, biến nơi đây thành một hồ nước, chỉ có thể di chuyển bằng bè mảng.

z5283115816330-342f741b7e52d845b2d5d04140798166-5537.jpg

Đến cuối mùa đông, nước rút đi, để lại mặt đất khô ráo và đó là lúc cỏ mọc tốt tươi, các loại gia súc như trâu, bò, ngựa, dê lũ lượt được lùa vào kiếm ăn. Cả ngày, chúng tha thẩn gặm cỏ, khát ra hố uống nước, nóng kiếm vũng bùn để đầm, không phải làm lụng gì cả. Tối đến, con nào lại được lùa về nhà con đấy để ngủ.

Đó là một cuộc sống an nhàn khiến con người bận rộn cũng phải ghen, thèm muốn. Nào ai có thể buông bỏ tất cả mà đến đây, ung dung gặm cỏ trời cho, uống nước trời rót như bầy trâu ngựa chốn đây. Nhất là với những người mang nghiệp doanh nhân.

Chỉ sau vài tuần, những con ngựa đã béo đỏ, lông mượt óng. Cuối xuân sang hè, chúng đã không còn vẻ hốc hác, tiều tuỵ nữa rồi. Chúng nhởn nhơ gặm cỏ, gãi bờm vào hòn đá rồi hứng chí cả bầy rủ nhau phi trong savan để giãn gân giãn cốt.

Thật là sung sướng chưa? Tiếng mõ trâu nhạc ngựa trên cổ chúng cứ lúc lắc leng keng như đánh nhạc cho cuộc sống thêm chút lãng mạn thần tiên. Thế nên, cũng cố bắt chước lũ trâu ngựa đó, vào lánh đời ở không có sóng điện thoại hay 4G, không có cả những tiện nghi lưu trú tối thiểu như nhà vệ sinh hay nhà tắm.

Cũng chẳng có luôn điện hay nước nếu như không mang ắc-quy và nước đóng chai vào. Ở đó, chỉ có một dãy lều trại để ngủ, để ngồi ăn uống “chill chill”. Vứt xe ở bãi đất, leo xuống một con dốc dài chừng 200m là vào đến savan. Nếu có lều thì tự dựng, còn không thuê của dân địa phương làm dịch vụ.

z5283115758366-967d9c5be802f9d7c807cccee8f975d6-5797.jpg

Đêm ở savan rất yên tĩnh. Không có tiếng động nào ngoài tiếng gió thổi, tiếng côn trùng rả rích, tiếng lửa cháy lốp bốp để sưởi ấm hay nướng đồ ăn, và tiếng nói chuyện của con người. Trời lạnh làm sụt pin của điện thoại và những cục sạc dự trữ khá nhanh, thế nên lại có thêm thời gian để đọc sách hoặc trò chuyện bên chén rượu nồng.

Vào những hôm đẹp trời, bầu trời như sa xuống gần tầm tay với, khoe những vì sao vừa sáng, vừa to hơn ở thành thị. Sao sáng lắm, sáng như mắt của trẻ con, của những tâm hồn chưa bị bụi hồng trần và gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng. Chợt nhớ về những đêm nằm ngắm sao xuông ở Lũng Cú, ở Ma Lé, ở Đồng Cao. Có gì đó vừa chảy, làm ướt mềm con tim chai sạn.

Khi ánh bình minh ló rạng, hãy gạt cơn thèm ngủ mà chui ra khỏi lều để đón những ánh nắng đầu tiên cùng tiếng chim rít rít trong tàng cây. Đó cũng là lúc savan lột xác bởi tiếng bước chân của những đàn trâu đi vào thung lũng. Những tia nắng hồng len lỏi qua các đỉnh núi bao quanh để vào được đây, dần dần thắp sáng cả savan.

Ngồi hít thở bầu không khí trong veo, mát lành cũng là một sự chiều chuộng dành cho bộ phổi quá mệt mỏi vì khói xe, bụi mịn, hay mù quang hoá. Hít thật chậm, thật sâu lấy đầy oxy, mùi phân trâu, mùi cỏ mới, mùi nhựa cây, mùi bùn mới sục để tận hưởng “bữa sáng khoan khoái’.

Khi trời đã ấm áp hẳn, những hơi lạnh còn lẩn quất đã tan biến triệt để, đun phích nước nóng, xách ấm trà, cùng sách lên ngọn đồi sạch sẽ để mở một cuộc trà. Trên đường đi, ngắt thêm chùm hoa dại không tên, trắng muốt, thơm như hoa mộc tê để bày thưởng hương ngắm sắc.

Rồi cứ thế mà nằm giữa cỏ xanh, nắng ấm mà hưởng thụ sự nhàn rỗi xa xỉ. Nhấm nháp một chén trà ngon, ngồi đối diện với ngọn núi độc nhãn mà quán tưởng linh tinh về cuộc đời. Để thấy rằng, nếu như ngọn núi đó không trống rỗng, sao nó có thể chứa được sự hiếu kỳ của nhân gian.

z5283115712856-b437cf22495fcae036fa903989e0da3c-8102.jpg

Những trang sách lật phật, gió vi vu cất lên, mang hương thơm của chùm hoa dại đi khắp chốn, mắt lại chợt ríu lại. Buồn ngủ cứ ngủ thôi, chẳng ai để ý cả. Những con ngựa đang mải gặm cỏ lang thang. Những con trâu đang bận đằm mình trong vũng bùn. Những con chó cũng đang bận phơi mình trong nắng.

Đã bao lâu rồi, anh không phải vướng bận điều gì, được rơi vào một không gian không phải lo lắng về điều gì như thế này. Phải là từ rất lâu đúng không anh, con người thành thị mê mải chốn thương trường?