Trò chuyện với Tạp chí Thương Gia, Tổng Giám đốc Newday Media Lê Hải Yến không giấu diếm việc, nhìn dáng người mảnh mai, có vẻ tiểu thư của chị, nhiều đối tác tỏ ra nghi ngại về tính hiệu quả công việc… Tuy nhiên, Hải Yến đã chứng minh rằng, tất cả các sự kiện chị đạo diễn và tổ chức đều đã tạo nên những dấu ấn rực rỡ.
Từng qua trường Văn hóa nghệ thuật và có giọng hát hay, nhưng chị không chọn con đường nghệ thuật chuyên nghiệp mà chuyển sang khởi nghiệp liên quan đến nghệ thuật – truyền thông và tổ chức sự kiện. Cơ duyên nào khiến chị gắn với công việc hiện tại?
Ông bà, các cô và một số người họ hàng của tôi trước đây đều là nghệ sĩ theo dòng âm nhạc truyền thống. Ông bà là những cánh chim đầu đàn trong làng cải lương đất Bắc. Tôi thấy những người nghệ sĩ ngày xưa họ tài năng thật sự và rất say đắm với nghề. Bởi để thành công với bộ môn nghệ thuật cải lương, tuồng hay chèo… thì những người nghệ sĩ xưa phải hội đủ nhiều yếu tố: Không chỉ yêu cầu có giọng ca tốt mà họ còn phải biến diễn xuất, diễn mặt, diễn võ, tập tuồng tốt – những môn bắt buộc học từ bé.
Tuy nhiên thực tế hiện nay các chiếu chèo, vở cải lương… không còn được nhiều người để ý vì không còn phù hợp với xu hướng. Thậm chí như ông tôi, thuở sinh thời còn rất công phu trong việc viết kịch, viết sách và có những tác phẩm rất hay nhưng những tác phẩm đó hiện đang dần bị mai một. Tiếc nuối với những bộ một nghệ thuật dân gian đang dần rơi vào quên lãng mà người thân của tôi từng gắn bó, tôi đã chọn là người đứng ra tiếp tục kể những câu chuyện về văn hoá dân tộc Việt Nam với mong muốn giữ lại được phần nào những di sản sân khấu đó.
Lý do thứ hai là khi đi xem sản phẩm nghệ thuật ở các nơi ở trên thế giới, tôi thấy buồn khi chúng ta thiếu sự liên kết tài năng, thiếu sự hợp sức của những người đạo diễn giỏi, thiếu người kể chuyện để có thể nâng tầm các sản phẩm nghệ thuật của mình lên tầm quốc tế, để đưa những sản phẩm tốt đến với công chúng thế giới. Điều đó càng thôi thúc tôi phải đứng ra để làm điều này.
Được biết, trước khi khởi nghiệp, chị đã từng có thời gian làm việc ở một tập đoàn lớn sau khi ra trường. Động lực nào khiến chị từ bỏ công việc đang được các bạn trẻ mơ ước để khởi nghiệp ở một lĩnh vực khác?
Thực ra tôi vẫn theo đuổi một lĩnh vực. Chẳng qua là trước đó tôi đi bộ, bây giờ tôi chọn đi xe máy, đi ô tô. Khi mới ra trường, tôi làm tại một tập đoàn với công việc chuyên môn là trợ lý tổng hợp cũng như phụ trách các công việc về hành chính và tổ chức các sự kiện, các hoạt động truyền thông nội bộ. Mặc dù các hoạt động tại tập đoàn cũng là những hoạt động có quy mô lớn nhưng nếu ở lại, tôi thấy mình không thể phát huy thêm được nữa. Cảm giác lúc đó của tôi giống như “con cá bơi trong bể”, chưa thoát ra được khỏi bản ngã nên muốn bứt phá để tiếp tục tìm tòi, học hỏi.
Khi quyết định khởi nghiệp, mong muốn cháy bỏng lúc ấy của chị là gì?
Mong muốn và cũng là khát vọng luôn luôn đau đáu trong tôi đó là tạo ra những sản phẩm sử dụng bản sắc văn hoá và mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế; biến những sản phẩm đó thành những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế đối với đất nước.
Người ta nói người giỏi có thể biến những bình thường trở nên đặc biệt, biến những thứ phức tạp trở nên đơn giản. Ví dụ, cũng là đạo diễn nhưng cách tiếp cận, góc nhìn cũng như cách làm của người phương Tây có sự khác biệt. Thực tế, các cảnh quay của họ về An Nam, Đông Dương xưa rất đẹp; hay những hình ảnh về cuộc sống bình thường, bề bộn nhưng qua góc nhìn của họ lại trở nên đẹp lạ thường.
Gần đây các sản phẩm nghệ thuật của chúng ta cũng đã được nâng tầm lên rất nhiều. Tuy nhiên đối với họ, chúng ta vẫn chậm chân một bước. Đó là lý do vì sao tôi muốn trở thành đạo diễn, trở thành một CEO về truyền thông để biến những thứ bình thường như thế thành những thứ đẹp đẽ trong mắt người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Vừa qua Newday Media đạt giải Vàng tại Giải thưởng doanh nghiệp quốc tế 2023 ở hạng mục Nghệ thuật, Giải trí và Cộng đồng - Sự kiện văn hóa. Giải thưởng này từng được tạp chí New York Post - Mỹ xem như "Giải Oscar dành cho giới kinh doanh" và là giải thưởng "Uy tín nhất toàn cầu dành cho cộng đồng doanh nghiệp". Chị có thể chia sẻ thêm về những cố gắng Newday Media để đạt giải thưởng này?
Đây là lần thứ 3 Newday Media đạt cúp vàng tại giải Stevie Awards danh giá. Ekip Newday Media rất tự hào về giải thưởng này. Giải thưởng không chỉ có ý nghĩa đối với tôi mà còn đối với toàn bộ đội ngũ của tôi, vì nó chứng minh những nỗ lực và sáng tạo mà chúng tôi đã dành cho việc giới thiệu văn hóa và di sản Việt Nam đến với thế giới.
Sản phẩm mà Newday Media đem đến cuộc thi là chương trình “Xoè Thái – Tinh hoa miền di sản” – điểm nhấn của Lễ hội văn hoá, du lịch Mường Lò 2022. Lễ hội đã khắc hoạ sâu sắc dấu ấn văn hoá bản địa, tôn vinh giá trị di sản văn hoá phi vật thể của loại hình nghệ thuật Xoè Thái ở Yên Bái cũng như của người dân tộc Thái các tỉnh Tây Bắc.
Chương trình là một vở đại nhạc vũ kịch dân gian với sự tham gia của hơn 3.000 diễn viên với kết cấu non-stop kể về sự ra đời của người Thái, dòng chảy lịch sử văn hoá của họ qua từng thế hệ, để từ đó làm nổi bật lên điệu Xoè di sản – điệu Xoè của sự gắn kết cộng đồng đặc sắc và trường tồn. Sự kiện có sự theo dõi trực tiếp của gần 20.000 khán giả và hàng triệu khán giả xem truyền hình.
Sau quá trình hai tháng xét duyệt kỹ lưỡng bởi hơn 230 chuyên gia trên toàn thế giới, Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò 2022 đã chinh phục hội đồng giám khảo và nhận được nhiều đánh giá cao. Tôi rất tự hào vì mặc dù mình có thể nhỏ bé khi đứng trước những tập đoàn có tên tuổi trên thế giới nhưng những sản phẩm mình làm ra đều là những sản phẩm có giá trị lớn.
Chị đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua các sự kiện rất quy mô và được tổ chức bài bản, công phu… Có thể gọi chị là “đại sứ du lịch” cũng không ngoa, thưa chị?
Tôi không phải là đại sứ du lịch. Đại sứ du lịch là đại diện đứng ra quảng bá du lịch còn tôi là người đứng sau tất cả. Nhưng tôi sẽ tạo ra những hình ảnh đại diện, câu chuyện đại diện, bản sắc văn hoá, thương hiệu du lịch cho các tỉnh, thành phố. Mỗi địa danh đặt chân đến, tôi sẽ biến những di sản văn hoá của họ trở nên sống động, được công chúng đón nhận đầy hứng thú và khiến họ thoải mái chi trả tài chính cho việc thưởng thức di sản đấy.
Với dáng người mảnh mai xinh xắn, trẻ trung và trông rất tiểu thư đài các, thoạt nhìn tôi không nghĩ chị có thể làm tổng đạo diễn những sự kiện hoành tráng diễn ra trong thời gian vừa qua. Có khi nào chị cảm thấy những sự kiện ấy quá sức với mình?
Không chỉ mỗi bạn mà nhiều người cùng chung suy nghĩ như vậy khi so sánh vẻ mảnh mai của tôi với quy mô hoành tráng của những sự kiện diễn ra vừa qua. Trước đó có chị lãnh đạo một thành phố lần đầu tiên gặp tôi và cũng ái ngại hỏi rằng: Trông em như này thì liệu có làm được không?
Tuy nhiên tôi đã trả lời: “Em cũng giống như nước, không gì mềm mại bằng nước và không gì mạnh như nước…” (cười). Và cuối cùng tôi đã chứng minh được lời tôi nói ra là đúng.
Khi ông trời trao cho bạn một sứ mệnh đặc biệt thì bạn cũng sẽ được trao một nguồn năng lượng đặc biệt. Đó chính là nguồn năng lượng của sự đam mê và tận hiến. Giống như câu chuyện của chương trình "Dòng sông kể chuyện" thuộc Lễ hội sông nước TP.HCM diễn ra năm ngoái. Đây là chương trình nghệ thuật đồ sộ và nặng nhất trong sự nghiệp của tôi tính đến thời điểm hiện tại. Sự khó khăn lên đến cực độ bởi nó khó về địa điểm, về thời gian, khó về thời tiết, khó về con người, khó về mọi thứ: dòng sông bán nhật triều không phẳng lặng, từng tảng lục bình trôi trên sông to rộng như cả toà nhà, rồi thời tiết lúc diễn ra sự kiện đúng mùa mưa... Tất cả mọi mũi tên đều chĩa vào chúng tôi cùng một lúc.
Điều gì đã giúp chị vượt qua được vô vàn khó khăn đó?
Đó là niềm tin. Tôi có niềm tin rằng, dù khó khăn tới đâu tôi cũng sẽ thành công. Theo tôi, niềm tin là thứ quan trọng nhất khi mình làm một việc gì đấy. Điều đó đã khiến tôi vượt qua mọi thứ đều không thuận lợi khi tổ chức chương trình "Dòng sông kể chuyện".
Cái thứ hai giúp tôi chiến thắng khó khăn đó là sự quyết tâm. Các bạn nhân viên thường gọi tôi là “siêu nhân” vì trong quãng thời gian làm việc từ lúc ra trường tới giờ, tôi mới nghỉ đúng 2 dịp. Dịp thứ nhất đó là ngày đầu sinh con, đến ngày thứ 2 tôi đã có thể online để làm việc. Thêm một ngày tôi nghỉ nữa là lúc bị sốt xuất huyết.
Đúng là chị có một năng lượng thật sự đặc biệt. Tuy nhiên phải thừa nhận những người tổ chức sự kiện rất dễ gặp stress nhất là những người đứng đầu…
Tôi thường so sánh vui, công việc của mình giống như những bà mẹ khi đau đẻ. Lúc chuẩn bị sinh, bạn rất đau đớn, vật vã và có người thề sẽ không bao giờ đẻ nữa. Nhưng cuối cùng lời thề đó đều bị phá bởi khi đứa con xinh xắn được chào đời, bạn sẽ quên đi tất cả những đau đớn trước đó để đẻ tiếp những đứa sau.
Trong thời gian tới Newday Media sẽ làm gì để đạt được mục đích đang theo đuổi, đó là trở thành một trong những nhà tổ chức sự kiện xuất sắc nhất trong khu vực?
Để đạt được mục đích đang theo đuổi, Newday Media vẫn đi theo con đường khai thác những giá trị văn hoá thông qua tổ chức các sự kiện chạm đến cảm xúc của người xem. Để rồi sau khi kết thúc sự kiện, tự mỗi khán giả sẽ có được cái nhìn đầy đủ về văn hóa, lịch sử và những giá trị tinh hoa trên bản đồ du lịch của đất nước. Quan trọng hơn, khán giả sẽ có được câu trả lời rằng chúng ta nên ứng xử thế nào, nên tri ân, trân trọng, gìn giữ và phát huy di sản thiên nhiên quý giá của địa phương mình như thế nào.
Khó khăn nào khiến chị nhớ nhất đến thời điểm hiện tại?
Tôi nhanh quên những khó khăn mà mình đã trải qua bởi tôi luôn nghĩ ra giải pháp khi gặp vấn đề. Ở công ty, tôi cũng luôn khuyến khích các bạn nêu giải pháp chứ không nêu vấn đề. Trong cuộc sống hay khi tổ chức chương trình dù lớn hay nhỏ đều gặp vấn đề. Tuy nhiên cách thức cũng như sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề như thế nào mới là điều quan trọng. Thế nên ở thời điểm này, mọi khó khăn tôi đều đã giải quyết được nên không có gì để kể (cười).
Với gần 15 năm kinh nghiệm trong nghề, theo chị, để thành công trong lĩnh vực này cần những yếu tố gì?
Nhiều người sẽ không phân biệt được chính xác giữa yêu, đam mê và sự cống hiến. Có thể có những người thích nhưng chưa phải là yêu, có những người yêu nhưng chưa đam mê, và có những người có sự đam mê nhưng chưa có sự cống hiến. Theo tôi những người thành công, những tỷ phú… đều là những người sẵn sàng hi sinh để theo đuổi niềm đam mê của họ. Do đó mình phải phân biệt được giữa thích, yêu, đam mê và cống hiến bởi trong cống hiến đã có sự hi sinh về thời gian, sức lực và tuổi trẻ thậm chí là gia đình…
Yếu tố thứ 2 là sự kiên trì, bền bỉ. Sự kiên trì, bền bỉ là điều rất khó đối với các bạn trẻ vì các bạn thường thích đi nhanh hơn là kiên trì. Tuy nhiên thành công thì không thể đi nhanh được. Những cái gì nhanh chắc chắn tiềm ẩn mối nguy hiểm. Giống như thuốc cũng vậy. Nếu có hiệu quả nhanh ắt sẽ có nhiều tác dụng phụ. Thế nên sự thành công có thể có được bằng sự bền vững thì phải kiên nhẫn, kiên trì, bền bỉ, yêu, đam mê và tận hiến.
Xin cảm ơn chị!
Bài: Hồ Hường
Thiết kế: Hoàng Nam