HI-end thời số hoá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
HI-END-THỜI-SỐ-HÓA.jpg

Đi cùng với sự phát triển vượt bậc của internet, nhạc số chất lượng cao và các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đã mang đến một diện mạo mới cho ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Đây là những yếu tố quan trọng nhất trong việc thay đổi cách công chúng nghe nhạc, cách nghệ sĩ, các hãng ghi âm và nhà phát hành kinh doanh sản phẩm của mình…

Hãy trở lại những ngày cuối cùng của năm 2015, khi album 25 của nữ ca sĩ Anh quốc Adele chính thức phát hành. Bên cạnh việc thiết lập một loạt kỷ lục về doanh thu, nó còn được nhiều tờ báo lớn tôn vinh và coi như liều thuốc “tăng lực” kịp thời cho thị trường âm nhạc truyền thống đang ngày càng ảm đạm.

Với 15 triệu bản bán ra trên toàn cầu sau đúng một tháng ra mắt, album này đã buộc người ta chịu đứng dậy ra cửa hàng, mua các định dạng lưu trữ vật lý (CD và LP – tức đĩa nhựa) thay vì ngồi nhà download hoặc thưởng thức từ các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang bùng nổ nhanh chóng. Nói rộng ra, nó khiến lớp thính giả trẻ tuổi cảm thấy hào hứng hơn với việc thực sự sở hữu một sản phẩm âm nhạc, thứ mà họ đang dần lãng quên hoặc chưa hề biết tới – kể từ khi định dạng nhạc nén MP3 và kênh YouTube xuất hiện.

music-streaming-devices1.jpg

Nhưng tính từ đầu năm 2016 tới nay, doanh số đĩa CD tiêu thụ trên toàn cầu đã liên tục sụt giảm và không có dấu hiệu tăng trở lại, trong khi đó, ngạc nhiên thay, doanh thu từ đĩa nhựa vẫn chậm rãi nhích lên và cho tới giữa năm 2020, đã chính thức vượt qua CD – lần đầu tiên sau 34 năm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc chơi đồ âm thanh ngày nay đã trở nên dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, chi phí cũng thấp hơn, qua đó thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của giới trẻ. Riêng trào lưu download nhạc số sụt giảm, lý do duy nhất vẫn là sự bùng nổ của các dịch vụ nghe nhạc chất lượng cao trực tuyến, đã bắt đầu phát triển từ đầu năm 2017.

Nghe nhạc trực tuyến (hoặc truyền dẫn trực tuyến – streaming) vốn không có gì xa lạ. Giới trẻ toàn cầu đã từ lâu quen thuộc với những dịch vụ như Spotify, SoundCloud, Google Music, YouTube Music… Ở Việt Nam thì có thêm Zing MP3 hay Nhaccuatui cũng được ưa chuộng không kém. Nhưng tất cả những dịch vụ này đều cung cấp thứ nhạc nén dung lượng thấp.

high-end-music-streaming-devices1.jpg

Trước đây, chỉ có TIDAL – thuộc sở hữu của cặp vợ chồng ca sĩ Jay-Z và Beyoncé – là cho người dùng thêm lựa chọn về chất lượng: tương đương đĩa CD (16bit/44kHz) hoặc cao hơn, lên đến 24bit/192kHz. Giới chuyên môn gọi đó là âm thanh Hi Res – high resolution, tức độ phân giải cao. Mỗi tháng, người dùng chỉ phải trả khoảng 20 USD – bằng tiền mua một đến hai đĩa CD “xịn” – là có thể thoải mái “ngụp lặn” trong kho nhạc khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn album, có thể nghe mọi nơi mọi lúc, miễn là có kết nối internet băng thông rộng.

pj-bd-s2-streamingset-ipad__large_full.jpg

Sau hơn hai năm làm bá chủ thị trường – đặc biệt trong giới audiophile, cho đến giờ, TIDAL cũng đã phải chia lại thị phần cho nhiều đối thủ khác cũng cung cấp những sản phẩm tương tự, như Deezer, Qobuz, Amazon Music HD, HighResAudio, Primephonic (chuyên nhạc cổ điển). Sau khi đàm phán mua lại TIDAL bất thành, Apple cũng đã chính thức nhảy vào sân chơi cao cấp này và gần đây nhất, Spotify cũng đã công bố về gói thuê bao Supremium, với lời cam kết về chất lượng âm thanh đạt chuẩn “độ phân giải cao”.

Ở Việt Nam hiện nay, Apple Music đang nắm lợi thế lớn về giá cả với gói Family chỉ 100.000 đồng, nhưng cho 6 người dùng với chất lượng âm thanh ở mức cao nhất. Đáng kể hơn, người dùng điện thoại chạy hệ điều hành Android cũng có thể nghe nhạc bằng Apple Music như người dùng các thiết bị của “nhà Táo”. Bài toán đặt ra cho Spotify chính là một mức giá hợp lý để thu hút người dùng đến với gói Supremium, khi các lợi thế về giao diện, AI (trí tuệ nhân tạo) đã không còn hiệu quả như xưa nữa.

ifi-neo-stream-main-09__49037.1684413912.jpg

Với nhóm người nghe trẻ tuổi, nhạc số chất lượng cao trực tuyến coi như thỏa mãn được mọi nhu cầu: âm thanh chuẩn chỉnh, kho nhạc không giới hạn, tính tiện dụng và cơ động cực kỳ cao. Ngay cả các audiophile cấp tiến cũng dễ dàng thỏa hiệp được với xu thế này. Sự phát triển của các hình thức kết nối không dây như wi-fi, bluetooth giúp họ thoải mái phát nhạc trực tuyến từ các thiết bị cầm tay tới “phần còn lại của hệ thống âm thanh” mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nếu không quá cầu kỳ, một chiếc loa di động cũng có thể mang đến sự hài lòng với âm nhạc. Vừa tiền cũng có, mà “tiền tấn” cũng có – như mẫu SF16 của Sonus Faber, giá lên đến hơn 300 triệu đồng.

Không còn là tương lai, nhạc số trực tuyến đã trở thành xu hướng thưởng thức được toàn thế giới chấp nhận, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Chẳng cần bước chân ra khỏi cửa mà vẫn nghe được mọi thứ mình thích, nắm bắt được mọi xu hướng mới nhất, thịnh hành nhất, với chất lượng âm thanh cao nhất, theo cách đơn giản nhất, không ngạc nhiên vì sao nhạc số trực tuyến lại nhanh chóng lấn át được mọi loại hình thưởng thức âm nhạc trước đó.

Nhưng không phải ai cũng thích điều này, nhất là giới nghệ sĩ. Từng có một thời gian, Taylor Swift gỡ hết album nhạc của mình khỏi Spotify do không đạt được các thỏa thuận về doanh thu. Cô muốn người nghe phải trả tiền cho từng ca khúc họ nghe thay vì đóng phí hoạt động hàng tháng, bởi “âm nhạc là nghệ thuật, và nghệ thuật thường quan trọng và hiếm hoi. Mà những thứ quan trọng và hiếm hoi thường có giá trị cao. Phải trả tiền để sở hữu những thứ có giá trị cao. Âm nhạc không nên là đồ miễn phí…”.

Cũng như vậy, album 25 của Adele khi mới ra mắt đã không hề hiện diện trên bất kỳ dịch vụ truyền dẫn nhạc số chất lượng cao nào – đó cũng là một lý do quan trọng để bản CD đạt mức tiêu thụ khủng khiếp đến vậy.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn luyến lưu với truyền thống, với việc nâng niu một album nhạc dạng “vật lý” trên tay, với việc lúi húi đi lại chọn đĩa, thay đĩa, coi đó như một sự trân trọng đam mê của mình. Đó là chưa kể những ý kiến cho rằng nhạc số “chi tiết nhưng lạnh lùng và vô cảm”, không có sự mộc mạc, êm ái của đĩa than hay sự trong trẻo của đĩa CD phát qua những bộ cơ đắt tiền.

high-end-music-streaming-devices.jpg

Trong khi đó, trường phái ủng hộ nhạc số chất lượng cao lại nhấn mạnh đến sự tiện lợi: thao tác hoàn toàn trên máy tính, smartphone hay máy tính bảng, không tốn diện tích cho bộ sưu tập CD hay đĩa nhựa, âm thanh sáng sủa, tách bạch, rõ ràng, sân khấu ba chiều rộng rãi, đặc biệt phù hợp với các dòng nhạc hiện đại. Bên nào cũng có lý lẽ riêng dù tất cả đều dựa trên thói quen và cảm tính, nhất là những tranh cãi về chất lượng âm thanh.

McIntosh-MA252-Main.jpg

Và nghe nhạc trực tuyến đồng nghĩa với việc người sử dụng không thực sự bỏ tiền ra mua bất kỳ một album hay thậm chí một ca khúc nào, chỉ cần bỏ ra một khoản phí sử dụng dịch vụ hàng tháng là có thể nghe nhạc mọi nơi, mọi lúc, nhờ internet tốc độ cao – thứ đã phổ biến tới tận hang cùng ngõ hẻm. Theo đó, không chỉ nhu cầu mua đĩa CD, kể cả việc download và lưu trữ các album nhạc trong ổ cứng cũng sẽ dần biến mất…

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có một dịch vụ nghe nhạc số độ phân giải cao chính thức hỗ trợ thị trường Việt Nam, là Apple Music. Tuy nhiên, Apple Music hầu như không được hỗ trợ trên các thiết bị truyền dẫn nhạc số phổ biến, từ bình dân tới cao cấp. Để sử dụng được TIDAL, Qobuz, Amazon Music HD hay Deezer, các audiophile phải sử dụng một vài thủ thuật đơn giản, “lách qua khung cửa hẹp” và tận hưởng chúng theo cách đơn giản nhất có thể. Mức phí trung bình 10 – 25 USD/tháng (khoảng 240.000 – 520.000 đồng) cũng nằm trong mức có thể chi trả của nhiều người, đặc biệt là những audiophile từng bỏ ra cả chục triệu mua CD hay đĩa nhựa hàng năm.

Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) ghi nhận, trong năm 2022, doanh thu từ các dịch vụ âm nhạc trực tuyến ở Mỹ đã đạt tới con số 13,3 tỷ USD, chiếm đến 84% tổng doanh thu toàn ngành. Doanh thu từ bán sản phẩm vật lý (CD, đĩa nhựa, cassette, DVD, blu-ray) chỉ chiếm 4%. Tổng cộng, đã có khoảng 92 triệu người Mỹ đã đăng ký tối thiểu một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Còn ở Việt Nam, số người chạy theo xu thế này cũng không ngừng tăng lên, đặc biệt sau khi Spotify chính thức gia nhập thị trường, cạnh tranh với Apple Music hay Zing MP3 vốn là những dịch vụ quen thuộc trước đó.

Có thể bạn quan tâm