Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục giữ vị trí là thị trường lớn nhất cho đồng hồ Thụy Sĩ vào năm 2023. Cụ thể, tổng lượng nhập khẩu vào quốc gia tỷ dân đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế của đại lục xuống dốc.
Trong khi đó, nước Mỹ đứng ở vị trí thứ hai, với kim ngạch nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ có trị giá là 3,9 tỷ USD, thấp hơn 24% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc và Hồng Kông cộng lại.
Hồng Kông, nơi doanh số bán đồng hồ chủ yếu đến từ người mua đại lục, đã chứng kiến lượng nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ tăng 25,5% từ tháng 1 đến tháng 10/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ (FH), giúp khu vực này trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên toàn cầu.
Mặc dù những con số này có thể cho thấy sự tăng trưởng tích cực của đồng hồ Thụy Sĩ trên thị trường đồng hồ quan trọng nhất thế giới, nhưng liệu chúng đã đáp ứng được những kỳ vọng như mong đợi sau khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 hay chưa?
Vào năm 2023, các vấn đề kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã có tác động sâu rộng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến sự phục hồi trên thị trường đồng hồ bị hạn chế. Nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ của Trung Quốc đã tăng 9% trong 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn 5% so với 2021.
“Kỳ vọng ban đầu là khá cao. Chúng tôi đã quá lạc quan và phấn chấn. Nhưng thực tế đã , Antoine Pin, Giám đốc điều hành bộ phận đồng hồ của Bulgari, chia sẻ với Jing Daily.
Vậy, kết thúc năm 2023 và bước sang 2024, liệu đồng hồ xa xỉ Thuỵ Sĩ có thể tiếp tục phục hồi và phát triển tại thị trường tỷ dân khi mà kinh tế được kỳ vọng sẽ cải thiện tích cực hơn?
LẠC QUAN NHƯNG THẬN TRỌNG
Theo báo cáo về ngành đồng hồ Thụy Sĩ của Deloitte công bố vào tháng 10/2023, thị trường đồng hồ Trung Quốc có thể biến động theo cả hai hướng.
Cuộc khảo sát với các giám đốc điều hành cấp cao của ngành đồng hồ Thụy Sĩ cho thấy 51% dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm hoặc trì trệ vào năm 2024, trong khi 49% kỳ vọng tăng trưởng.
“Đối với năm 2024, tôi sẽ cực kỳ thận trọng. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023”, ông Antoine Pin của Bulgari khẳng định.
Trong khi các thương hiệu đồng hồ xa xỉ bày tỏ sự lạc quan thận trọng cho năm 2024, thì một báo cáo của McKinsey được công bố gần đây đã nhắc tới đồng hồ như một trong số ít danh mục xa xỉ sẽ nổi lên là mặt hàng ưa thích trong chi tiêu tùy ý, khi người tiêu dùng tìm cách đầu tư vào những món đồ sẽ duy trì giá trị theo thời gian.
Nghiên cứu Deloitte nói trên cũng nêu bật những phát hiện tương tự. Tại Hồng Kông, hơn 30% người tiêu dùng được khảo sát gần đây cho thấy họ quan tâm đến việc mua đồng hồ như một khoản đầu tư để phòng ngừa lạm phát. Trên toàn cầu, 21% số người được hỏi dự định mua đồng hồ xa xỉ cho mục đích đầu tư trong 12 tháng tới.
Karine Szegedi, Đối tác quản lý ngành Công nghiệp tiêu dùng, Thời trang và Cao cấp tại Deloitte Thụy Sĩ, cũng là tác giả của báo cáo, giải thích: “Ở Trung Quốc, nơi các vấn đề kinh tế vĩ mô đang xuất hiện, đồng hồ xa xỉ hiện đang được coi là tài sản thay thế thú vị cho các cá nhân có thu nhập ròng cao”.
Củng cố thêm cho những phát hiện này, số liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ một lần nữa thể hiện rõ nhu cầu toàn cầu đối với đồng hồ giá trị cao không hề hạ nhiệt bất chấp suy thoái kinh tế ở các thị trường lớn. Đáng chú ý, đồng hồ có giá từ 3.452 USD trở lên chứng kiến xuất khẩu toàn cầu tăng 9% từ giai đoạn tháng 1 đến tháng 10/2023 so với năm trước.
TRẢI NGHIỆM MUA HÀNG, HÌNH ẢNH THƯƠNG HIỆU
Hệ sinh thái thương mại điện tử của Trung Quốc được cho là một trong những hệ sinh thái được mở rộng và tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn (55%) người tiêu dùng Trung Quốc được Deloitte khảo sát thích mua đồng hồ xa xỉ ở các cửa hàng truyền thống vì đó là một trải nghiệm đầy cảm xúc đối với họ, bà Karine Szegedi nói với Jing Daily.
CEO Antoine Pin của Bulgari giải thích rằng, người tiêu dùng càng xem nhiều nội dung trên nền tảng kỹ thuật số thì họ càng muốn thử nghiệm các sản phẩm tại cửa hàng vì họ muốn chính mắt mình xác nhận lại những gì được quảng bá trên mạng, thêm vào đó là cảm giác sang trọng mà họ được đón tiếp, phục vụ sao cho xứng đáng với số tiền lớn mà họ bỏ ra.
Cũng theo báo cáo của Deloitte, phương thức mua sắm tại cửa hàng sẽ tiếp tục có tác động lớn tới doanh số bán hàng, với 62% giám đốc điều hành các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ tin rằng điều này sẽ nguồn thúc đẩy doanh thu chính trong ít nhất 5 năm tới trên toàn cầu.
Hình ảnh thương hiệu cũng là một yếu tố quan trọng khác thu hút cho người tiêu dùng ở Trung Quốc, nơi đồng hồ và đồ trang sức được coi là các biểu tượng địa vị quan trọng.
43% người Trung Quốc được hỏi nhận thấy hình ảnh của thương hiệu đồng hồ có sức hấp dẫn lớn hơn tính bền vững, vốn chỉ là ưu tiên của 35% số người được hỏi. Ngược lại, ở Mỹ, 50% bỏ phiếu cho sự bền vững và chỉ 19% ưu tiên hình ảnh của thương hiệu.
Ở một khía cạnh khác, đồng hồ đã qua sử dụng sẽ là một phân khúc thú vị để theo dõi khi thói quen mua hàng của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng đa dạng hơn. Trong báo cáo của Deloitte, lần lượt 55% và 67% người tiêu được hỏi ở cả Trung Quốc và Hồng Kông đều chia sẻ rằng họ cân nhắc đến việc mua một chiếc đồng hồ đã qua sử dụng vào năm 2024.
Theo 48% số người được hỏi trên toàn cầu, động lực chính để mua đồng hồ đã qua sử dụng là để có được một tài sản/ sản phẩm xa xỉ với mức giá thấp hơn. Ngược lại, một số người mua coi thị trường đồng hồ đã qua sử dụng là cơ hội để sớm mua được một số thiết kế hiếm có thay vì phải chờ đợi trong danh sách dài tại các nhà bán lẻ được ủy quyền.
Theo báo cáo của Deloitte, với những mẫu đồng hồ được săn lùng nhiều nhất, cả trên thị trường bán lẻ và thị trường thứ cấp, chẳng hạn như Rolex Daytona, Patek Philippe Nautilus hoặc Audemars Piguet Royal Oak, người mua sẵn sàng trả giá cao hơn giá niêm yết rất nhiều chỉ sở hữu được chúng trong tay của mình một cách nhanh chóng hơn.