Nữ doanh nhân Nguyễn Thúy Nga: Làm chủ đời mình là hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ

nguyen-thuy-nga-avata-6973.jpg

Chị đã chấp nhận làm mới mình, chấp nhận khởi nghiệp ở xứ lạ quê người khi đã ngoài 50 tuổi.

Chị bảo, ở tuổi xế chiều, những ái ố hỉ nộ dần nhẹ buông. Nếu coi cuộc đời là một “hành trình rong chơi trên cõi tạm” thì hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là làm chủ “cuộc chơi” đó.

CÓ NHỮNG NGHỊCH CẢNH LÀM NÊN SỐ PHẬN

Mấy năm trước, lần đầu gặp chị, tôi đã ấn tượng về một người phụ nữ xinh đẹp có cặp mắt huyền thăm thẳm nhưng chất chứa không ít nỗi buồn. Hồi ấy, dù đã là người đàn bà thành đạt nơi thương trường nhưng những mặc cảm về sự đổ vỡ trong hôn nhân, mặc cảm về những năm tháng trầm cảm, chỉ luôn nghĩ đến cái chết… vẫn còn chưa buông tha chị.

Trong những câu chuyện sẻ chia giữa chúng tôi, nhiều lúc chị cứ để mặc cho hai hàng nước mắt tự do chảy tràn xuống má. “Dù kết cục có thế nào thì tôi cũng không trách người đã cùng mình đi cả một đoạn đường dài. Hôn nhân là duyên số. Nếu có trách đây thì là tự trách mình”, chị nói. Tôi tỏ ra đồng cảm với chị: “Mình đã yêu người ta đến mức như tự đập đầu vào tường, sẵn sàng làm vợ và hiến dâng tất cả, không giữ gì lại cho riêng mình. Thế nên khi gặp sự cố, mình mới sốc nặng phải không chị?”.

“Như người ta nói - bỏ hết trứng vào một giỏ, cứ yêu hết mình, tin tưởng, hy vọng, hy sinh cho một hình tượng người chồng cao cả, mẫu mực, thủy chung. Và thế là, khi niềm tin sụp đổ thì mọi thứ cũng ập xuống theo. Một chân lý đơn giản thế thôi mà bao nhiêu năm tôi mới có thể làm quen với nó”, chị chia sẻ. Tôi thầm nghĩ, đó là thông điệp đầu tiên mà Nguyễn Thúy Nga muốn nhắn nhủ tới những cô gái đang yêu và sắp bước vào cánh cửa hôn nhân.

Cái mà chị gọi là sụp đổ niềm tin ấy đã chiếm một khoảng thời gian quá dài của cuộc hôn nhân. Còn hơn cả hình tượng “lên bờ xuống ruộng”, chị thấy mình như bị quăng lên đập xuống nhiều lần, sống dở chết dở. Nhiều đêm chị uống một lúc 6 viên thuốc seduxen mà mắt vẫn trơ khấc nhìn lên trần nhà. Từng ý thức và tự hào về nhan sắc nổi trội của mình, chị càng hoảng hốt khi thấy cân nặng cứ tăng vọt, từ 55 lên tận… 85kg.

Đau khổ kéo dài dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, muốn khóc mà không khóc được trong khi bụng cứ căng cứng lên. Dân gian gọi là uất gan chướng khí. Đã có lúc người mẹ tuyệt vọng ấy dẫn hai đứa con ra đứng bên hồ nước, chỉ ước mình được giải thoát…nhưng nhìn vào hai cặp mắt trong veo gửi trọn niềm tin vào mẹ, chị lại không đành. Người bạn thân thương chị, đưa chị đi Yên Tử, mong cho chị được nương nhờ cửa Phật, cho cõi lòng bớt tan nát.

nguyen-thuy-nga-5988.jpg

Chị không cầu gì nhiều, chỉ xin được khóc, vậy mà mắt vẫn ráo hoảnh. Lúc đó, “người ấy” ở đâu? Tôi hỏi. “Thì vẫn ở trong cùng một ngôi nhà”, chị trả lời “nhưng người ta cũng phải vật lộn với những hỗn độn ở trong lòng và không thể vượt qua. Có lẽ phải trải qua một giai đoạn không mấy dễ chịu đó thì nhân duyên mới hết, mới trả đủ cho nhau món nợ tiền kiếp”.

Thời gian chị bị sốc, cơn gió ma túy càn qua địa phương, kéo theo nhiều thanh niên dính vào nghiện và thậm chí chết vì sốc thuốc, vì nhiễm HIV. Chị gượng dậy, bàn với chồng đưa cả gia đình lên Hà Nội. Chị sắp xếp chuyển công tác, nhà cửa, trường học cho con và mọi chuyện dần ổn thỏa.

Thời điểm đó, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn cất cánh, chị may mắn đón được những con sóng trên thị trường nhà đất và tích lũy được số vốn kha khá. Nhưng, chuyện vợ chuyện chồng vẫn không được cải thiện, chỉ vì anh không vượt qua được chính mình… Mặc dù buồn, đau và tức giận nhưng vì thương con, thương mình và muốn hàn gắn, sau một hồi giằng co giữa ly hôn hoặc làm lại, cả hai vợ chồng đã chọn làm lại và quyết định đưa cả gia đình đến Canada - xứ sở của những niềm hy vọng.

CHỈ CÓ CON ĐƯỜNG ĐI VỀ PHÍA TRƯỚC

Hai con trai chị mới bước vào tuổi thanh niên, háo hức theo bố mẹ đến vùng đất mới – Thành phố Frederiction, bang New Brunswick. Chị thì No English, No jop, No friends (không tiếng Anh, việc làm, bạn bè). “Tiền tiêu như phá mả”, chưa đầy năm đã gần cạn – nhiều hơn gấp 3 lần con số mà nhà tư vấn định cư đã đưa ra cho chị. Có lúc chị đã rất ân hận vì đưa cả gia đình vào một hành trình chứa quá nhiều rủi ro.

Nhưng đã dấn thân thì không còn con đường nào khác là tiến lên phía trước. Chị tìm được một công việc đầu tiên – đưa thư, báo đến 85 gia đình trong khu vực. Cả ba mẹ con đều tham gia công việc này với mức lương chỉ vài trăm đô la mỗi tháng. Ấy vậy mà vui vì nó mang lại nhiều hứa hẹn.

Chị kể: “Tôi lại tính toán bước tiếp theo, lập hẳn một công ty để trải nghiệm business, Công ty James and Kevin Holding với số vốn góp chỉ có 100$. Tôi góp 10$, hai con trai tôi, James (Anh Tuấn) góp 45$, Kevin (Tuấn Anh) góp 45$. Số tiền này có được từ nguồn tiền lương đi đưa báo. Trong lúc cậu cả Jame điều hành công ty tý hon đó, tôi tranh thủ đi học tiếng Anh, bắt đầu từ abc để có thể tự mình ra phố và tìm việc làm”.

anh-trang-trong-6-5795-7975.jpg
Sản phẩm bánh SAMOSA DELITE ra đời từ năm 1990, được nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga tiếp nhận và phát triển tại thị trường Canada từ năm 2011

Dù trình độ English mới chỉ “bằng một đốt ngón tay” như chị bảo, nhưng chị cứ “một liều ba bảy cũng liều”. Bà chủ xưởng bánh Samosa người Ấn Độ thấy một phụ nữ châu Á rụt rè đến cửa, bập bẹ vài câu tiếng Anh “I want to work” (Tôi muốn được làm việc), lại thấy người này có vẻ chân thành liền nhận lời cho thử việc.

“Ngày đầu tiên đi làm, bà ấy đưa cho tôi một bát bột và líu ríu cái gì không rõ. Tôi lấy hết sức rặn ra câu hỏi “This is my breakfast” (đây là bữa sáng của tôi phải không?”). Bà chủ lắc đầu lấy chiếc bánh vừa được gói, làm động tác phết bột vào lá bánh và dán lại. Tôi xấu hổ quá nhưng trong lòng có điều gì đó thôi thúc mình phải vượt qua.

Tôi bị áp lực tâm lý rất nhiều. Phần vì không hiểu tiếng Anh nên họ không thể training được mà tự mình phải training cho mình, tự học, tự mày mò, sợ bị đuổi việc, sợ làm các con nản chí, xấu hổ... Ơn trời, không những tôi đã vượt qua những rào cản ban đầu, được nhận vào xưởng bánh làm mà một thời gian sau, bà chủ còn bán lại xưởng bánh cũng như cả công ty Samosa Delite cho tôi, chỉ vì bà tin rằng, tôi có thể tiếp tục vận hành tốt business này.

CÔNG THỨC NÀO CHO NHỮNG GIẤC MƠ

Phải do “trời chấm duyên”, tôi mới gặp chị tại Frederiction, một thành phố xinh xẻo và tuyệt đẹp, nơi có dòng sông Saint John nổi tiếng, có con đường chạy dọc ven bờ sông được mệnh danh là con đường đẹp nhất Canada.

Cơ sở sản xuất bánh Samosa của chị nằm trên một đồi cao, từ đây quan sát được những con đường uốn lượn bên những thảm hoa vàng rực, những dãy phố nhỏ nằm len lỏi giữa rừng cây, dưới bầu trời cao và xanh ngăn ngắt.

Trong xưởng lúc này có 10 người đang làm việc. Tuấn, con trai chị trực tiếp đứng máy nhào và cán bột; 5 người gói bánh; 2 người rán bánh trong bếp và 1 người làm các công việc phụ trợ khác như làm sạch dụng cụ, không gian xưởng, bếp hay khuân vác đồ… Bà chủ Thúy Nga vừa nhận đơn đặt hàng của khách từ các siêu thị, cửa hàng, khách sạn và quán ăn trong và ngoài thành phố, vừa quan sát hoạt động của xưởng, đôi khi nhắc nhở hoặc động viên công nhân làm việc. Máy chạy nhịp nhàng, tay ai nấy đều thoăn thoắt…

Sản phẩm bánh SAMOSA DELITE đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở thành phố Frederiction - Canada
Sản phẩm bánh SAMOSA DELITE đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở thành phố Frederiction - Canada

Một cô nhân viên người Hàn Quốc (nghe giới thiệu từng là một pianist) đang gói bánh mà như múa bằng những ngón tay điệu nghệ, tôi lại gần hỏi thăm. Cô liếc mắt nhìn xéo sang tôi rồi gọi: “Bà chủ ơi, giải quyết việc này giúp tôi”. Chị Nga liền chạy ngay tới, giải thích: “Các nhân viên trong xưởng khi đã vào việc đều tập trung cao độ để có năng suất cao nhất, vì lương không chỉ tính theo giờ mà còn tính cả tiền thưởng trên sản lượng nữa. Cô người Hàn này luôn đạt năng suất cao nhất và thu nhập cũng luôn dẫn đầu.

Việc ai người nấy làm. Tôi quản lý chung, kiêm luôn cả đào tạo nhân viên nên bất kể việc gì liên quan đến công việc hay kỹ thuật đều do tôi trực tiếp giải quyết. Thời gian làm việc của tôi trong vai trò quản lý và của Tuấn (con trai chị Nga – PV)

Giám đốc đại diện pháp luật cho công ty Samosa Delite cũng được chấm lương chính xác đến từng giờ. Làm kinh doanh nó thế, phải tính kỹ và mọi thứ đều phải được hạch toán rạch ròi”. Chị cười và nói thêm: “Business khác hẳn với nghề giáo mà tôi được đào tạo. Nghề giáo cho phép mình bay bổng, đôi khi giống như “lên đồng” cho những bài giảng trên lớp nhưng business thì phải tính toán rất chi tiết. Khi mua lại business này, tôi đã suy nghĩ và tính toán sao cho các công đoạn của việc sản xuất bánh gọn nhất, tiết kiệm nhân lực nhất.

Trước tiên, để giữ ổn định nhân sự, tôi và con trai phải thạo tất cả các công đoạn, sẵn sàng “lấp lỗ hổng” nếu ai đó bỗng dưng nghỉ việc. Tôi cũng rút gọn số lượng công nhân từ xưởng cũ 16 người xuống 10 người, sản lượng không thua kém gì so với thời chủ cũ từng làm. Sau này tôi tuyển thêm 5 em sinh viên Việt Nam làm bán thời gian, đem bánh ra bán tại các hội chợ. Số lượng đơn hàng tăng mạnh, tôi lại làm thêm cả sản phẩm nem rán của Việt Nam và cũng được khách hàng đón nhận nhiệt tình”.

Gần chục năm chị điều hành, Samosa Delite không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, nộp thuế luôn đạt mức cao, được chính quyền thành phố ghi nhận và tôn vinh.

“Thành phố rất quan tâm, luôn tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Họ ngỏ ý muốn cấp đất, cấp vốn cho tôi xây dựng nhà xưởng và mở rộng sản xuất. 6 siêu thị bán buôn Cosco cũng sẵn sàng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của công ty. Sau nhiều ngày suy nghĩ rất lung, tôi đã đi đến quyết định chỉ để Samosa Delite hoạt động với quy mô như hiện tại. Biết mình biết ta sẽ không lo hụt hơi. Như các cụ nói, làm thật, ăn thật thì bền. Mình là giáo viên từ một đất nước mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới chưa lâu, nay ở xứ lạ quê người, nếu mình thiếu kỹ năng quản lý sẽ bị đuối. Business không đùa với những con số”, chị chia sẻ.

10 năm ở xứ người, bão lòng dần yên, công việc kinh doanh cũng được hình thành và đứng vững, đã đến lúc chị thấy món nợ tình duyên đã trả đủ. Được hai con trai khuyến khích, vợ chồng chị tiến hành thủ tục ly hôn. Xong việc chị mới bắt đầu đổ nước mắt. Khóc như gột rửa tất cả những gì đau khổ đã trải. Khóc cho phận mình quá long đong. Sau 12 năm trèo lên đỉnh Chùa Đồng xin được khóc, giờ chị mới toại nguyện.

LÀM CHỦ CẢM XÚC, LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI

Trong những tháng ngày đen tối nhất, chị đến với Phật pháp, dành nhiều thời gian để nghiên cứu giáo lý nhà Phật. Bỗng hiểu ra, đời người ngắn ngủi, vợ chồng là duyên nợ, vật chất tầm thường, mọi thứ đều là vật ngoài thân … Đã sống thì sống cho tử tế, không được đày đọa tấm thân mình. Chị bảo, giờ cần nhấm nháp hạnh phúc khi được là chính mình đã. Thiên nhiên quanh chị chưa bao giờ đẹp thế, sinh động thế; Bản nhạc mà chị say mê từ thời thiếu nữ giờ trở lại, ngân lên những nốt trầm bổng hoan ca….

Cuộc đời đáng yêu, đáng sống thế, sao lại không cho phép mình yêu thêm lần nữa. Để chuẩn bị cho một hành trình đi tìm người yêu mới, chị dành 2 năm học tiếng Anh. Một tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, chị mặc đẹp, phấn son tưng bừng đi dạo phố, quán xá cùng thầy. Nhiều người lầm tưởng đó là một cặp tình nhân bởi hình thức xứng đôi vừa lứa. “Tôi chả quan tâm, ai nghĩ gì cũng mặc. Việc của tôi là học tiếng Anh”. Chưa ai biết chị sẽ làm gì với kế hoạch tìm bằng được ý trung nhân. Đến khi nghe chị thông báo sẽ bay lên Vancouver mua nhà, tìm người yêu mới, mấy người bạn thân thậm chí cho rằng “đầu óc hình như có vấn đề”.

“Hành trình ấy như thế nào”. Tôi hồi hộp. Chị hào hứng: “Tôi xem, chốt mua 2 ngôi nhà, đặt cọc qua online hết. Rồi tôi giao lại xưởng bánh cho con trai và bay lên Vancouver. Chặng đường từ Frederiction đến Vancouver đúng 7 ngàn cây số. Trong thời gian nhận nhà mới, sửa chữa và cho thuê 1 căn, ở 1 căn, tôi vẫn bay đi về Frederiction để hỗ trợ con trai trong việc quản lý và vận hành công ty. Tôi cũng tranh thủ tập gym, học khiêu vũ, tham gia vào câu lạc bộ Golf của những người lớn tuổi thành đạt, tận hưởng cuộc sống một cách ngọt ngào nhất”.

“Vậy, còn người yêu thì sao? Chị tìm được anh ấy thế nào?”. Tôi lại hỏi, vẫn chưa hết hồi hộp. “Wow!”. Chị kêu lên thảng thốt. “Tôi đã dám bước qua vùng an toàn của chính mình với một suy nghĩ, nếu cứ ở mãi trong đó thì cuộc đời sẽ chẳng thể đi đến đâu. Tôi tìm đến một công ty môi giới bạn đời. Tôi bỏ tiền ra mua một gói dịch vụ hẹn hò vô thời hạn (vì không biết bao giờ có thể tìm được người tâm đầu ý hợp, xứng tầm với các tiêu chuẩn tự mình đặt ra).

Nhìn dưới góc độ business thì thế này: Trả tiền để được tiếp xúc với những người có lever cao, vừa loại bỏ được căn bản những chuyện rủi ro, lừa đảo mà kẻ xấu trà trộn vào, vừa được nâng cao trình độ tiếng Anh lại vừa có thể thâm nhập sâu vào nền văn hóa của vùng đất đó. Thông qua những cuộc gặp gỡ mới mẻ, tôi hiểu thêm về chính bản thân mình. Thế rồi người đầu tiên tôi gặp là anh ấy. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã có linh cảm chính là người mình đang đi tìm. Sau này anh ấy cũng nói điều tương tự với tôi”.

“Chị có nhớ buổi đầu tiên gặp gỡ người ấy thế nào?”. Tôi hỏi. Chị Nga kể tiếp: “Lần đầu đã có lịch hẹn gặp nhưng gần đến ngày đó tự nhiên tôi sợ quá nên hủy. Anh ấy lại tiếp tục hẹn lần nữa. Lần này, vì hồi hộp nên tôi đến sớm quá. Thế là tôi đi shoping để giết thời gian, đến giờ hẹn, tôi lại không bắt được xe nên rốt cuộc đến muộn 1 tiếng. Khi đến nơi, tôi líu ríu xin lỗi, anh ấy cười nói “không sao cả, em đến là tốt rồi”. Sau này nghe anh giải thích, anh không phải là người dễ bỏ cuộc, tôi càng hiểu và phục anh ấy hơn.

Tôi không quan tâm xem anh ấy giàu hay nghèo, bằng cấp ra sao… Tất cả những yếu tố đó, công ty môi giới họ đã làm rất kỹ. Theo chỉ dẫn của nhân viên môi giới, chúng tôi đi uống cà phê và ăn tối cùng nhau, tôi xác định tiền ai nấy trả - sòng phẳng và cũng không để đối tác đánh giá sai về mình. Tuy nhiên, khi nghe tôi đặt vấn đề, anh ấy không chịu và tự mình thanh toán toàn bộ.

Trong lần đầu gặp nhau đó, anh ấy giới thiệu về bản thân “I have some fams” (tôi có vài trang trại). “Are you a famer? (Anh là nông dân à?). Tôi hỏi. – No. I am a invester (Không. Là nhà đầu tư)… Sau những lần gặp gỡ, trò chuyện như thế, dần dần có một sức hút nào đó hút hai đứa chúng tôi vào nhau. Thời gian đầu chúng tôi đến với nhau vào hai ngày cuối tuần, sau tăng dần… Nhà tôi và nhà anh cách nhau 45 phút lái xe, ý thức mình là phụ nữ Á Đông, tôi đề nghị anh chủ động đưa đón và anh ấy vui vẻ đồng ý.

“Có điều gì làm cho chị hoảng sợ, mất tự tin khi ở cùng anh ấy, một người giống như “từ trên trời rơi xuống?”. Tôi hỏi. Chị Nga gật đầu: “Có chứ. Anh ấy quá giàu so với mức độ mà tôi đặt ra, là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, bất động sản. Cuộc sống của anh ấy và cả gia đình anh ấy là một đẳng cấp khác xa với suy nghĩ của tôi. Tôi đã từng cảm thấy mình bị áp lực, nghĩ, sao mình lại phải stress, mình đang thiết kế một cuộc sống thoải mái, vui tươi cơ mà… Tôi có ý định dừng lại. Anh ấy động viên tôi rất nhiều, đưa tôi đi những nơi mà anh ấy thường lui tới để cho tôi quen dần. Tôi luôn thể hiện quan điểm “em không quan tâm đến tiền của anh. Tiền của em đủ để lo cho cuộc sống một cách vững chắc. Các con em cũng độc lập về kinh tế…”. Có lẽ vì thế mà anh ấy càng trân trọng tôi. Anh luôn nói, em là món quà quý mà Chúa và Đức Phật mang đến cho anh”.

Chị đã đưa người ấy về thăm gia đình ở Việt Nam. Điều mà chị ngạc nhiên và cảm động nhất là khi nhìn anh kính cẩn thắp hương lên bàn thờ bố mẹ chị, nước mắt anh rơi lã chã. Qua tất cả những gì anh ấy thể hiện, chị hiểu, anh yêu chị, yêu những gì thuộc về chị, yêu cả quá khứ đau buồn mà chị đã trải. “Đến giờ này, tôi thấy mình là người quá may mắn”. Chị chia sẻ.

Một vài người bạn đã chứng kiến mối tình kỳ lạ của chị, trong cộng đồng người Việt cũng không ít người biết chị, biết được cả câu chuyện của chị. Họ rất mừng cho chị. Có những người phụ nữ tìm đến chị để chia sẻ về nỗi buồn đổ vỡ hôn nhân, chị luôn động viên với một thông điệp: Khi cần buông tay thì hãy buông bỏ nhẹ nhàng, đừng để thân xác khổ đau. Cha mẹ cho ta hình hài và sự sống, hãy làm chủ cuộc đời của mình. Cảm xúc là do ta tạo ra, niềm vui do chính ta tự mang lại, không để phụ thuộc vào một ai đó hay một tác nhân nào đó.