Các nhà chế tác đồng hồ Trung Quốc, vốn gắn liền với hình ảnh sản xuất hàng loạt và chất lượng trung bình, giờ đây đang nhắm đến mục tiêu tạo ra những sản phẩm xa xỉ, đẳng cấp để có thể sánh ngang với đồng hồ Thụy Sĩ về chất lượng và sự đổi mới.
Khác với thế hệ trước, Gen Z và millennials - thế hệ người tiêu dùng xa xỉ tiếp theo của Trung Quốc - không chỉ quan tâm đến giá trị thương hiệu mà còn tìm kiếm sự độc đáo, cá nhân hóa và tính bền vững trong các sản phẩm cao cấp. Theo một nghiên cứu năm 2023 của Vogue Business và Barclays Research, hơn một nửa số người tiêu dùng Trung Quốc có mức chi tiêu cao trong độ tuổi từ 18 đến 24 thường đưa ra quyết định mua sắm dựa trên góc nhìn thẩm mỹ và giá trị lâu dài. Họ coi đồng hồ xa xỉ không chỉ là biểu tượng địa vị mà còn là tài sản đầu tư.
Trong giai đoạn 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang Trung Quốc đã giảm 26% so với cùng kỳ năm trước đó, phản ánh những khó khăn kinh tế và cả rủi ro của việc phụ thuộc vào một thị trường đầy biến động. Tình hình này còn được cho là bởi bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường tỷ dân, khi mà một số thương hiệu địa phương đang bắt đầu gây được dấu ấn, điển hình như Atelier Wen. Bộ sưu tập đầu tay của hãng, Porcelain Odyssey, với mặt đồng hồ bằng sứ khắc chữ Trung Quốc, đã được bán hết sạch trong vòng một năm ra mắt.
Theo nhà đồng sáng lập Robin Tallendier, Atelier Wen hướng tới những chiếc đồng hồ đẳng cấp thế giới “Made in China”, khéo léo kết hợp ngôn ngữ thiết kế hiện đại phù hợp với niềm tự hào văn hóa của người tiêu dùng châu Á.
Các thương hiệu độc lập khác cũng đã nối bước. Behrens, có trụ sở tại Thâm Quyến, gây chú ý vào năm 2020 với hai mẫu đồng hồ lọt vào danh sách đề cử tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève. Tương tự, thương hiệu Logan Kuan Rao ở Quảng Châu, tự hào với tiêu chí chỉ chế tác 10 chiếc đồng hồ mỗi năm và dành 18 tháng ròng để hoàn thành mỗi chiếc.Họ coi đây là minh chứng cho sự độc quyền và tay nghề tinh xảo thường gắn liền với các xưởng chế tác Thụy Sĩ.
Những nghệ nhân chế tác đồng hồ Trung Quốc đang tích hợp các yếu tố văn hoá truyền thống vào thiết kế của mình. Atelier Wen sử dụng thẩm mỹ Trung Hoa cổ đại và kỹ thuật guilloché được thực hiện bởi Yucai Cheng, nghệ nhân bậc thầy duy nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này; Qin Gan, nhà chế tác đồng hồ ở Trùng Khánh, lại thường đưa các bức tranh bản sắc Trung Quốc vào mặt đồng hồ của mình. Điều này không chỉ giúp thu hút khách hàng trong nước mà còn tạo ra sự khác biệt so với các thương hiệu quốc tế.
Mặc dù đồng hồ Thụy Sĩ vẫn được các nhà sưu tầm truyền thống ưa chuộng, nhưng cơ hội đang dần rộng mở cho các nhà chế tác Trung Quốc trong việc thu hút thế hệ trẻ. Các thương hiệu đồng hồ ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc gắn kết với người tiêu dùng và đổi mới kỹ thuật số. Nhiều công ty đã nhanh chóng áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giới thiệu sản phẩm, mở rộng sự hiện diện trực tuyến và chiến dịch tiếp thị mang tính tương tác cao.
Họ cũng hợp tác với các nhà bán lẻ quốc tế để giới thiệu đồng hồ Trung Quốc đến khán giả phương Tây, những người coi trọng tính độc quyền và sự chân thực. Ngoài ra, các sáng kiến bền vững như sử dụng vật liệu tái chế và cung cấp dịch vụ sửa chữa đang thu hút được người tiêu dùng quan tâm đến môi trường.
Nhưng dù có được ưa chuộng tại địa phương, các nhà chế tác đồng hồ Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc tạo dựng uy tín trên toàn cầu, đặc biệt do giá trị thương hiệu còn hạn chế và định kiến lâu đời về sản phẩm Trung Quốc.