Thưởng trà từ lâu đã được người Sài Gòn nói chung, giới thương gia, doanh nhân nói riêng xem như một thú vui tao nhã và trở thành nét đẹp văn hóa của nghệ thuật ẩm thủy. Họ thường dùng những loại danh trà nổi tiếng của Việt Nam và Trung Quốc để dâng lên bàn thờ Phật, gia tiên và thưởng thức trong dịp xuân về Tết đến.
DÂNG TRÀ - MỘT NGHI THỨC TÂM LINH
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Nam Bộ thì ở đất phương Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, việc du nhập văn hóa uống trà vào đời sống thị dân rồi dần dần phát triển thành thú thưởng trà ít nhiều gắn với gốc tích của người Hoa trong nhóm “Ngũ Bang” (Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ (hay còn gọi là Khách gia, Hà Cá) và Hải Nam) đến vùng Sài Gòn – Chợ Lớn định cư từ cuối thời Minh (thế kỷ XVII) và kéo dài đến nửa đầu thế kỷ XX. Những người Hoa trong “Ngũ Bang” đã có sở thích uống trà từ lâu đời và tập tục đó đã theo dấu chân của họ truyền bá vào vùng Chợ Lớn.
Từ đó thưởng trà với người dân Sài Gòn – Chợ Lớn (gồm cả người Việt và người Hoa) nói chung, giới thương gia, doanh nhân nói riêng không chỉ là thói quen giải khát mà trở thành văn hóa thưởng trà với nghệ thuật tổng hòa tinh tế, tao nhã để họ tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn, sau những thương vụ làm ăn.
Một họa sĩ người Việt gốc Hoa kể với tôi, giới thương gia, doanh nhân Sài Gòn thưởng trà không cầu kỳ hoa mỹ như người Bắc, người Trung (Huế) lại càng không quá nghiêm ngặt như người Trung Quốc và chưa nâng lên thành trà đạo như người Nhật Bản.
Trước 1975, trong cuộc sống ngày thường họ cũng uống những loại trà phổ biến trên thị trường không khác biệt lắm với giới bình dân như trà B’Lao vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) có ướp hương hoa: nhài (lài), cúc, sói, ngâu, bưởi…
Sau ngày thống nhất đất nước, họ uống thêm các loại trà đặc sản của vùng núi phía Bắc như trà Tân Cương (Thái Nguyên), trà ướp sen Tây Hồ (Hà Nội), trà Shan tuyết (Hà Giang)…
Nhưng trong dịp xuân về Tết đến thì thú thưởng trà của họ hoàn toàn khác xa với ngày thường từ cách lựa chọn từng loại trà, ấm trà và cách pha trà. Người Hoa ở Chợ Lớn nói chung, giới thương gia, doanh nhân giàu có (đại xì thẩu) nói riêng rất tin vào thuật phong thủy, nên ngày Tết họ thường bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua cho bằng được gói trà, hộp trà của những thương hiệu danh trà nổi tiếng để pha trà dâng lên bàn thờ Phật, gia tiên trong đêm giao thừa và ba ngày Tết.
Trước đây, vào dịp này, giới thương gia, doanh nhân Sài Gòn, nhất là khu vực Chợ Lớn nơi tập trung đông người Hoa sinh sống thường phải đặt mua những loại trà thượng hạng đắt tiền được nhập khẩu từ Hồng Kông, Đài Loan như: Long Tỉnh, Thiết Quan Âm, Trúc Diệp Thanh. Đây là những thương hiệu trà ngon nức tiếng, trong đó Long Tỉnh, Thiết Quan Âm là hai thương hiệu thuộc “thập đại danh trà” của Trung Quốc.
Trà Long Tỉnh có lịch sử hơn 1.200 năm, có xuất xứ tại Tây Hồ, TP. Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), nổi tiếng từ đời nhà Tống (960 – 1279) và trở nên thịnh hành vào triều đại nhà Minh (1368 – 1644) rồi thời nhà Thanh (1644 – 1912). Tương truyền rằng, đầu tiên loại trà này có tên là Long Hoằng, còn tên Long Tỉnh là do vua Càn Long đặt, bởi trong lần vua Càn Long đến thăm núi Ngũ Sư ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), khi nhìn xuống một giếng nước gần đó thấy bóng của cây chè lung linh dưới nước giống hình một con rồng đang bay lượn trong giếng, nên đã đặt là Long Tỉnh.
Long là rồng, tỉnh là giếng, Long Tỉnh có nghĩa là giếng rồng. Theo quan niệm phong thủy, Long Tỉnh là loại trà linh khí, vượng khí của đất trời, với bốn ưu điểm tứ tuyệt gồm hình, hương, sắc, vị nổi bật hơn mọi loại trà khác đó là hình dáng như lưỡi chim sẻ, vị trà êm đậm đà, thơm mùi hạt dẻ bền lâu, màu trà xanh sắc màu ngọc lục bảo.
Chính vì thế, trà Long Tỉnh được liệt vào danh sách những loại trà cung kính đặc biệt dành cho Từ Hy Thái Hậu và trở thành một trong “thập đại danh trà” của Trung Quốc.
Thiết Quan Âm là tên một danh trà trong “thập đại danh trà” có nguồn gốc từ trấn Tây Bình, huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với hương thơm ngát, vị chát dịu, thanh mát và ngọt hậu bền hương vị qua các lần pha. Đây là danh trà nổi tiếng từ đời nhà Thanh, người đầu tiên trồng loại cây chè này tên là Ngụy Ẩm rất sùng bái Đức Phật.
Có truyền thuyết kể rằng, mỗi ngày Ngụy Ẩm đều dâng lên Phật Bà ba chén trà và liên tục trong suốt 10 năm. Một đêm ông nằm mơ thấy Quan Thế Âm hiện về dẫn lên một khe núi chỉ cho một cây chè xanh tốt. Sáng hôm sau thức dậy, ông cứ theo sự ứng mộng mà lên núi và tìm được cây chè giống hệt trong giấc mộng, ông bứng cả cây về trồng trong vườn nhà. Thời gian trôi qua, vài xuân sau, khi cây tươi tốt, ông thu hái và chế ra một loại trà ngon tuyệt vời, đặt tên là Thiết Quan Âm và trở thành danh trà nổi tiếng.
Nói chung giới thương gia, doanh nhân Sài Gòn trong ba ngày Tết không thể thiếu các loại danh trà (dù rất đắt tiền) để thực hiện một nghi thức mang tính tâm linh, đó là dâng trà lên bàn thờ Phật, gia tiên vào đêm Giao thừa và 3 ngày Tết. Loại trà được nhiều người chọn để thực hiện nghi thức dâng trà là trà Long Tỉnh, nhất là những năm có con giáp mang tên thìn (long, rồng).
Theo quan niệm phong thủy, họ tin trà Long Tỉnh dâng lên bàn thờ Phật, gia tiên trong ngày Tết sẽ đem lại cho gia chủ những điều may mắn, tài lộc, làm ăn phát đạt, thịnh vượng lâu bền. Ngoài danh trà Long Tỉnh, danh trà Thiết Quan Âm (vì gắn với câu chuyện huyền thoại về Quan Thế Âm kể trên) cũng là danh trà tốt về phong thủy (hút tài lộc) được giới thương gia, doanh nhân dùng trong nghi thức dâng trà ngày Tết.
Nghi thức văn hóa tâm linh này là thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo, trang trọng của con cháu đối với các bậc tiền nhân, thể hiện ý nghĩa các ngài bề trên vẫn luôn sống mãi trong lòng con cháu. Nghi thức dâng trà mời tổ tiên mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc nên thường được thực hiện bắt đầu vào thời khắc giao thừa linh thiêng. Người thực hiện nghi thức này phải là người đàn ông cao tuổi được coi là mẫu mực có uy tín trong gia đình hay dòng tộc.
Để chuẩn bị cho việc pha trà và dâng trà, người thực hiện nghi thức này thận trọng đem bộ ấm trà trên bàn thờ xuống rửa sạch, tráng nước nóng rồi mới dùng để pha trà. Đây là bộ ấm trà chỉ dùng riêng để thờ cúng, thể hiện sự chu đáo và tấm lòng thành kính của con cháu đối với gia tiên.
Trà pha xong được rót ra ba hay năm chén, được dâng lên bàn thờ Phật, gia tiên và bàn Thiên (ngoài sân). Trong hương trầm thoảng nhẹ quyện với hương trà tinh khôi, một làn gió nhẹ lạnh se đủ để ta cảm nhận phút giao hòa đất trời sang xuân.
Sau khi dâng cúng xong trà, chủ nhân sẽ trịnh trọng tưới trà lên mặt đất, kết thúc nghi thức tâm linh. Tiếp đó, ấm trà đầu tiên của ngày đầu xuân năm mới (mùng một Tết) là ấm trà khai xuân, cả nhà quây quần bên bàn trà để con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ cũng mừng tuổi cho con cháu.
KHAI XUÂN THƯỞNG TRÀ
Theo những người sành điệu về thưởng trà, tuy không cầu kỳ, nhưng trong 3 ngày Tết, bàn trà của gia đình các thương gia, doanh nhân luôn được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chỉn chu và sang trọng. Đầu tiên là bộ ấm chén để pha trà, thưởng trà họ dùng bộ ấm chén tử sa Nghi Hưng, Giang Tô (Trung Quốc), được chế tác từ nguyên liệu quý hiếm là đất sét tím và bằng phương pháp thủ công truyền thống, không tráng men.
Đây là loại ấm chén nổi tiếng và rất quý, có lịch sử lâu đời, khi dùng để pha trà và thưởng trà mang lại hương vị đặc biệt thơm ngon, giữ được hàm lượng vi khoáng cao. Suốt trong những ngày Tết, bộ ấm chén để thưởng trà luôn được bày trên những chiếc khay thường được khảm trai đặt bên cạnh những khay bánh, kẹo, mứt truyền thống.
Trên bàn đặt khay trà không thể thiếu một bình hoa để tôn thêm vẻ đẹp lung linh lộng lẫy của không gian thưởng trà xuân của gia chủ. Trang trí bàn trà và không gian thưởng trà xuân cũng là cách thể hiện đẳng cấp văn hóa, sự tinh tế về nghệ thuật thưởng trà của mỗi gia chủ.
Chọn trà, pha trà và mời nhau thưởng trà (nhất là trong dịp đầu xuân năm mới) đối với giới thương gia, doanh nhân từ lâu đã là một ứng xử văn hóa thể hiện sự tinh tế và lòng mến khách (nhất là đối tác làm ăn) của gia chủ. Chính vì thế mời nhau thưởng trà vào ngày Tết luôn có sự chuẩn bị khác biệt với ngày thường, bởi lẽ không đơn thuần là để giải khát mà là để thể hiện phông văn hóa thanh cao, sự kết giao tri kỷ và quan hệ thương mại.
Đặc biệt, pha trà cũng là một nghệ thuật và được thể hiện qua từng chi tiết từ khâu lựa ấm, chọn nước, đun nước. Người xưa có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh” là hội đủ 5 yếu tố để có một cuộc thưởng trà thật mỹ mãn. Nhất nước (ngày xưa thường là nước mưa trữ trong lu), nay thì dùng nước máy hoặc nước khoáng đóng chai. Nước máy dùng để pha trà phải để một thời gian cho bay hết mùi hóa chất khử trùng mới đun pha trà. Tam bôi, tứ bình chính là dụng cụ dùng pha trà gồm ấm trà, 4 chén quân, 1 chén tống (chuyên trà) còn khi uống chủ yếu dùng chén hột mít (mắt trâu).
Pha trà thực sự là một nghệ thuật công phu không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được. Dù có được thứ trà ngon, nhưng nếu không biết cách pha trà thì vị trà sẽ không đượm và hương trà cũng không thơm.
Để làm tăng chất lượng của chén trà, nhất là chén trà ngày xuân, người pha trà trước hết phải là người sành điệu thưởng trà. Theo ông bạn nhà văn, trước đây đun nước pha trà bằng bếp than, nay chủ yếu dùng bếp ga để tránh các mùi lạ như khói, dầu hỏa thấm vào nước, trà dù thơm ngon mấy mà nước lẫn mùi lạ thì không thể ngon được.
Trước khi pha phải rót ít nước sôi để tráng ấm, rồi đổ đi mới cho trà vào. Không nên dùng tay hoặc thìa bằng kim loại để múc trà, vì như thế sẽ làm mất hương vị trà, mà phải dùng thìa tre hoặc gỗ. Khi đã cho trà vào ấm, bắt đầu rót ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi gọi là rửa trà, sau đó rót thêm nước sôi cho ngập trà, để vài phút cho ngấm, đến lần thứ ba mới rót nước sôi đầy ấm, khoảng 3 phút sau thì có thể rót ra thưởng thức.
Rót trà cũng là một nghệ thuật cần phải học - chỉ rót lần lượt mỗi chén một ít, khi xong lượt đầu sẽ rót tiếp lần hai, như vậy sẽ không chén nào bị loãng hay quá đậm. Khi rót trà, từng thao tác phải thuần thục, uyển chuyển, ánh mắt chăm chú, miệng mỉm cười với khách, thể hiện sự thân thiện tình cảm hiếu khách của gia chủ.
Có thể nói, người pha trà phải đưa cả cảm xúc, tâm hồn của mình vào ấm trà, để tới khi những người thưởng trà cảm nhận được như có cả hương vị mùa xuân của đất trời hội tụ trong từng chén trà. Đối với khách thưởng trà, khi cầm chén trà vừa rót ra thì đừng uống ngay, mà nâng chén chà ngang mày để tận hưởng hương trà đang lan tỏa trong làn hơi khói mỏng. Mỗi loại trà, dù ngon hảo hạng thì cũng chỉ nên uống đến nước thứ hai.
Bởi theo thuyến tam bào “trà ba nước” thì nước thứ nhất được xem như người con gái đang ở tuổi ấu nhi (lên 10 tuổi), nước hai (ngon nhất) được ví như thiếu nữ tuổi trăng rằm, nước ba thì đã là thiếu phụ rồi.
Cuối cùng là ngũ quần anh (bạn trà), chính là những người tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm nga thơ phú, chia sẻ chuyện gia đình, chuyện làm ăn buôn bán, đàm luận về thế thái nhân tình.
Ngày xưa khi xuân về, Tết đến, giới thương gia, doanh nhân thường tổ chức các hội trà (hội tụ những người bạn sành điệu là đối tác làm ăn buôn bán cùng chung vui) gọi là thưởng trà xuân. Dịp này họ cùng chung vui vừa thưởng thức những loại trà ngon, vừa mãn nhãn ngắm những chậu hoa đẹp quý hiếm trổ bông đón xuân sang.