Du lịch Trung Quốc gặp khó khi dân đổ xô đi nước ngoài

Khi Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các hạn chế với du lịch quốc tế vào cuối tháng 1, Cao Jingning không kịp trở tay vì không có nhân viên, các mối quan hệ đình trệ.

Cao Jingning, 31 tuổi, là giám đốc công ty chuyên tổ chức tour cho khách Trung đến Singapore. Doanh nghiệp của Cao không có khách từ tháng 1/2020, khi dịch bệnh bùng phát.

Cao cho hầu hết nhân viên nghỉ việc, cũng không quá kỳ vọng mọi thứ sớm hồi phục. "Chúng tôi rất bi quan về triển vọng du lịch trong 2023. Nếu không tâm huyết với ngành, tôi đã bỏ cuộc từ lâu", Cao nói.

Du lịch Trung Quốc gặp khó khi dân đổ xô đi nước ngoài
Khách Trung Quốc được chào đón bằng các vòng hoa đeo cổ khi đến Bali hồi tháng 1. Ảnh: Sixth Tone

Vài ngày trước Tết, chính phủ công bố người dân được phép du lịch theo tour tới 20 quốc gia, trong đó có Singapore, từ 6/2. Hai tuần sau, các nhóm khách trong nước bắt đầu tỏa đi khắp nơi.

Sự thay đổi đột ngột khiến Cao không kịp trở tay. Trong vài ngày, cô bắt đầu nhận được các đặt hàng, nhưng chưa sẵn sàng. Chính sách nhập cảnh Singapore dành cho khách Trung vẫn chưa rõ ràng. Mối quan hệ với chuỗi cung ứng, nhà hàng, khách sạn địa phương, đã bị ảnh hưởng và đình trệ trong dịch. Cô cũng không có nhân viên để hỗ trợ lúc này. Cao gọi điện cho nhân viên cũ, thuyết phục họ quay về. Nhưng nhiều người đã có công việc mới.

Khó khăn của Cao cũng là điều các doanh nghiệp lữ hành chuyên mảng outbound đối mặt trong những tuần gần đây, khi người dân được đi nước ngoài trở lại.

Khi Trung Quốc bỏ chính sách Zero Covid, nhiều người đã đoán về "một vụ nổ lớn" trong ngành du lịch toàn cầu. Trước dịch, đây là thị trường nước ngoài lớn nhất thế giới, với hơn 155 triệu chuyến đi trong năm 2019.

Riêng ngày 6/2, có hơn 676.000 lượt người xuất nhập cảnh ở Trung Quốc. Con số này cao nhất trong ba năm dịch bệnh, nhưng chỉ bằng một phần ba mức thường thấy trước dịch. Sự phục hồi chậm hơn dự kiến một phần do thời điểm 6/2 là lúc kết thúc kỳ nghỉ lễ Tết và nhiều người vẫn còn do dự du lịch quốc tế.

Phía cung cấp dịch vụ cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều trường hợp, khách đã sẵn sàng đi nhưng các công ty du lịch thì chưa. Sau ba năm gần như không có khách hàng, ngành du lịch Trung quốc phải đối mặt với việc quay trở lại khó khăn. Các công ty du lịch giải thể hoặc không có nhân viên, hãng bay cắt giảm chuyến, đối tác ở nước ngoài cũng không còn.

Fang Zeqian, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu của Trip.com, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho biết khởi động lại hoạt động gặp nhiều thách thức. Các chuyến bay hạn chế, chính sách thị thực theo nhóm chưa rõ ràng. Điều này đồng nghĩa khách có ít lựa chọn, giá thành đắt hơn. Các đại lý du lịch cần thời gian để xây dựng lại chuỗi cung ứng, đối tác nước ngoài. Điều này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc khách Trung đi du lịch quốc tế. Ngoài ra, nhiều người vẫn thích đi tour hơn tự túc.

Công việc của Cao hiện dần ổn định. Cô thuê được hơn 10 người. Công ty cũng nhận được hơn chục đơn đặt tour. Phần lớn họ đều muốn đến Singapore và Malaysia với mục đích kinh doanh, học tập. Trước dịch, mỗi tháng công ty có hàng chục đoàn đi tham quan. Hiện tại, rất ít nhóm khách Trung đi với mục đích du lịch thuần túy. "Sẽ mất thời gian để du lịch outbound hồi phục hoàn toàn", Cao nói.

Đại dịch cũng khiến nhiều người trong ngành tỏ ra thận trọng. Zhan Shi, một cựu hướng dẫn viên, nói không chắc ngành có thể hồi phục nhanh như thế nào: "Du lịch hóa ra là một ngành rất mong manh. Thiên tai, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và chính trị đều có thể ảnh hưởng đến nó". Zhan luôn lạc quan về sự phục hồi thị trường du lịch quốc tế, nhưng lần này, anh muốn cẩn thận hơn.

Trước dịch, Zhan có hơn 10 năm kinh nghiệm dẫn khách đi châu Âu. Lần dẫn tour gần nhất là giữa tháng 1/2020. Vài ngày sau đó, Trung Quốc cấm mọi chuyến du lịch quốc tế. Sau lệnh cấm, công ty của Zhan trả lương cho hướng dẫn viên mức cơ bản, 2.000 tệ (gần 7 triệu đồng) một tháng. Đến giữa 2021, công ty sa thải toàn bộ vì dịch bệnh không có khách. Các công ty du lịch khắp Trung Quốc cũng đối mặt điều tương tự, khi cắt giảm số lượng nhân viên xuống còn một phần ba so với trước dịch.

Zhan đã trải qua khó khăn. Cuối cùng, anh cũng tìm được việc mới là giám đốc bán hàng cho một đơn vị cung cấp dụng cụ thể thao rồi làm cho công ty chứng khoán. Hiện tại, công ty cũ muốn Zhan quay lại làm hướng dẫn viên, nhưng không phải toàn thời gian như trước vì chưa chắc chắn ngành du lịch phục hồi nhanh chậm thế nào. Zhan có thể sẽ quay lại vì yêu thích công việc được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người này.

Cao lạc quan hơn. Cô tự tin nhận được lượng đặt tour tăng đột biến vào mùa hè, khi học sinh, sinh viên được nghỉ học và các bậc phụ huynh thường gửi con đến Singapore cho các khóa học hè.

Fang, đại diện Trip.com, cũng kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi vào mùa hè. "Bốn kỳ nghỉ lễ chính, trong đó có dịp Quốc tế Lao động và lễ hội Đua thuyền rồng tháng 6 (một trong ba lễ hội cổ truyền lớn của người Trung Quốc) là mốc quan trọng cho chúng ta biết liệu thị trường du lịch quốc tế có phục hồi được như trước dịch hay không", Fang nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những mẫu xe tốt nhất lịch sử Chevrolet

Những mẫu xe tốt nhất lịch sử Chevrolet

Tồn tại hơn một thế kỷ, từ mẫu xe thể thao mạnh mẽ cho đến những chiếc xe tải có bảng điều khiển kỳ lạ đã khiến Chevrolet trở thành biểu tượng của ngành ô tô...

4Runner: Mẫu xe địa hình mang tính biểu tượng của Toyota

4Runner: Mẫu xe địa hình mang tính biểu tượng của Toyota

Hơn một triệu chiếc đã được xuất xưởng khiến 4Runner trở thành một trong những chiếc SUV thành công nhất trong lịch sử ô tô và có thể nghĩ rằng tất cả đều bắt đầu từ một trong những ý tưởng cơ bản nhất từng được hình thành...

10 mẫu Ferrari đắt nhất thế giới

10 mẫu Ferrari đắt nhất thế giới

Ferrari S.p.A là một công ty chuyên về sản xuất siêu xe thể thao của Italia do Enzo Ferrari sáng lập vào năm 1939 với tên gọi ban đầu là Scuderia Ferrari, đến năm 1946, hãng đổi tên thành Ferrari S.p.A như hiện nay...