Ảnh: FLOWERBX
Còn nhớ năm 2019, khi Louis Vuitton mời tiệc tối trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris, khách khứa đã được ăn uống trong một không gian long trọng tại cung điện Versailles. Bữa tiệc được đặt trong đại sảnh Orangerie. Dịch qua tiếng Việt là sảnh trồng cam.
Nghe thì thấy lạ: Vì sao một toà lâu đài tráng lệ như Versailles lại có một sảnh trồng cam? Nhưng thực tế, những căn phòng trồng cam này từng tượng trưng cho lối sống tao nhã của giới quý tộc châu Âu thời xưa.
Orangerie là gì?
Còn được viết là orangery, đây là một căn phòng hay sảnh lớn trong một khuôn viên châu Âu chuyên dụng để trồng cam hay cây cảnh xứ nhiệt đới. Vào mùa đông lạnh giá, các giống cây nhiệt đới không chịu được khí hậu sẽ được di chuyển vào những căn phòng này. Có thể xem nó như một loại nhà kính trồng cây cỡ lớn.
Các phòng orangerie rất được ưa chuộng bởi giới thượng lưu châu Âu vào giai đoạn thế kỷ 17 đến 19.
Biểu tượng của lối sống xa hoa
Bạn có thể hỏi, vì sao lại là cam quýt? Lý do vì đây là một giống cây ngoại lai của châu Âu.
Cam quýt lần đầu tiên đến với châu Âu vào thế kỷ 15, từ Bắc Phi. Chúng được xem là thứ mỹ vị đắt đỏ chỉ dành cho giới thượng lưu.
Sở hữu một nhà kính trồng cam thể hiện đẳng cấp sống xa hoa, có khả năng chi trả cho những thứ cây cảnh ngoại lai phải nhập từ một miền xa xôi, và có cả khả năng chăm sóc nó qua những mùa đông giá lạnh.
Ngoài cam quýt, hàng loạt cây khác như dứa, cọ, cây ăn trái nhiệt đới… cũng rất được giới thượng lưu châu Âu ưa thích.
Ảnh: Vale Garden Houses
Cấu trúc của những nhà kính trồng cam
Orangerie được thiết kế để giữ ấm cho cây cảnh. Nó ấm nóng hơn khi so với nhà kính thông thường.
Để tăng cường khả năng giữ nhiệt, orangerie không có bốn mặt kính như nhà kính bình thường. Mà nó cần tối thiểu một mặt tường gạch. Tường gạch sẽ dùng để che chắn mặt Bắc thường lạnh giá hơn, đồng thời dùng để gắn lò sưởi. Mặt kính thường sẽ đối diện với hướng Tây Nam, để hút ánh nắng ấm nóng của ban chiều.
Kỹ thuật chế tác kính thủy tinh đã có ở châu Âu từ thời Phục Hưng (thế kỷ 15), với hai tâm điểm sản xuất là Hà Lan và Ý. Qua đến thế kỷ 17, khi mốt xây dựng orangerie bắt đầu thịnh hành, giới châu Âu đã có hai thế kỷ hoàn thiện công nghệ chế tác thủy tinh để làm nên những ô cửa kính to, bản rộng.
Ảnh: Savid Salisbury
Qua đến thế kỷ 19, kỹ thuật chế tác thủy tinh được nâng cấp, cho phép các orangerie được cập nhật với trần kính trong suốt, tăng cường lượng ánh sáng hấp thụ mỗi ngày. Ngoài ra, thời gian này còn phát minh ra hệ thống tỏa nhiệt bằng hơi nước giấu bên dưới nền nhà, giúp tạo không gian ấm đều hơn khi so với lò sưởi cũ kỹ.
Từ thế kỷ 20 trở đi, không còn nhu cầu tự trồng trọt tại nhà mấy. Lúc này, các căn phòng orangerie được biến thành một phòng tiếp khách, nghỉ ngơi giữa vườn tược xa hoa của giới quý tộc.
Những nhà kính trồng cam tuyệt đẹp bạn có thể tham quan
Ngày nay, bạn có thể chiêm ngưỡng phòng trồng cam orangerie tại những lâu đài đẹp bậc nhất thế giới. Sau đây là một số gợi ý từ Harper’s Bazaar.
1. Orangerie thuộc cung điện Versailles, Pháp
Ảnh: Versailles
Căn phòng orangerie này được xây dựng từ khoảng 1684 and 1686. Nó là một phần nối dài của khu vườn Versailles nổi tiếng, là nơi trú chân của vua Louis XIV mỗi khi trời đổ mưa hay quá nắng nóng.
Mùa đông, hàng ngàn chậu cây cam quýt được di dời vào đây để bảo quản. Còn mùa hè, chúng được bê ngược ra vườn thượng uyển, và căn phòng orangerie trở thành phòng ca vũ của giới hoàng tộc Pháp.
Về già, ông hoàng mặt trời trở nên bị mẫn cảm với mùa của hoa tươi. Lúc này, ông cực kỳ thích hương thơm nhẹ của cây quýt. Các cây quýt được trồng trong chậu và di chuyển khắp các căn phòng trong điện Versailles để ướp hương cho không gian sống của ông.
Ngày nay, một phần đại sảnh Orangerie có thể được tham quan bởi công chúng. Khuôn viên chính, tuy nhiên, được giữ lại để làm nơi đãi khách. Với sức chứa lên đến 1200 khách, Versailles Orangerie từng là nơi tổ chức tiệc của Louis Vuitton, Dior…
2. Musée de l’Orangerie thuộc Jardin des Tuleries, ở Paris, Pháp
Ảnh: Musée de l’Orangerie
Đây là khuôn viên trồng cam của Napoleon III. Ông xây dựng phòng orangerie tại vườn thượng uyển Jardin des Tuleries, cạnh điện Louvre.
Phòng trồng cam này to như một cánh của cung điện Louvre. Mặt Bắc là tường đá chống rét, mặt Nam là kính trong suốt. Cửa ra vào nằm ở hai mặt Đông và Tây, được trang trí bởi kiến trúc sư Louis Visconti (cũng là người đã trùng tu điện Louvre).
Năm 1871, cách mạng Pháp nổ ra và Công xã Paris ra đời. Phòng trồng cam này bị tước khỏi kiểm soát của hoàng gia. Nó trở thành một nơi tổ chức các buổi tiệc, hoà nhạc, triển lãm, và thi thố của công chúng Pháp.
Ảnh: Musée de l’Orangerie
Từ năm 1922 cho đến bây giờ, nó được biến thành viện bảo tàng. Đến với Musée de L’Orangerie, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm nổi tiếng của thời kỹ Ấn tượng và Hậu Ấn tượng, đến từ những danh họa như Henri Matisse, Pablo Picasso, Paul Gauguin và Cézanne. Nổi tiếng nhất là hàng loạt tác phẩm Water Lilies của Claude Monet (ảnh trên).
3. Nhà kính hoàng gia Laeken ở Brussels, Bỉ
Ảnh: Wikimedia Commons
Ở phía Bắc thành phố Brussels là Laeken, phức hợp nhà kính hoàng gia Laeken đồ sộ. Nó là một phần của cung điện Laeken của hoàng gia Bỉ. Ngày nay, đây vẫn là khuôn viên sống chính thức của thành viên hoàng tộc Bỉ và cấm khách du lịch.
Khu phức hợp nhà kính hoàng gia này được xem là một trong những nhà kính to và đẹp nhất thế giới. Xây dựng từ năm 1874 và 1895, nhà kính có khung sắt và lát kính toàn bộ. Công trình trải rộng 2,5 héc-ta, trồng hơn 1000 loại cây cảnh khác nhau. Nổi tiếng nhất là bộ sưu tập hoa trà camellia, với những cây lên đến hàng trăm năm tuổi.
Do thuộc không gian sinh sống và làm việc của gia đình hoàng gia Bỉ, nên nhà kính Laeken thông thường không mở cửa cho công chúng. Duy nhất 3 tuần từ khoảng tháng Tư và tháng Năm hàng năm, vào độ các loài hoa nở đẹp nhất, thì bạn mới có thể thăm thú nó.
4. Orangerie ở lâu đài Schwerin, miền Bắc nước Đức
Ảnh: Wikimedia Commons
Lâu đài Schweriner Schloss nằm trên một hòn đảo nhỏ ở hồ Schwerin. Toà lâu đài này đã được xây dựng từ năm 973 sau Công Nguyên, mang lối kiến trúc Gothic thường thấy ở các toà thành châu Âu cổ. Sau đó, vào giai đoạn Phục Hưng, các chi tiết kiến trúc hoa mỹ hơn được tích hợp vào toà lâu đài này. Riêng phòng trồng cam được xây dựng vào năm 1853.
Đây là một kiến trúc được che chắn rất kỹ, nền nhà được cung cấp với hệ thống tỏa nhiệt ngầm tiên tiến của thế kỷ 19. Đằng trước là khoảnh sân riêng có đài phun nước, được bao quanh với một kiến trúc mở đẹp mơ màng.
5. Vườn thượng uyển Kew Gardens ở London, Anh
Xây năm 1761, phòng orangerie do kiến trúc sư William Chambers thực hiện cho hoàng gia Anh. Nằm ở quận Richmond của London, vườn Kew Garden ngày nay mở cho công chúng tham quan rộng rãi.
Điều đáng nói là căn phòng orangerie này vốn…không thành công trong việc trồng cam! Các ô cửa kính quá nhỏ và tối trong mùa đông. Cuối cùng, sau nhiều lần thay đổi, phòng orangerie này được sử dụng làm nhà hàng.
Ảnh: Wikimedia Commons
Tương tự như đại sảnh Orangerie ở điện Versailles, bạn cũng có thể bao trọn sảnh Orangerie tại vườn Kew cho party, đám cưới hay hội nghị riêng.