Mùa hè 2022 đã bị chi phối bởi những câu chuyện về những rủi ro trong du lịch, tình trạng quá tải tại các sân bay, điểm đến và những đợt nắng nóng đe dọa tính mạng ở châu Âu.
Tuy nhiên, ở châu Á, nơi nhiều quốc gia đang mở cửa trở lại dần dần - với ít số vụ hủy chuyến bay hay những câu chuyện kinh dị về thất lạc hành lý - thì lượng khách du lịch quay trở lại vẫn chậm hơn kỳ vọng.
Điều đó đặc biệt có thể thấy ở Nhật Bản, nơi mà kế hoạch mở cửa trở lại bắt đầu từ tháng 6/2022, đúng vào mùa du lịch cao điểm. Tuy nhiên, từ ngày 10/6 đến 10/7, xứ sở hoa anh đào chỉ đón khoảng 1.500 khách du lịch giải trí, theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản. Con số này giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch.
Vậy điều gì gây ra sự chênh lệch? Và tại sao du khách lại chần chừ trở lại nơi vốn là một điểm đến nổi tiếng trong lịch sử?
Những quy định rắc rối
Mặc dù đã mở cửa trở lại, nhưng Nhật Bản hiện chỉ cho phép khách du lịch giải trí đi theo nhóm có tổ chức chứ không được đi cá nhân. Đối với nhiều người ở phương Tây, những người thích sự tự do và không muốn tuân theo một hành trình gò bó, vấn đề đó là một yếu tố then chốt.
Melissa Musiker, một chuyên gia quan hệ công chúng ở New York, người từng thường xuyên đến Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi không cần người ‘trông trẻ’.” Bà Musiker và chồng đã đến Tokyo "khoảng sáu lần” trong quá khứ và cặp đôi đã lên kế hoạch đến thăm lại vào năm 2022 khi họ nghe tin biên giới được mở cửa, nhưng thất vọng vì những hạn chế nghiêm ngặt và từ bỏ ý định. Thay vào đó, họ đang chọn một điểm đến mới là Hàn Quốc để nghỉ dưỡng. "Chúng tôi không muốn cách ly. Đó là một yếu tố quan trọng,” bà Musiker nói. "Chúng tôi chỉ thích đi dạo loanh quanh, mua sắm và ăn những món ăn đắt tiền."
Chính sách “mở-cửa-một-nửa”
Chính sách mở cửa không hoàn toàn của Nhật Bản không chỉ áp dụng đối với thị thực, mà còn là các quy định về khẩu trang ở nhiều khu vực, các tour du lịch theo nhóm rất đắt đỏ và yêu cầu cách ly kiểm dịch khi đến nơi, khiến việc thu hút khách du lịch quốc tế càng khó khăn hơn.
Katie Tam, người đồng sáng lập Arry - một nền tảng giúp du khách đến Nhật Bản đặt chỗ tại các nhà hàng, cho biết trước đại dịch, du khách châu Á - sống ở Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Singapore - sử dụng Arry rất nhiều khi họ đến thăm Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ 2020, công ty đã phải tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, đến nay, bắt đầu đã có một số thành viên liên lạc lại với Arry về việc đặt bàn - những người đã có thể xin được thị thực đi công tác Nhật Bản. Hiện tại, đây là cách duy nhất để những người không phải là công dân đến đất nước này với tư cách khách lẻ và một số người đang tận dụng lợi thế của sự vắng vẻ để đến được các nhà hàng nổi tiếng.
Theo Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh, hai thị trường lớn nhất của du lịch Nhật Bản hiện nay là Thái Lan và Hàn Quốc. Nhưng "lớn nhất" ở đây chỉ rơi khoảng 400 người/ mỗi quốc gia kể từ tháng 6.
“Hiệu ứng Trung Quốc”
Năm 2019, thị trường du lịch lớn nhất của Nhật Bản là nước láng giềng Trung Quốc, với 9,25 triệu lượt khách du lịch.
Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc về cơ bản vẫn bị phong tỏa với phần còn lại của thế giới. Quốc gia tỷ dân vẫn có các quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt dành cho người dân cũng như người nước ngoài, khiến ngành du lịch rơi vào bế tắc.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng đáng kể từ việc thiếu du khách Trung Quốc. Các điểm đến phổ biến đối với khách du lịch Trung Quốc, như Úc, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc, đều bị mất đi lượng lớn doanh thu.
Hiroyuki Ami, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Tokyo Skytree - một địa điểm thăm qua nổi tiếng ở Tokyo, nói rằng phải đến ngày 27/6 nhóm du lịch quốc tế đầu tiên mới đến đài quan sát. Nhóm được đề cập bao gồm các khách từ Hồng Kông. Mặc dù Hồng Kông vẫn có những hạn chế nghiêm ngặt bao gồm kiểm dịch bắt buộc tại khách sạn đối với những cư dân từ nước ngoài trở về, nhưng khách du lịch đến đây vẫn còn dễ dàng hơn nhiều so với từ Trung Quốc đại lục.
“Hầu hết khách đến Skytree trong sáu tuần qua là người Nhật Bản địa phương”.
Hy vọng cho ngành du lịch Nhật Bản
Bất chấp những khó khăn hiện nay, thì khi chính phủ Nhật Bản mở cửa hoàn toàn cho các du khách cá nhân, chắc chắn tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện. Cụm từ cửa miệng "du lịch trả thù" được tạo ra để mô tả những người đã tiết kiệm tiền trong suốt thời gian đại dịch để chờ tới thời điểm được “bung lụa” cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ được nhắc nhiều tới Nhật Bản, một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất trên thế giới.