Patek Philippe: Giấc mơ vương giả

patek-title.jpg

Nói đến đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ, dù hàng chục cái tên có thể ngay lập tức xuất hiện trong đầu thì vượt lên tất cả, Patek Philippe dường như là chiếc vương miện ngự trị trên đỉnh cao, là giấc mơ, là khát khao, là mong mỏi của tất cả những người đã, đang và sẽ đeo trên tay cỗ máy đếm thời gian…

“Bởi Patek Philippe không bao giờ dễ dàng”, đó là lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của bà Sandrine Stern – Giám đốc sáng tạo, vợ chủ sở hữu kiêm chủ tịch Thierry Stern của hãng đồng hồ được bình chọn là uy tín nhất thế giới.

Hiện Patek Philippe là một trong vài thương hiệu còn sót lại vẫn thuộc sở hữu gia đình, sản lượng chỉ khoảng 55.000 chiếc mỗi năm – quá ít ỏi nếu so với con số 1,4 triệu chiếc của Rolex. Số lượng hạn chế cũng nằm trong chiến lược bảo toàn tính độc quyền của thương hiệu trước việc các đối thủ hùng mạnh xuất hiện ngày càng đông đúc hơn.

Tuy nhiên, theo các báo cáo tài chính, doanh thu ước tính hàng năm của Patek Philippe vẫn dao động quanh mức 1,7 – 2 tỷ USD/năm (năm 2022 là 2,03 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ bán chạy nhất). Tuy nhiên, độ yêu thích thương hiệu chiếm khoảng 25%, bỏ khá xa hai thương hiệu bám đuổi là Jaeger-LeCoultre và Vacheron Constantin.

Người thợ đồng hồ gốc Ba Lan Norbert Antoine de Patek bắt đầu sản xuất những chiếc đồng hồ đầu tiên vào năm 1839, đến năm 1845 ông hợp tác với đồng nghiệp người Pháp Adrien Philippe, một nhà phát minh thực sự với cơ chế lên dây không cần chìa vô cùng độc đáo và Patek Philippe & Co được thành lập năm 1851.

patek7.jpg
Norbert Antoine de Patek (trái) và Adrien Philippe (phải)

Tính từ đó đến nay, kể cả sau khi công ty được bán cho gia tộc Stern năm 1932, bắt đầu giai đoạn khẳng định đẳng cấp và bùng phát kinh doanh, Patek Phillipe cũng chỉ sản xuất chưa đến 1 triệu chiếc đồng hồ.

Trong khi nhiều hãng khác chấp nhận đặt hàng nhiều bộ phận từ nhà sản xuất bên ngoài thì các nghệ nhân của Patek Philippe vẫn tự chế tác thủ công, tự đánh bóng tất cả - trung bình khoảng 15 triệu chi tiết mỗi năm. Mà đồng hồ nào có hàm lượng “con người” cao hơn trong khâu sản xuất, đồng hồ đó giá trị hơn, đây đã là quy luật bất biến trong lĩnh vực này.

Cho nên, không ngạc nhiên khi Patek Philippe được xem là “vô đối” về độ tinh xảo, từ bộ vỏ cho đến các chi tiết máy móc bên trong. Mỗi chiếc đồng hồ mang thương hiệu Patek Philippe là một kiệt tác cơ khí thực sự, chất chứa rất nhiều “bí mật gia truyền” được kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ.

patek11.jpg
Những bản thiết kế đầu tiên của Patek Philippe

Kể cả khi có cả đống tiền trong tay thì việc mua được một chiếc Patek Philippe thuộc phân khúc cao cấp (nhiều tính năng, chất liệu quý hiếm…) hoàn toàn mới vẫn là điều cực kỳ khó khăn, nếu không nói là bất khả thi với hầu hết mọi người. Bởi Patek Philippe luôn tuân thủ quy tắc bán hàng cực kỳ nghiêm ngặt trong vài chục năm qua và chưa xuất hiện bất kỳ ngoại lệ nào.

Thứ tự ưu tiên khách hàng của Patek Philippe luôn là: danh nhân thế giới, chính khách quyền lực, nghệ sĩ nổi tiếng và cuối cùng mới đến người có tiền. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Sau khi chọn được mẫu ưng ý tại các điểm phân phối & bán lẻ chính hãng, người mua phải nộp hồ sơ và đợi Patek Philippe xét duyệt trong vài tháng trời.

Mà Patek Philippe chưa bao giờ làm đồng hồ chỉ để phục vụ người có tiền, cũng chưa bao giờ bán hàng thông qua bên thứ ba, nên mọi cửa “lách luật” đều bị bịt kín. Cho nên, cách duy nhất để có được một chiếc Patek Philippe “xịn” trên cổ tay là tìm đến “grey market” – thị trường xám, là nơi chuyên bán hàng cũ, hàng không phân phối chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tên người đeo không bao giờ có trong hồ sơ lưu tại hãng, đồng hồ thì không được hưởng bất kỳ quy chế bảo hành nào.

6002R_001_19-scaled.jpg

Đời là vậy!

Càng khó khăn thì khát khao chinh phục càng lớn. Không mua được bằng tiền thì phải mua bằng rất nhiều tiền. Mà giá trị bán lại của đồng hồ Patek Philippe cao hơn rất nhiều các hãng khác, bảo sao giới sưu tầm lại càng mê mẩn thương hiệu này hơn bất cứ ai.

Bên cạnh việc bảo toàn tính độc quyền của thương hiệu, một lý do khác để sản phẩm Patek Philippe trở nên hiếm hoi chính là việc các nghệ nhất phải mất đến 9 tháng để cho ra đời một mẫu cổ điển, còn nếu thuộc dạng tuyệt phẩm, độc bản hay tương tự thế thì thời gian kéo dài ít nhất cũng phải hai năm.

Có thể khẳng định luôn, Patek Philippe chính là khoản đầu tư sinh lời chắc chắn đến 99,99%. Ví dụ, một chiếc Patek Philippe Calatrava giá 300 USD vào năm 1950 thì đến giờ nó được mua bán ở mức 20.000 USD. Một chiếc Perpetual Chronograph giá khoảng 20.000 USD vào năm 1980 thì hiện tại người ta sẵn sàng giao dịch ở mức hơn 400.000 USD, tức là còn đắt hơn nhiều đồng hồ mới.

PP_6002R.jpg
Sky Moon Tourbillon Tourbillon 6002G sở hữu lớp vỏ bằng vàng 18K chạm khắc tinh xảo

Những người may mắn mua được đồng hồ Patek Philippe cũ hoàn toàn có quyền tưởng tượng và hy vọng chủ trước của nó là một người nổi tiếng nào đó, như Nữ hoàng Anh Victoria và Hoàng tử Albert, Nhà vua Ý Victor Emmanuel III, Hoàng đế Đan Mạch Christian IX, Sultan Ai Cập Hussein Kamel, Giáo hoàng Pius IX, nhà văn Lev Tolstoy hay các nhà khoa học Albert Einstein, Marie Curie, Tổng thống J.F. Kennedy, nghệ sĩ nhạc jazz kỳ tài Duke Ellington, cầu thủ bóng chày Joe DiMaggio – cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất nước Mỹ, chồng thứ hai của minh tinh vắn số Marylin Monroe.

Hiện các sản phẩm của Patek Philippe vẫn đang nắm giữ khá nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu về giá trị. Ví dụ như chiếc đồng hồ bỏ túi Henry Graves Supercomplication xuất xưởng năm 1933 đã được đấu giá lần đầu năm 1999 và trở thành cỗ máy đếm thời gian đắt nhất ở thời điểm đó: 11 triệu USD.

Đến năm 2014, trong lần đấu giá thứ hai, nó phá kỷ lục khi một người mua giấu tên phải trả đến 24 triệu USD để được sở hữu. Nhưng Henry Graves Supercomplication cũng là đồng hồ bỏ túi phức tạp nhất trong lịch sử với 24 chức năng và các nghệ nhân của Patek Philippe tốn đến 3 năm thiết kế và 5 năm chế tác, hoàn thiện.

Henry-Graves-Supercomplication.jpg
Henry Graves Supercomplication cũng là đồng hồ bỏ túi phức tạp nhất trong lịch sử với 24 chức năng

Bất ngờ hơn, chiếc đồng hồ đeo tay được đấu giá cao nhất với số tiền lên đến 11 triệu USD là mẫu Ref. 1518 sản xuất năm 1943 lại có lớp vỏ ngoài bằng thép không gỉ chứ không phải loại bọc vàng hay đính kim cương. Tuy nhiên, xét về mức độ quý hiếm thì nó hoàn toàn xứng đáng bởi trong 386 chiếc Ref. 1518 chỉ có đúng 4 chiếc vỏ thép và đây cũng là chiếc duy nhất chịu “ló mặt” ra với công chúng.

Ngay đến nghệ sĩ guitar huyền thoại Eric Clapton cũng phải trải qua một cuộc đấu giá mới “tậu” được một trong hai mẫu Ref. 2499/100 vỏ bạch kim, lịch vạn niên cực kỳ hiếm hoi sản xuất năm 1989. Đến năm 2012, ông lại đem ra đấu giá để gây quỹ từ thiện và nó đã được bán với giá 3,6 triệu USD.

Trong khi đó, mẫu Sky Moon Tourbillon 6002G được xem là một trong vài đồng hồ có giá xuất xưởng cao nhất của Patek Philippe trong vài năm trước đây: 1,5 triệu USD và số lượng cực kỳ hạn chế. Thậm chí ông Larry Pettinelli – người đứng đầu Patek Philippe khu vực Bắc Mỹ còn tuyên bố “nếu không đủ tiêu chuẩn thì có bỏ ra 6 triệu USD chúng tôi cũng không bán”.

Tức là người mua không chỉ thuộc thứ tự ưu tiên về con người mà còn phải chứng minh được sự gắn bó lâu dài với Patek Philippe cũng như năng lực thưởng thức và thẩm định đồng hồ xa xỉ.

Patek_Philippe_Sky_Moon_Tourbillon_6002G.jpg

Sky Moon Tourbillon Tourbillon 6002G sở hữu lớp vỏ bằng vàng 18K chạm khắc tinh xảo, hoạt động với bộ máy Caliber RTO 27 lên dây tay, 55 chân kính, tích cót 48 tiếng, có chức năng Minute Repeater (điểm chuông). Bộ Tourbillon siêu nhẹ chỉ 0,3 gram với 69 bộ phận giúp đảm bảo độ chính xác với mức sai lệch không quá 2 giây/ngày.

Đây là một trong vài đồng hồ hai mặt của Patek Philippe, mặt ngoài hiển thị giờ và thứ, ngày tháng, lịch tuần trăng, Tourbillon còn mặt sau thể hiện hình ảnh bầu trời, thời gian thiên văn, 4 hướng.

Tại các buổi đấu giá, sản phẩm của Patek Philippe luôn được ví như tranh Picasso. Theo đại diện của nhà Christie’s, hơn 90% đồng hồ đắt tiền nhất được đấu giá trong những năm gần đây đều mang thương hiệu Patek Philippe. “Bởi khi tiền không phải vấn đề thì bất kỳ ai cũng muốn sở hữu Patek Philippe”. Hẳn là như vậy!

Hiện Patek đã có mặt ở Việt Nam. Hôm khai trương cửa hàng có cả sự hiện diện của CEO kiêm chủ sở hữu của Patek Philippe. Đây là hiện tượng đặc biệt do Việt Nam vốn là thị trường nhỏ. Tuy nhiên sự hiện diện này cho thấy, hãng rất coi trọng Việt Nam, một thị trường đầy người hâm mộ Patek với sức mua thực sự ấn tượng.