Lễ hội thả đèn trời Yi (hay Yee) là một lễ hội được tổ chức ở Vương quốc Lanna cổ, tức là miền Bắc Thái Lan, trong đó bao gồm Chiang Mai, cố đô của Vương quốc Lanna trước đây. Yi có nghĩa là “hai” và Peng có nghĩa là “ngày trăng tròn”, đề cập đến ngày trăng tròn của tháng 12 trong âm lịch Thái Lan.
Khung cảnh huyền ảo hiếm có của lễ hội thả đèn trời Yi Peng.
Mặc dù lễ hội thả đèn trời chỉ được tổ chức ở các vùng phía bắc Thái Lan, nhưng nó lại trùng với lễ Loy Krathong (Lễ hội hoa đăng) được tổ chức cùng ngày trên toàn đất nước Thái Lan. Về cơ bản, Yi Peng và Loy Krathong đều liên quan đến thắp đèn, tuy nhiên, Yi Peng là thả đèn lên trời, còn Loy Krathong là thả những đèn trong những chiếc giỏ được kết hình hoa sen dưới nước.
Những chùm đèn trời được trang trí với những lời chúc may mắn và những lời cầu nguyện được thả lên trời vào hai đêm lễ kỷ niệm.
Năm 2021, Loy Krathong sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 11 trong khi Yi Peng sẽ diễn ra vào ngày 19 – 20 tháng 11. Việc thả đèn trời được cho là sẽ giải phóng năng lượng tiêu cực và cầu mong những điều may mắn, tài lộc trong năm tới. Đèn lồng bay lên trời tượng trưng cho các vấn đề và rắc rối trôi đi. Những chiếc đèn trời này được gọi là khom loi trong tiếng Thái, có nghĩa là đèn lồng nổi. Khom loi được làm bằng giấy dó căng trên một khung tre có gắn một ngọn nến ở dưới đáy. Không khí nóng từ ngọn nến bị giữ lại bên trong đèn lồng và làm cho nó bay lên khỏi mặt đất.
Khoảng khắc hàng ngàn chiếc đèn trời bay lên không trung mang theo sắc đo cảm huyền hoặc, làm sáng một vùng trời đẹp như cổ tích. Đây cũng là cảnh tượng cả người Thái Lan lẫn du khách quốc tế đều ước ước được chứng kiến.
Bên cạnh đèn trời khom loi, bạn có thể thấy nhiều loại đèn lồng khác nhau xung quanh Chiang Mai trong lễ Yi Peng. Chẳng hạn khom fai là những chiếc đèn lồng bằng giấy trang trí nhà cửa và đền thờ. Khom tue là những chiếc đèn lồng được mang trên một chiếc que. Khom pariwat là những chiếc đèn lồng xoay được đặt trên các ngôi đền.
Thả đèn trời và cầu nguyện anh lành.
Dịp lễ này không quy định giờ thả, chỉ là khi màn đêm dần buông là có thể tụ tập bạn bè gia đình cùng nhau đưa thả đèn cầu an. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào lễ hội, kể cả những người không theo đạo Phật cũng có thể đến chung vui cùng các Phật tử và người dân bản địa Thái Lan.
Những chiếc đèn lồng xoay Khom pariwat được đặt trên các ngôi đền.
Việc tham gia ngắm nhìn lễ hội không tốn tiền, trừ khi bạn mua đèn trời. Có một số sự kiện có vé trả tiền được tổ chức bên ngoài thị trấn Chiang Mai nhằm quảng cáo cơ hội tham gia thả đèn lồng hàng loạt. Nhưng điều này không có ý nghĩa lịch sử và không phải là sự kiện chính thức của chính phủ.
Hàng trăm nghìn chiếc đèn trời được thả lên với những điều ước, giá của mỗi chiếc đèn được bán dao động trong khoảng từ 20-50 nghìn VND.
Người dân và du khách tham dự lễ hội trong ba ngày, ban ngày du khách có thể đi xe đạp dạo quanh phố và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Ban đêm là thời điểm tuyệt diệu nhất, mọi người được trải nghiệm khung cảnh đẹp tuyệt trần: Thời khắc cả bầu trời lúc lấp lánh cùng những vì sao nhân tạo, giống như một đàn sứa khổng lồ phát sáng, trôi nổi trên bầu trời cùng với vẻ đẹp siêu thực của những chiếc đèn hoa đăng trôi nổi trên những dòng sông. Không có từ ngữ hay máy ảnh nào có thể ghi lại được vẻ đẹp huyền ảo của nó.
Sau nghi thức thả đèn trời, người dân sẽ cùng nhau tận hưởng khung cảnh thần tiên cả đêm. Rất nhiều hoạt động diễn ra song song trong lễ hội như màn trình diễn pháo hoa đặc sắc, cuộc thi Hoa hậu Yi Peng, hay đua thuyền…
Trong những ngày lễ, người Thái thường mặc trang phục truyền thống để tham gia.
Nếu bạn muốn quan sát lễ hội đèn lồng Yi Peng ở Chiang Mai, hãy đến cầu Nawarat và dọc theo sông Ping về phía nam. Tuy nhiên, nhiều tín đồ du lịch gợi ý rằng nơi tốt nhất để quan sát lễ hội đèn lồng Chiang Mai là ở Wat Chai Mongkhon, nơi các nhà sư giúp các tín đồ và khách du lịch thả đèn lồng một cách an toàn, hoặc Wat Phantao ở Phố Cổ.
Các nhà sư sẽ tụng kinh để mở đầu cho nghi thức thiêng liêng này.
Tuy nhiên việc đến được Chiang Mai tham gia lễ hội không dễ dàng vì các chuyến bay thẳng đến Chiang Mai chưa nhiều, hơn hết, các phòng khách sạn luôn "cháy phòng" từ rất sớm. Thông thường, bạn nên đặt phòng trước khoảng 3 tháng hoặc sớm hơn càng tốt nếu bạn đã chắc chắn về lịch trình của mình. Về chỗ ở, tốt nhất bạn nên ở tại khu vực Phố Cổ để có thể đi bộ đến lễ hội vì giao thông rất đông đúc.
Thái Lan rất coi trọng các hoạt động truyền thống và họ luôn biết cách giữ gìn và phát huy đồng thời đưa các ngày lễ truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.
Hy vọng những điều thú vị này sẽ giúp bạn sắp xếp được một lịch trình hợp lý cho chuyến du lịch đến Chiang Mai để thưởng ngoạn một trong những lễ hội tuyệt vời và nổi tiếng tại đây.