TÂM ở đây là trái tim – trung tâm mỹ cảm yêu thương và tâm linh. Và vì vậy tâm là cội rễ bản năng, trực giác cùng suối nguồn của tín đức. (Khoa học ngày càng thấy nhiều manh mối rằng nhận thức và tình cảm con người quả thực khởi động từ quả tim chứ không phải thuần túy từ não bộ!). Chức năng nhận thức của nghệ thuật hay thực hành nghệ thuật là rất thực chứng, hàng ngày. Sự thật hoang hoặc nào thời con người từ hang động đi ra triền suối bờ sông, sự cô đơn cằn cỗi hùng vĩ trong sa mạc, cái thô khai ám ảnh của bảy ngày sáng thế… cho tới khải thị tận thế những câu hỏi đầu tiên và cuối cùng siêu hình của tồn tại, của kiếp người não bộ không tiệm cận được, càng không trả lời được mà chỉ cái tâm mới giác ngộ được nhờ cảm thức mỹ ái tức nhờ nghệ thuật và tình yêu. Ta thấy một tình yêu run rẩy thấm nhuần ân ái và những sự lạ hoành tráng siêu vĩ ở những bức lớn trong triển lãm này. Nó gần như đã đưa ta tới những bến bờ siêu hình trong vương quốc sự thật, dù còn choáng ngợp trước mông lung. Những sự thật nơi các tranh nhỏ hơn ngẫu nhiên dịu, đằm, đời thường hơn, tâm tình và thấu cảm người với người hơn. ‘Tiếng vọng’ là những đoản khúc lanh lảnh như ánh sáng tiếng chim lúc tinh sương, những chùm sợi hồi quang trầm buồn tắt lịm khi nhật mộ. ‘Thánh tích’, ‘Người ở đâu’, ‘Di sản… không gian của người’ là những dạ khúc, bi ca tang tóc day dứt, những khối đớn đau rực rỡ, những mảng thi thể không phân hủy mà hóa vàng, hóa đá ăn năn. Các cảm xúc thị giác đôi khi cụ thể như viết thương hở chưa lên da non. Cái tâm cảm/ thức nghệ sĩ dường như đã vật thể hóa được chân lý siêu linh (như vũ trụ quan “Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư” của Nguyễn Gia Thiều) thành bức tranh pho tượng.
NHẠC ở đây là phần biết hát của cây sậy (ẩn dụ Ai Cập cổ về con người), là một làn hơi mà chúa trời đã thổi vào tấm thân đất sét hoang hoại của loài nhân (sáng thế theo kitô giáo). Nhạc là âm thanh và nhịp điệu, cảm quan duy nhất gắn kết hòa tan không gian với thời gian thành một thể. Nó vốn là cái tôi sinh – hóa của vũ trụ. Nó chính là luồng khí sáng tạo, là nguyên lý “khí vận sinh động” trong họa pháp kinh viện. Nhịp sóng đôi nhạc với lễ của tôn giáo vắt từ thời tiền sử sang thời đương đại chúng ta. Nhạc tính trong hội họa của Nguyễn Sơn cũng hàm nghĩa tôn giáo trực diện trên mặt tranh và thực tế trong sinh hoạt. Bố cục, lớp tầng không gian mạng lưới các đường lực như bản tổng phổ, giai điệu là đường nét uốn lượn tạo Form và Gestalt, màu sắc mảng điểm là những nốt nhạc trong các bè thăng giáng, trong đục của sắc độ. Nhạc tính luôn là một bản thể của hội họa. Hội họa đích thực luôn là một bản nhạc thị giác. Khi có lòng chiêm nghiệm tranh Nguyễn Sơn trong ta (tim hay não đây!) nhất thiết vang lên tiếng nhạc gì đó ngay đây hay từ muôn kiếp trước vọng về. Nhạc cảm tinh nhạy và gen âm nhạc của gia đình chắc chắn là một lợi thế hội họa của Nguyễn Sơn. Bức Cha/ Father và các bức 3D khác của anh đều kiêu hãnh vì nhạc tính của mọi phương tiện biểu đạt.
Thi tứ và nhạc tính phổ biến trong hội họa lãng mạn/ romanticisme và hội họa tinh triết trữ tình/ lyrical abstract mà họa sĩ theo đuổi và đã đạt tới một vị thế hàng đầu ở Việt Nam. Đáng kể là ở các tác phẩm trong Tiếng vọng và Bản ngã/ Echo & Ego này dàn hợp xướng cảm xúc trải dài từ cái siêu vĩ choáng ngợp ngất ngây rất được nghệ thuật đương đại cũng như chủ nghĩa lãng mạn Đức và trường phái sơn thủy Nam/ Bắc Tống suy tôn bá chủ ở đầu này cho tới những thi hứng nhạc cảm nhỏ nhẹ, đơn mộc kiểu phố làng Việt Nam và chút man mác tâm tình rụt rè chớm nở… ở đầu kia. Những thứ đó pha trộn liều lượng khác nhau song ở mỗi tranh luôn hài hòa chót lọt. Vì thế dù chỉ ở vài bức “Tôi ở đây” ta nhác thấy vài nhân dạng/ nhân hình như đá núi khói sương cát bụi nhưng ta sẽ luôn luôn đụng đầu những số phận, chia sẻ những thân phận nào đó trên mỗi bức tranh tinh triết/ abstract không hình/ non figurative.
Lễ Nhạc là cặp con gái sinh đôi của tôn giáo. Dù nghệ thuật trực tiếp sinh ra từ tôn giáo hay từ lao động hay cả hai thuyết đều đúng thì lịch sử dài dặc của nghệ thuật luôn chứng tỏ một điều thường trụ là nghệ thuật lớn sâu sắc, cao đẹp luôn cần cảm hứng tôn giáo. Ở Việt Nam cũng vậy: lý tưởng, đạo đức, phong vị Phật giáo, Lão giáo, Đạo mẫu… tràn ngập thấm nhuần mọi di sản mỹ thuật từ cổ sơ qua kinh điển tới “đương đại phá cách” bây giờ. Và ta không quên rằng tâm hồn quê Việt từ sáu trăm năm nay luôn rung vang tiếng chuông nhà thờ, đạo đức tin lành, lối sống phúc âm trở thành thường nhật đời sống của nhiều cộng đồng. Cảm hứng, triết lý, đức tin kitô giáo 6 thế kỷ đã góp phần mạnh mẽ định tính định dạng văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Tuy nhiên không hiểu sao dù di sản kiến trúc và nghệ thuật thánh rất đồ sộ huy hoàng cảm hứng kitô đó lại rất mờ nhạt ở hội họa độc lập cá nhân!?. Nguyễn Sơn có lẽ là một tác giả đầu tiên thực thụ triển khai tư tưởng tình cảm mỹ ái trực tiếp, nồng nhiệt và thông thái từ kinh thánh vào hội họa. Tranh của anh làm tôi nhớ tới Hàn Mặc Tử!
HOẠ ở đây là sự sinh trưởng một ‘cơ thể hội họa’ dung chứa linh hồn tâm – nhạc. Họa sĩ luyện nghề vẽ tinh khéo và thủ công tao nhã, huy động kết hợp nhiều vật liệu, kỹ thuật, công nghệ, thủ pháp thị giác cổ truyền và tân tiến từ sơn dầu, acrilic, sơn mài, màu nước, ảnh, giấy, gỗ, đá cát, nhựa epoxy, video, đồ cũ, mới có sẵn, vv… Không gian 2D và 3D sang trượt nhau rất ngọt ngào. Các tác phẩm 3D ở triển lãm này là những thứ thơ mộng nhất tôi được thấy ở Việt Nam ta và chúng cũng ‘Việt hóa’ thể loại này tốt nhất sau 30 năm du nhập.
Nguyễn Sơn, anh hoa phát tiết từ tuổi sinh viên với các giải thưởng khích lệ đã trải qua 20 năm tu tập hội họa chìm đắm, vùng vẫy trong nghệ thuật đương đại với 6 triển lãm cá nhân và hàng chục triển lãm nhóm trong và ngoài nước để vào độ tuổi ngũ tuần giang tay đón nhận thiên ân/ thiên mệnh của Giời là làm Tâm – Nhạc – Họa của một tác giả độc biệt và sung sức nhất. Xin chúc mừng.
Thông tin do đơn vị tổ chức cung cấp
...