Tập đoàn thời trang Capri mua lại chủ sở hữu thương hiệu Michael Kors

Thỏa thuận sẽ tạo ra một tập đoàn thời trang xa xỉ Mỹ trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ lớn ở châu Âu, bao gồm cả “ông trùm” LVMH…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một cửa hàng Michael Kors tại Colorado, Mỹ
Một cửa hàng Michael Kors tại Colorado, Mỹ

Tập đoàn Tapestry sẽ mua lại chủ sở hữu thương hiệu Michael Kors là Capri Holdings trong một thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD với tham vọng tạo ra một đế chế thời trang Mỹ để thách thức các đối thủ châu Âu.

Trên thực tế, các công ty xa xỉ của Mỹ đã liên tục tụt hậu so với các công ty cùng ngành ở châu Âu cả về quy mô lẫn danh tiếng. Cái tên đứng đầu trong lĩnh vực xa xỉ hiện nay là tập đoàn LVMH của tỷ phú Bernard Arnault, sở hữu 75 thương hiệu, bao gồm công ty trang sức lâu đời của Mỹ Tiffany & Co. cùng nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu như Dior và Louis Vuitton.

Thỏa thuận giữa Tapestry và Capri cũng sẽ mang các thương hiệu như Versace, Jimmy Choo, Stuart Weitzman và cả Kate Spade “về cùng một nhà”.

"Quy mô dường như đang ngày càng quan trọng hơn đối với hàng xa xỉ do các tập đoàn lớn có khả năng đầu tư nguồn lực vào việc phát triển các thương hiệu nhỏ hơn của họ”, nhà phân tích Jelena Sokolova của tờ Morningstar cho biết.

Cả hai công ty kết hợp đã tạo ra hơn 12 tỷ USD doanh thu hàng năm trên toàn cầu trong năm tài chính trước đó, Tapestry cho biết. Con số này còn khá khiêm tốn so với khoảng 87 tỷ USD của LVMH năm ngoái và khoảng 23 tỷ USD của một đối thủ châu Âu khác là Kering.

Tapestry sẽ trả cho các cổ đông của Capri 57 USD/cp bằng tiền mặt, tương ứng với mức phí bảo hiểm gần 65%. Giá trị vốn chủ sở hữu của thương vụ này là 6,69 tỷ USD, theo tính toán của Reuters.

Cổ phiếu của Capri đã đạt mức cao nhất trong sáu tháng là 54,52 USD trong phiên giao dịch 10/8 và đóng cửa tăng 56% ở mức 53,90 USD. Ngược lại, Tapestry đóng cửa giảm 16% ở mức 34,67 USD do các nhà đầu tư chùn bước trước khoản vay bắc cầu trị giá 8 tỷ USD mà công ty đã thực hiện cho thỏa thuận này.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng thỏa thuận này sẽ giúp Capri hồi sinh thương hiệu Michael Kors của mình dưới sự quản lý tốt hơn tại Tapestry sau khi doanh số bán hàng ghi nhận mức yếu kém trong vài quý vừa qua.

Capri đã báo cáo tổng doanh thu quý đầu tiên giảm 9,6% xuống còn 1,23 tỷ USD, nhưng đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích là 1,20 tỷ USD, theo dữ liệu của Refinitiv IBES. Lợi nhuận đã điều chỉnh của công ty đạt 74 cent trên mỗi cổ phiếu, cũng vượt qua dự đoán 71 cent. Công ty nói thêm rằng, vì thỏa thuận đã công bố, họ không có ý định đưa ra bất kỳ hướng dẫn tài chính nào vào thời điểm này và đã rút lại dự báo đã đưa ra trước đó.

“Nhu cầu suy yếu đã gây áp lực lên Tapestry và Capri, cả hai đều đang tìm kiếm thị trường quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng. Sẽ an toàn hơn khi họ bắt tay vào các kế hoạch với tư cách là một thực thể toàn diện, thống nhất", Giám đốc điều hành GlobalData Neil Saunders nhận xét.

Đây là một hướng đi khá quen thuộc của cả hai công ty, vốn đã có nhiều năm phát triển thông qua việc mua lại. Vào năm 2017, Tapestry - khi đó được biết đến là Coach - đã mua công ty thời trang tầm trung Kate Spade với giá 2,4 tỷ USD. Cùng thời gian đó, Capri - với tên gọi Michael Kors - mua lại thương hiệu giày Anh Jimmy Choo với giá 1,2 tỷ USD. Tầm một năm sau, Capri tiếp tục mua Versace với giá 2,2 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Joanne Crevoiserat của Tapestry cho biết: “Chúng tôi đang mở rộng và đa dạng hóa cơ sở khách hàng của mình... Điều này sẽ tạo cơ hội giúp chúng tôi tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng và phân khúc thị trường cao cấp”.

Có thể bạn quan tâm