Travel blogger Bùi Ngọc Công với “Blog của Rọt”, là cái tên xuất hiện nhiều trong cộng đồng xê dịch. Chàng trai xứ Quảng đặt chân đến Hà Giang không chỉ mang về những bức ảnh đẹp, mà còn là câu chuyện bụi đường về những trải nghiệm thi vị, nét văn hóa đặc trưng của bà con miền cao.
Nguồn: FBNV
Hà Giang bao la hùng vĩ.
Rọt chia sẻ: “Không như những địa điểm khác, Hà Giang vào tháng nào trong năm cũng rất đẹp.” Cụ thể, mùa xuân thì ngắm hoa đào, hoa mận; tháng 3, 4 ngắm nhìn màu sắc đỏ rực của hoa gạo; tháng 5, 6 sẽ trúng vào mùa nước đổ - ruộng bậc thang đón nước từ trên các đỉnh núi đổ về, Hà Giang như được mặc một lớp áo mới.
Nguồn: FBNV
Travel blogger Bùi Ngọc Công.
Đến tháng 7, 8 trời rất trong, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa, lúa chuyển sang màu xanh mướt mắt; tháng 9-10 là thời điểm mùa lúa chín trên khắp các thửa ruộng bậc thang; cuối năm là thời điểm thích hợp nhất để ngắm hoa tam giác mạch.
Nơi địa đầu của Tổ quốc đó chính là cực Bắc nằm ở đỉnh Lũng Cú thuộc tỉnh Hà Giang nhưng cực Bắc chính xác về tọa độ sẽ cách cột cờ Lũng Cú vài km về phía Bắc, đó chính là trung tuyến của dòng sông Nho Quế (ranh giới Việt Nam – Trung Quốc) một nơi hiểm trở khó đi lại.
Nguồn: FBNV
Đường đi xuống sông Nho Quế.
Sông Nho Quế là một con sông có đầu nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn, Vân Nam (Trung Quốc), nước của dòng sông này có màu xanh ngọc bích, chảy giữa các khe núi, đoạn đi qua hẻm Tu Sản được coi là đẹp nhất. Đứng từ đèo Mã Pì Lèng chúng ta có thể nhìn bao quát một màu xanh mướt mắt từ con sông này.
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1000m đến 1600m so với mực nước biển, có diện tích gần 2356km2. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi được tạo từ nước, điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển khác nhau kéo dài hàng triệu năm.
Nguồn: FBNV
Có nhiều lễ hội mùa xuân ở Hà Giang với các tên gọi, đặc trưng khác nhau ví dụ như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào, lễ hội cầu Trăng,… Tất cả các lễ hội này đều được tổ chức với mục đích cầu may đầu năm với một năm mới mùa màng bội thu.
Nguồn: FBNV
Chợ tình Khâu Vai được tổ chức vào 27 tháng 3 âm lịch hàng năm, tức là rơi vào khoảng tháng 4 dương lịch. Lễ hội là nơi hội tụ những đôi trai gái đến tìm một nửa còn lại, là cầu nối se duyên làm nên nhiều chuyện tình đẹp. Đến Hà Giang vào khoảng thời gian này đúng là một trải nghiệm thú vị đối với mỗi du khách.
Nguồn: FBNV
Chợ phiên vùng cao ở Hà Giang thường được mở vào ngày cuối tuần, tùy thuộc vào các dân tộc khác nhau, đây là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân vùng cao. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của người dân nơi đây.
Đèo Mã Pì Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của nước ta, là con đường đèo tuy không dài nhưng lại hiểm trở, cũng là một trong những cung đường khó đi nhất tại Hà Giang, uốn lượn qua các vách núi với một bên là vực sâu thăm thẳm, địa danh này đồng thời cũng gắn với sự tích phá đá mở đường của các thanh niên cảm tử.
Nguồn: FBNV
Dốc Thẩm Mã.
Hầu như chúng ta đến Hà Giang đều chọn phương tiện xe máy để di chuyển, chính vì thế mà chúng ta phải vượt qua những đoạn đèo, những con đường quanh co, những con dốc hiểm trở, khúc khuỷu tại Hà Giang. Những con dốc cực kỳ nổi tiếng ở Hà Giang như: Dốc Thẩm Mã, Dốc Bắc Sum, Dốc Chín Khoanh, Cung đường chữ M,...
Nguồn: FBNV
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là nơi có hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất ở vùng cao Hà Giang. Nơi đây có hai mùa đặc biệt: Mùa nước đổ thường rơi vào tháng 5 đẹp lung linh, như một tấm gương phản chiều màu sắc của đất trời, thiên nhiên; Mùa lúa chín rơi vào cuối tháng 9 và tháng 10, những thửa ruộng được nhuộm vàng, tạo nên một bức tranh vô cùng tuyệt diệu.
Đặc sản ở Hà Giang cũng có khá nhiều món đặc trưng của vùng miền như rượu ngô, những loại bánh làm từ hoa tam giác mạch, bánh cuốn, cháo Ấu tẩu, Thắng Dền, thắng cố,...
Nguồn: FBNV
Kiến trúc nhà trình tường không khó để bắt gặp tại Hà Giang, những ngôi nhà trình tường với kiến trúc vô cùng độc đáo được chính tay người H’Mông tạo nên, trở thành một trong những biểu tượng về nét văn hoá, kiến trúc đậm đà bản sắc của đồng bào miền núi tại Hà Giang. Đặc biệt, vào mùa xuân hoa lê, hoa mận nở trước nhà tô thêm vẻ đẹp mộc mạc, đậm chất vùng cao.
Nguồn: FBNV
Cuối cùng không thể không kể đến trẻ em Hà Giang. Những đứa trẻ ở đây hồn nhiên và hiếu khách cực kỳ, bạn có thể sẽ bắt gặp những cánh tay vẫy chào trên những cung đường. Tại Dốc Thẩm Mã, bạn sẽ được giao lưu, trò chuyện với những em nhỏ cực kỳ dễ thương.
Travel blogger Bùi Ngọc Công (@_im.rot_) sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, hiện làm việc ở Hà Nội. Công còn được biết đến với một tên gọi khác là Rọt, đây là cái tên đã đi theo anh chàng từ những ngày còn bé cho tới bây giờ. Suốt 4 năm đại học, Công đi được 24 tỉnh thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý báu sau mỗi chuyến đi.
Ảnh chụp và chuyện kể của Rọt chiếm được cảm tình từ mọi người, vì không chỉ truyền cảm hứng cho mọi người về tinh thần dám nghĩ, dám đi, mà còn vì màu sắc tươi sáng, lạc quan qua lăng kính của anh.