Indonesia chính là một trong các quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được lựa chọn trong chiến lược mở rộng này. Mẫu xe này được đổi tên thành Wuling EV và sản xuất tại nhà máy Cikarang ở Bekasi (Tây Java, Indonesia) cũng với một số mẫu xe "anh em" khác.
Sau khi tung ra loạt MPV vào năm 2017, liên doanh SAIC-GM-Wuling đã thông báo sẽ giới thiệu các mẫu xe điện siêu nhỏ dựa trên nền tảng Xe điện Cỡ nhỏ Toàn cầu (GSEV). Wuling EV sẽ sử dụng nền tảng này nhưng có ngoại hình khác biệt với phong cách thể thao và hiện đại hơn dù vẫn mang dáng hình hộp quen thuộc.
Các thông tin của xe không được công bố quá nhiều nhưng thông qua một mẫu xe anh em tại thị trường nội địa, nhiều chi tiết về Wuling EV đã được tiết lộ.
Dù được bố trí 4 chỗ ngồi nhưng mẫu xe này vẫn có kích thước cực kỳ gọn gàng với chiều dài x rộng x cao lần lượt: 2.974 x 1.505 x 1.631 mm và chiều dài cơ sở 2.010 mm, Wuling EV còn có phiên bản 2 chỗ với chiều dài tổng thể chỉ 2.599 mm và trục cơ sở chỉ 1.635 mm.
Wuling EV áp dụng kiểu dáng hộp đơn với nắp ca-pô nhỏ và kính chắn gió khí động học lớn. Yếu tố đặc trưng là dải đèn LED chiếu sáng ban ngày được gắn trên cao mở rộng về phía mặt cắt làm cơ sở cho gương, đèn pha thông thường được đặt thấp hơn trên cản trước. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ những chiếc kính thực tế ảo VR.
Xe sở hữu bánh mâm chỉ 12 inch và được làm từ thép với la-zăng nhựa bọc bên ngoài.
Cung cấp sức mạnh cho xe là mô tơ điện có công suất tối đa 40 mã lực hoặc 67 mã lực, mạnh gần gấp đôi so với phiên bản được bán tại Trung Quốc. Cùng với đó, Wuling EV được cung cấp 2 tùy chọn pin Li-ion 26,5 kWh và 28,4 kWh, cho phạm vi hoạt động tối đa 300 km mỗi lần sạc đầy.
Mẫu xe này được cho sẽ tích hợp nhiều công nghệ như: Kết nối Internet, hỗ trợ người lái, hỗ trợ đỗ xe và điều khiển bằng giọng nói. Xe dự kiến sẽ bán chính thức trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay.