Ngôi làng có nhiều người lên đỉnh Everest nhất thế giới

Nepal- Với người dân ở làng Phortse, không có ngọn núi nào đủ cao để không thể chạm tới, kể cả Everest. - VnExpress
Ngôi làng có nhiều người lên đỉnh Everest nhất thế giới

Phortse là ngôi làng nằm ở thung lũng Khumbu, bao quanh là những ngọn núi phủ đầy tuyết ở Nepal. Trong một con ngõ hẹp ở độ cao 3.800 m, hai thanh niên ngoài 20 tuổi, ngồi quay sợi trên ban công. Nhà làm phim người Ấn Độ Neelima Vallangi hỏi họ đã chinh phục đỉnh Everest (thuộc dãy Himalaya) chưa, một trong số đó, gật đầu một cách thờ ơ.

Khi về nhà trọ, Vallangi hỏi ông chủ, Panuru Sherpa từng leo Everest chưa. Giống như người thanh niên ngồi quay sợi, Panuru cũng trả lời một cách thờ ơ rằng đã leo 13 lần. Còn Danuru Sherpa, 61 tuổi, chinh phục Everest 12 lần. Ông làm công việc này là để kiếm tiền nuôi gia đình.

Trong ngôi nhà gần đó, có ba người được trao kỷ lục Guinness năm 2021 với thành tích "Gia đình đầu tiên gồm cha, con trai, con gái cùng nhau chinh phục Everest thành công". Cô con gái Pasang Kanchi Sherpa, 21 tuổi nói: "Khi ba bố con chinh phục ngọn núi, chúng tôi không có kế hoạch gì. Nhưng khi lập kỷ lục, tôi thấy được khích lệ để theo đuổi ước mơ leo núi".

1-4301-1677469044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EK5FhwFlHUj2vlHf3lGQUg

Tenzing Dorjee Sherpa (trái), Sonam Tashi Sherpa (phải) và Pasang Kanchi Sherpa, ba cha con đầu tiên cùng nhau chinh phục đỉnh Everest nhận kỷ lục Guinness. Ảnh: SCMP

Theo SCMP, Phortse là ngôi làng có số người chinh phục Everest nhiều nhất thế giới, với hơn 70 người. Đây cũng là nơi có số lượng người leo Everest tập thể nhiều nhất (tính theo đơn vị làng), theo số liệu từ Himalayan Database (Cơ sở dữ liệu Himalaya), kho lưu trữ trực tuyến về mọi chuyến thám hiểm, leo núi ở Nepal. Người leo núi trẻ nhất trong làng là 16. Có ít nhất 22 người đã leo Everest trước khi bước sang tuổi 20.

Từ khi hoạt động leo núi trên dãy Himalaya được thương mại hóa vào nửa cuối thế kỷ 20, người Sherpa đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các đoàn thám hiểm và du khách leo núi. Sherpa là một dân tộc thiểu số sống ở phía nam đất nước, trong những ngôi làng như Phortse. Nhưng ngày nay, du khách quốc tế nhắc đến "Sherpa" với ý nghĩa rộng hơn, mô tả bất kỳ người khuân vác, hay hướng dẫn viên người Nepal nào.

Everest là đỉnh cao nhất trên trái đất so với mực nước biển, với độ cao hơn 8.848 m. Đường biên giới giữa Nepal và Trung Quốc chạy qua đỉnh ngọn núi này. Theo High Adventure Expeditions, công ty tổ chức tour leo Everest chuyên nghiệp, mức tối thiểu cho một tour lên đỉnh khoảng 20.000 USD.

3-8554-1677469044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5zHDmrFAMtnvh25A7w5E4A

Làng Phortse ở Nepal. Ảnh: SCMP

Việc leo núi của người Sherpa chỉ trở nên bài bản hơn sau cuộc gặp tình cờ của nhà leo núi người Mỹ, Conrad Anker, với người dân tại Everest năm 1999. Năm năm sau cuộc gặp gỡ này, Trung tâm leo núi Khumbu (KCC) được thành lập. Phunuru Sherpa, Chủ tịch KCC, từng 6 lần leo Everest, cho biết "có rất nhiều người ở Phortse leo núi, nhưng chúng tôi không có bất kỳ kỹ thuật nào. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu Anker mở trường dạy".

Do sống quen ở môi trường núi cao, người Sherpa có lợi thế khi leo núi mà không cần phải đào tạo từ đầu. Nhưng việc thiếu chuyên môn kỹ thuật sẽ hạn chế khả năng của họ hoặc có thể trong những tình huống xấu nhất, họ tử vong hoặc gặp tai nạn.

Theo Himalayan Database, có ít nhất 310 người chết ở Everest từ năm 1921, trong đó, 122 là người Nepal, với gần 80% là người Sherpa. Lý do chủ yếu là gặp tai nạn tuyết lở, ngã, băng tan chứ không phải vì kiệt sức, tê cóng hay say độ cao - những thứ là nguyên nhân chính khiến khách nước ngoài thiệt mạng.

Mục đích khóa học mà Anker dạy người Sherpa là giúp họ có những kiến thức về an toàn. Khóa đầu tiên tổ chức vào năm 2004. Anker và Phunuru đi vòng quanh thung lũng Khumbu, thuyết phục những người Sherpa tham gia khóa học. Khi đó, câu đầu tiên mà họ hỏi là "được trả bao nhiêu nếu đi học". Họ đã quá quen với việc leo núi, vậy tại sao lại còn phải đi học điều đã biết.

Khóa học đầu tiên có 18 người. Đến nay hơn 1.500 người tốt nghiệp chương trình đào tạo này. Chương trình cũng trở thành khóa học nghề hàng đầu, được nhiều người theo học ở Nepal.

Khóa học được tổ chức mỗi năm một lần, trong hai tuần vào mùa đông. Những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực leo núi, có kinh nghiệm tình nguyện làm người hướng dẫn để dạy các học viên. Họ sẽ học được những kiến thức cơ bản về lý thuyết lẫn thực hành leo núi, kỹ năng sử dụng dây thừng, sơ cứu, cứu hộ, bên cạnh việc làm quen với các thiết bị leo núi hiện đại, dự báo thời tiết.

Những người được đào tạo tại KCC sẽ dễ dàng kiếm việc hơn. Họ được truyền dạy mọi kỹ năng cần thiết, quan trọng để sống sót khi làm việc ở vùng núi.
Trước khi KCC thành lập, Phortse chỉ có khoảng 20 người leo lên đỉnh và trong 24 năm chỉ có khoảng 40 người leo núi. Mùa xuân 2021, gần 500 học viên KCC đã leo Everest, và hơn 20 người chinh phục đỉnh núi.

Dawa, một người dân đến từ ngôi làng nhỏ trong thung lũng Rolwaling gần đó, cho biết các du khách thường không thuê phụ nữ bản địa dẫn đường. Vì vậy, cô đã tham gia học ở KCC vào năm 2010 và được trao cơ hội.

2-4826-1677469044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TG71tg5vkaTspGFWO7hf6A

Hướng dẫn viên leo núi Dawa Yangzum Sherpa đang lựa chọn đồ cho chuyến đi. Ảnh: AFP

Một trong những thành tựu khiến KCC hài lòng nhất là ngày càng nhiều phụ nữ Sherpa theo đuổi giấc mơ leo núi và kiếm tiền từ công việc này. Pasang, người từng lập kỷ lục Guinness, cho biết "muốn tuyên bố với các cô gái Nepal rằng có thể leo lên những ngọn núi lớn, bất kể tuổi tác hay giới tính".

Anh Minh (Theo SCMP)

Có thể bạn quan tâm

Những mẫu xe tốt nhất lịch sử Chevrolet

Những mẫu xe tốt nhất lịch sử Chevrolet

Tồn tại hơn một thế kỷ, từ mẫu xe thể thao mạnh mẽ cho đến những chiếc xe tải có bảng điều khiển kỳ lạ đã khiến Chevrolet trở thành biểu tượng của ngành ô tô...