Chọn vị trí ngồi thích hợp
Theo khuyến cáo từ Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ và Học viện nhi khoa Mỹ (AAP), trẻ em có cân nặng dưới 36kg và cao dưới 1,45m nên được ngồi trên ghế riêng của mình thay vì chỗ ngồi bình thường như của người lớn.
Theo một nghiên cứu của đại học Buffalo (Mỹ), hàng ghế phía sau sẽ có mức độ an toàn cao hơn ghế trước từ 56 - 89%. Bên cạnh đó, tại dãy ghế phía sau, vị trí ở giữa cũng có thể giúp giảm thiểu rủi ro đến 25% so với 2 chỗ ngồi bên cạnh.
Đối với xe ô tô 5 chỗ, ghế hành khách phía trước là nơi nguy hiểm nhất, bởi người ngồi có thể bị tổn thương do quán tính của người lái thường đánh vô lăng theo hướng bảo vệ bản thân khi xảy ra va chạm. Chưa kể, nếu túi khí và dây an toàn không đảm bảo chất lượng, phần ngực và đầu của người ngồi ở vị trí này có thể va chạm với taplo.
Không để trẻ 1 mình trên xe
Để trẻ một mình trên xe là điều cấm kỵ mà các phụ huynh cần lưu ý kỹ. Việc để con trẻ trên xe ô tô 1 mình khi đang đóng cửa kín và không bật điều hoà, đặc biệt là khi trời nóng sẽ dễ xảy ra tình trạng ngộ độc khí CO. Chưa kể, khi nhiệt độ trong xe tăng cao, nhiệt độ cơ thể trẻ cũng có thể tăng nhanh gấp 5 lần so với người trưởng thành, dễ bị ngộp, say nóng rất nguy hiểm.
Chưa kể, để trẻ 1 mình trên xe cũng dễ dẫn đến việc trẻ nghịch ngợp ở khu vực ghế lái, đạp nhầm chân ga hay gạt cần số,…
Trang bị ghế ngồi dành cho trẻ em
Ghế trên ô tô chủ yếu được thiết kế dành cho người lớn, theo đó, với các trẻ <12 tuổi sẽ khi ngồi sẽ bị lọt thỏm trong lòng ghế, dây an toàn không thể thắt gọn, dễ bị lắc lư khi xe di chuyển.
Do đó, cha mẹ nên trang bị ghế chuyên dụng dành cho các bé. Ghế trẻ em với hệ thống dây an toàn riêng sẽ giúp thắt gọn gàng vào người trẻ, đảm bảo an toàn và không khiến người bị xê dịch khi xe chạy qua đường xấu hay vào cua.
Luôn thắt dây an toàn
Dù trẻ ngồi ghế riêng hay ngồi cùng ghế người lớn thì cha mẹ cũng phải tập thói quen thắt dây an toàn cho trẻ. Đây là việc làm bắt buộc đầu tiên để hình thành thói quen cho trẻ khi bước vào xe hơi.
Bên cạnh đó, việc thắt dây an toàn cũng giúp đảm bảo giúp cố định vị trí cho trẻ, trong trường hợp chẳng may xảy ra va chạm sẽ được an toàn hơn.
Không để đồ vật nguy hiểm gần trẻ
Các đồ vật sắc nhọn, có tính sát thương cao (dao, kéo, bật lửa, nước hoa, chai lọ thuỷ tinh,…) cần phải để xa tầm tay trẻ em khi di chuyển bằng ô tô. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý không để trẻ chơi đùa trên ô tô, tránh tình trạng dễ bị ngã hoặc chạm vào các bộ phận trên xe gây chấn thương.
Khoá cố định các cửa khi xe di chuyển
Như đã đề cập, do các trẻ có tính hiếu động cao, không tự chủ hành động nên rất dễ tọc mạch, nghịch trên xe. Theo đó, cần chắc chắn rằng các cửa đã khoá an toàn trước khi vận hành để tránh những tình huống không mong muốn.
Để cẩn thận hơn, có thể khóa cố định cửa từ bên trong ở chế độ khóa trẻ em. Cùng với đó, trong quá trình di chuyển, nên lưu ý luôn quan sát và giao tiếp cùng trẻ để tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái.