3 diva làng nhạc Việt: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh với sáng tác của Dương Thụ

(LI) Nhân dịp Live Concert Dương Thụ & Cửa sổ âm nhạc số 4, nhạc sĩ Dương Thụ có những câu chuyện “đánh thức” những kỷ niệm cùng 3 giọng hát hàng đầu Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh.
3 diva làng nhạc Việt: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh với sáng tác của Dương Thụ

Nhân dịp Live Concert Dương Thụ & Cửa sổ âm nhạc số 4 với chủ đề “Đánh thức tầm xuân” lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 5 & 6/1/2019 và tại Hà Nội ngày 19/1/2019, nhạc sĩ Dương Thụ có những câu chuyện “đánh thức” những kỷ niệm cùng 3 giọng hát hàng đầu Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh. Đó được xem là gia đình âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ.

Tại buổi họp báo chương trình Đánh thức tầm xuân, có nhà báo hỏi nhạc sĩ Dương Thụ, Cửa sổ âm nhạc lần thứ 4 rồi, vì sao lần nào cũng thấy những tên tuổi đó mà không phải là X, Y, Z? Ổng trả lời: Vì đây là gia đình âm nhạc của tôi.

3 diva làng nhạc Việt: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh với sáng tác của Dương Thụ ảnh 1

Gia đình âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ.

Ông chia sẻ, Cái gia đình âm nhạc này thật ra đông đảo phết, người nào cũng cá tính và nhạy cảm kinh khủng, nên cũng nhiều chuyện và không phải lúc nào cũng hoà thuận êm ấm đâu. Nhưng có một nơi họ tìm đến với nhau, có một thứ khiến họ hiểu nhau, đó là âm nhạc. Nhân “Đánh thức tầm xuân”, những câu chuyện về 3 nữ ca sĩ tài danh cũng được đánh thức cùng khán giả.

Nhung

Lúc đó là năm 1995, mình với "ông chú" đang lên chơi ngôi nhà trên sườn núi Chè, Bắc Ninh, nơi ổng dự định sẽ thành nơi trú ngụ tới cuối đời sau nhiều xê dịch, tổn thương, mất mát. Bữa đó, có một cú điện thoại, ổng nghe rất lâu. Xong, ông bảo: Có lẽ anh trở lại Tp.HCM một chuyến. Và rồi chuyến đi ấy không phải là một chuyến. Mảnh đất ở Gia Lâm, Hà Nội đã vẽ kiểu, đã đặt tiền gạch, cửa, thậm chí đã cúng động thổ, nhưng rồi cũng xoá sổ vì chuyến trở lại đó của ổng. Chuyến trở lại ấy kéo dài cho tới bây giờ.

Người gọi cú điện thoại “định mệnh” ấy chính là Hồng Nhung. Lúc đó Nhung đã nổi tiếng ở TP.HCM rồi. Trong chương trình Tuổi 20 tại sân khấu Nhà hát Hoà Bình, Nhung hát Cho em một ngày với phần phối của Nguyễn Hà, thủ lĩnh ban nhạc Hải Âu, có những câu guitar "kinh điển" của guitarist Vĩnh Tâm. Một bài hát mới, lần đầu tiên vang lên trên sân khấu lớn, bất ngờ thành công vang dội. Ngay sau đêm diễn, Nhung gọi bảo: Chú phải vào Sài Gòn ngay, thời của chú đã đến! Thời của chú đã đến - câu này Nhung không chỉ dành cho Dương Thụ, mà cho cả một thời kỳ mới của âm nhạc Việt Nam đang đến, và bắt đầu bùng nổ năm 1997 với sự ra đời của Làn sóng xanh.

Mỗi giọng hát trong gia đình âm nhạc này thể hiện âm nhạc Dương Thụ một chất riêng. Với chất giọng bạch thanh trong sáng và khoẻ khoắn, Nhung hát nhạc Dương Thụ như một người nhìn thẳng vào nỗi buồn của mình, không né tránh, không bi luỵ, không...sến.

Trong lần ra Hà Nội tìm gương mặt mới cho một chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1985, ông tìm đến nhà, nghe Nhung hát Papa và vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng hát của cô gái 15 tuổi ngày đó, trong sáng, thơ ngây, rung cảm mãnh liệt. Cũng có một chút gì đó như là số phận, Nhung lúc đó sống với bố sau khi bố mẹ chia tay.

Trong chương trình “Đánh thức tầm xuân”, Nhung được "chia" hát 3 bài, trong đó có 2 bài hoàn toàn mới. Nhưng cô chủ động xin hát thêm cùng Bằng Kiều một bài nữa do cô tự chọn - Bây giờ biển mùa đông. Nhung tự tin rằng bây giờ cô hát hay hơn 19 năm trước khi vào phòng thu ca khúc này.

Lam

Lam lớn từ sớm với âm nhạc chủ yếu của cha cô, nhạc sĩ Thuận Yến, và một người nữa, nhạc sĩ Thanh Tùng. Lam bắt đầu thân chú Thụ từ khi gắn bó với Quốc Trung và ban nhạc Phương Đông. Năm 1993, ngồi ghế BGK Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc tại Đà Nẵng, ông Thụ bỏ một phiếu cho giải Nhất của Phương Đông, lúc đó Thanh Lam là giọng ca chính. Và tháng 4/1994, khi làm Tổng đạo diễn chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, ông đặt Thanh Lam vào vị trí vedette của đêm thứ tư với các tác giả đương đại.

Năm 1995, trong chương trình Thiện Thanh 1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thanh Lam hát Bài hát ru cho anh với phần phối của Quốc Trung. Không rõ có phải đó là ấn tượng của lần đầu tiên, mà cho tới nay, dù đã nghe thêm nhiều người khác hát cũng rất hay, và nghe lại cả chính Thanh Lam (cùng Hà Trần) trong chương trình Bình Minh mới đây, mình vẫn cứ nghĩ rằng đó là phiên bản tuyệt vời nhất của ca khúc này mình được nghe live.

Album Ngày không mưa (2001) ông và Quốc Trung làm cho Hồng Nhung, nhưng vẫn mang mác một tình yêu ở lại. Trong bài Tình yêu ở lại (nhạc Quốc Trung, lời Dương Thụ), ông bảo lúc viết câu: "Và đã hết ngồi nhìn mãi bóng đêm" chính là viết cho Quốc Trung, vì rất nhớ hình ảnh Trung lúc đó... Sau album Mây trắng bay về, con đường âm nhạc của họ, mối quan tâm của họ toả ra những hướng khác nhau.

Trong Cửa sổ âm nhạc 4-Đánh thức tầm xuân, cả ba bài Lam hát đều với phần phối của Quốc Trung. Nghe Lam hát live luôn có một cảm giác khó tả...

Linh

Hồi đầu tiên biết Mỹ Linh cũng là chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam (1994). Lúc đó Linh mới 19 tuổi, hành trang âm nhạc để mọi người có thể biết là giải thưởng Ca sĩ trẻ ấn tượng tại LH các ban nhạc trẻ toàn quốc tại Đà Nẵng năm 1993. Cũng trong năm đó, trong một chuyến đi Đà Nẵng, Linh trở thành ca sĩ hát thế nhưng lại gây ấn tượng bất ngờ, nhất là với ông giám khảo Dương Thụ. Không lâu sau đó, ông quyết định đưa Mỹ Linh thay thế vị trí vốn ban đầu dành cho Hồng Nhung trong chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam (vì một lý do bất khả kháng). Lúc ấy không ít người trong giới nhạc e ngại khi Linh hát cùng những đàn anh đàn chị đi trước nhưng chương trình đã khép lại với thành công rực rỡ nhất.

Đoạn rực rỡ “trên đỉnh phù vân” thì thôi, cả làng nước biết. Nhưng đoạn từ trên đỉnh, Linh, năm ấy 22 tuổi, vẫn trẻ kinh khủng, đang được tụng ca kinh khủng, kiểu như “bài hát nào muốn nổi tiếng hãy đưa Linh”, lặng lẽ và quyết liệt bước ra khỏi vùng hào quang, để leo lên một ngọn núi khác – cùng với nó cũng là từ một cô gái mắt bồ câu sáng ngời sang làm con dâu trong một gia đình nhiều khác biệt với gia đình mình, làm mẹ không chỉ của con mình sinh ra – mình đây, chỉ có thể nói được từ “nể phục & ngưỡng mộ”.

Trong ba “diva”, Linh không phải là người nổi danh bằng ca khúc của Dương Thụ, cũng không phải người khai phá bài hát của Dương Thụ, nhưng Linh lại là người xuất hiện nhiều nhất trong các bài hát của ông- hay nói đúng hơn, ông viết rất nhiều bài hát về cô, cho cô, nhiều bài như viết thay Linh. Các bài trong Tóc ngắn 1, Tóc ngắn 2, Made in Vietnam, Chat với Mozart đều được ông lấy cảm hứng từ hình ảnh, cuộc đời, gia đình, tình yêu của Linh mà viết.

Một trong những bài nồng nàn và dịu dàng nhất mình luôn muốn nghe Linh hát, ấy là Hát cho anh. Cô cũng sẽ hát cho chúng ta nghe bằng sự nồng nàn và dịu dàng nhất có thể trong 3 đêm Đánh thức tầm xuân tới đây.

Live Concert Dương Thụ - Cửa sổ âm nhạc 4 với chủ đề Đánh Thức Tầm Xuân do nhạc sĩ Dương Thụ, Công ty Cổ phần YourTV và Công ty MultiMedia Ngọc Việt tổ chức.

Vé được mở bán từ 01/12/2018 tại VP YourTV, VP Công ty Ngọc Việt, Ticketbox, Topshow.

Hotline: Mrs Hà 0962619979

Có thể bạn quan tâm

Vì sao bàn cờ vua này có giá $1,65 triệu USD?

Vì sao bàn cờ vua này có giá $1,65 triệu USD?

(LI) Nhận được sự chú ý từ những người yêu thích cờ vua và lịch sử, bộ bàn cờ “đắt nhất thế giới” hiện được rao bán tại M.S Rau Antiques, New Orleans,Mỹ với mức giá niêm yết $1,65 triệu USD.