Chiếc túi da hàng hiệu – sản phẩm của những nhà thiết kế tài năng và những người thợ tâm huyết, xứng đáng để được nâng niu với sự ân cần, cẩn thận của người chủ sở hữu. Dưới đây là các cách hướng dẫn “chăm sóc” túi da với 5 bước cơ bản.
1. BIẾT LOẠI DA MÌNH SỬ DỤNG
- Đa phần các chiếc túi da hiện nay là da mộc, được vegetable-tanned có nghĩa khi thuộc da, lớp da này sẽ được ngâm vào trong dung dịch tannin và thảo mộc không chứa chất độc hại. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm là dễ mất màu và bị nhăn khi thấm nước.
- Da chrome-tanned – khi da được ngâm vào dung dịch có Cr2(SO4)3 + 12(H2O) và các loại muối Crom khác. Có khả năng chịu nước tốt hơn nhưng da cũng thường mềm hơn.
- Da full-grain là lớp da dày trên cùng của động vật, được giữ lại các hạt da, tì vết tự nhiên trên bề mặt, loại này có tuổi thọ cao và có ưu điểm như càng sự dụng lâu càng đẹp.
- Top-grain là phân khúc da ở lớp giữa; mỏng hơn full-grain và bề mặt da được chà nhám nhẹ để sau đó xử lí và nhuộm màu. Loại da này tuy tạo ra những thành phẩm đẹp nhưng không bền như full-grain và cũng trở nên cũ nhanh sau một thời gian sử dụng.
- Da exotic được thuộc từ các loài không phải gia súc, phải kể đến cá sấu, đà điểu, trăn, … và da patent – da thật được phủ một lớp xử lý bóng từ dầu và resin là hai kiểu da cũng khá thịnh hành trên thị trường ngày nay.
- Một ngoại lệ khác của kiểu da full grain chính là da saffiano, được sản xuất bởi phương pháp độc quyền của Prada để rập nổi những hoạ tiết vân chéo đăc trưng lên một lớp sáp tráng trên bề mặt của miếng da dê.
- Da lộn suede được làm từ mặt trong của lớp da thuộc, thường dễ bị bẩn và lì nên cần được giữ gìn và làm sạch cẩn thận.
Chanel flap bag
Một trong những chiếc túi được biết đến nhiều nhất, chiếc túi Chanel 2.55 tiêu chuẩn được làm từ da cừu non, nên có được sự mềm mại và mượt mà khó có thể so sánh được.
Hermes Birkin ( da cá sấu crocodile)
“Chén thánh” của bất cứ một tín đồ sưu tập xách nào: một chiếc Hermes Birkin da cá sấu crocodile (sống ở nước mặn – mõm nhọn) được làm từ phần da ở bụng của cá sấu Porosus – loài cá sấu có giá trị thương mại cao nhất hiện nay. Trớ trêu thay, những sản phẩm được làm bằng da cá sấu lại vô cùng “nhạy cảm” với các tổn hại do nước gây ra, bởi vậy nên được xử lí bởi các chuyên gia của thương hiệu.
*Hermes có sử dụng hai loại da cá sấu khác nhau là crocodile (cá sấu sống ở nước mặn-mõm nhọn) và alligator (cá sấu sống ở nước ngọt- mõm vuông) tuy không quá khác biệt nhưng khi nhìn kĩ, hai loại này có lớp vẩy khác biệt: crocodile có vảy nhỏ, vuông, và đối xứng còn alligator có vảy to, vuông và có phần chop vẩy gồ ghề hơn.
Hermes Kelly epsom
Chiếc túi Hermes với chất liệu da Epsom (loại da được rập nổi các hạt grain lên da) với đặc tính nhẹ và chống xước khá tốt, giúp người dùng có thể thoải mái sử dụng và dễ dàng làm sạch túi.
Louis Vuitton Speedy
Một chiếc túi quen thuộc khác, Louis Vuitton Monogram Speedy với chi tiết da quai túi không qua xử lí, được biết đến là da vachetta có khả năng thấm hút cao và ngả màu tự nhiên. Những nhà sưu tập túi gợi ý sử dụng túi “mạnh mẽ” trong khoảng tầm một vài tuần để quai túi có được vẻ “rám nắng” đặc trưng. Bởi vậy những chiếc túi LV này thường trở nên đẹp “phong trần” hơn sau một thời gian được sử dụng.
Prada Saffiano
Chất liệu da nổi tiếng của Prada được sử dụng trên rất nhiều sản phẩm của hãng với độ bền cao và tính chịu nước tốt, phù hợp để sử dụng hàng ngày và dễ dàng làm sạch.
2. LÀM SẠCH RA SAO?
Một nguyên tắc chung khi xử lí các vết bẩn trên sản phẩm da chính là không bao giờ được phép sử dụng chất tẩy rửa hoá học không chuyên (như tẩy makeup, nước rửa bát, chất tẩy thông thường, …) bởi chúng có thể làm hỏng da ngay lập tức. Hãy tìm hiểu từ chính các cửa hàng mà bạn mua sản phẩm ở đó bằng cách hỏi nhân viên bán hàng trực tiếp hay qua email, điện thoại. Rất nhiều các thương hiệu như Bally, Coach hoặc Mulberry đều có các sản phẩm chăm sóc đồ da của chính họ hoặc các nhãn hiệu hợp tác khác; nếu là fan hâm mộ của một thương hiệu cụ thể, đừng ngại ngần “mạnh tay” sắm lấy một bộ dụng cụ để chăm chút cho các “con cưng” của mình nhé.
Nếu điều kiện cho phép, cũng như cách mà chúng ta chăm sóc bản thân, hãy đưa những chiếc túi yêu quí đến spa sau một thời gian dài sử dụng để “làm đẹp” và “giải toả stress” cho chính những “người bạn đồng hành này”. Hiện nay cũng có rất nhiều công ty chuyên xử lí và làm sạch đồ da trên thế giới và cả tại Việt Nam.
Ngoài ra, những hành động nhỏ như lấy khăn khô để lau bụi cho túi và thi thoảng đem hong khô chiếc túi đựng dust bag cũng sẽ góp phần không nhỏ cho việc giữ gìn tuổi thọ của các sản phẩm đồ da.
3. CHĂM SÓC NHƯ THẾ NÀO?
Bản chất đến từ tự nhiên, những chất liệu da thuộc có thể bị khô và “nứt nẻ”; vậy việc dưỡng ẩm cũng là cần thiết để giữ được độ bóng, độ bền cho món đồ của mình. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại kem nào cũng đều được; bạn sẽ phải chịu khó đầu tư một chút với mink oil ( dầu chồn) và neatfoot oil (dầu chân bò) nguyên chất để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng da. Bạn có thế chấm một chút ra khăn khô và lau đều lên túi, sau đó để hong khô tự nhiên dưới điều hoà hoặc nơi mát gió.
Một số sản phẩm dầu tự nhiên có thể được tìm thấy ở các cửa hàng dược phẩm hoặc một số group trao đổi buôn bán dụng cụ làm da trên mạng XH tại Việt Nam.
4. BẢO VỆ TÚI KHỎI TÁC ĐỘNG BÊN NGOÀI
Chất liệu da khá là nhanh thấm nước, vậy hãy cố gắng “bảo vệ” sự tiếp xúc ào ạt của nước vào chiếc túi/đôi giày của bạn vào những ngày mưa bão. Hãy dùng khăn khô lau sạch và có thể dùng máy sấy sấy ở nhiệt độ thấp và cách bề mặt da ít nhất 10cm. Sau đó để ở nơi khô thoáng.
Cẩn thận hơn, bạn có thể sử dụng một chút kem sáp ong chuyên dụng hoặc bình xịt chống thấm để phục vụ như một lớp áo chống lại nước mưa.
*Chú ý: cẩn thận khi sử dụng kem sáp ong bởi đối với một số sản phẩm da nhuộm, chúng sẽ khiến da bị thay đổi màu; vậy nên hãy thử test trước vào một góc nhỏ dưới mặt túi dưới.
5. BẢO QUẢN MỘT CÁCH HỢP LÍ
Có nhiều cách để bảo quản túi xách tuỳ vào điều kiện và phong cách sống của người dùng. Nếu muốn tiết kiệm không gian và bảo vệ túi một cách cẩn thận nhất thì sau khi sử dụng, túi nên được cất vào túi đựng (dust bag) và sau một thời gian cả túi nên được cho ra ngoài để “hít thở” và dust bag cũng cần được giặt qua cho sạch sẽ. Nếu muốn trưng bày các “bảo bối của mình” trên giá, chú ý xếp chúng cách xa nhau từ 3-5cm để tránh việc “va chạm” da và các chi tiết kim loại.
Dù là cất bên trong hay bày bên ngoài, việc sử dụng giấy lụa, xốp bong bóng, … để giữ cho dáng túi được cố định là rất quan trọng, sẽ giúp chiếc túi được bền đẹp lâu hơn.
Đối với những nước có độ ẩm cao như Việt Nam, cẩn thận nhất vẫn là sử dụng các gói hút ẩm bé xíu đặt vào bên trong túi hoặc trong dust bag (nếu bạn có thói quen cất túi vào dust bag) đặc biệt là trong mùa mưa để giúp túi tránh bị ẩm mốc khi không sử dụng nhiều đến.
Đừng sử dụng một chiếc túi liên tục trong một thời gian dài, hãy thường xuyên thay đổi để tránh việc chiếc túi nhanh bị “xuống cấp”.
VÀ MỘT SỐ ĐIỀU NÊN LƯU Ý KHÁC
- Nếu bị dính chút nước, hãy để sản phẩm được khô tự nhiên thay vì sấy khô bằng máy có thể dễ gây nhăn da.
- Cẩn thận khi để mặt da tiếp xúc với đồ jeans để tránh trình trạng phai màu từ jeans; đặc biệt đối với mặt sau của túi khi bị cọ vào quần jeans quá nhiều sẽ bị dính màu và cần được đưa tới cửa hàng làm sạch túi ngay lập tức để xử lý trước khi quá muộn.
- Tham khảo và cập nhật thêm thông tin và hướng dẫn chăm sóc bảo quản đồ da từ sách, báo và mạng Internet để có thể giữ gìn những “khoản đầu tư nho nhỏ” một cách tốt nhất.