Mùa Thu – Đông chính là mùa của những đôi bốt. Vì được trưng dụng khá nhiều nên chúng cần được chăm sóc cẩn thận. Với những chất liệu, kiểu dáng khác nhau sẽ có những cách bảo quản bốt khác nhau.
Cách bảo quản bốt da
Da là một trong những chất liệu được dùng nhiều nhất để làm ra bốt. Đây cũng là chất liệu không dễ bảo quản mà cần sự đầu tư, tỉ mỉ để giữ cho chất da luôn được mới và đẹp.
Bước 1: Phủi hết bụi trên giày bằng cọ mềm một cách nhẹ nhàng. Bạn sẽ cần tỉ mỉ hơn với những đôi giày màu nâu, màu beige vì bụi sẽ khó thấy hơn. Nếu đôi bốt của bạn có dây giày thì hãy tháo bỏ chúng ra để vệ sinh dễ hơn.
Bước 2: Lau giày bằng khăn ẩm và xà phòng chuyên dụng để vệ sinh chất liệu da. Lưu ý phải chọn khăn mềm, ẩm chứ không ướt. Khăn ướt sẽ làm giày da của bạn ướt sũng nước.
Bước 3: Dùng khăn thấm dung dịch vệ sinh da để chà quanh đôi bốt. Lưu ý chà khắp bề mặt theo chiều hình tròn, việc này giúp lau sạch các hạt bụi còn sót lại trên bốt.
Bước 4: Lau lại giày một lần nữa bằng vải khô. Vì dung dịch vệ sinh da giày sẽ ngấm vào da nên bạn không cần rửa lại với nước.
Bước 5: Với những đôi bốt da bị trầy hoặc bong da, bạn có thể dùng mỡ bôi trơn hoặc dầu ô liu để bôi lên theo chiều hình tròn.
Cách bảo quản bốt da lộn
Cùng là chất liệu da nhưng cách bảo quản bốt da lộn có nhiều khác biệt. Bạn không nên dùng chung dụng cụ vệ sinh của các loại da khác mà cần đồ chuyên dụng cho da lộn như cọ phủi bụi, xà phòng…
Bước 1: Hãy để bốt da lộn được “thở”. Không giống như những đôi giày dễ dàng bảo quản trong hộp nhựa, bốt chất liệu da lộn cần được để ở ngoài không khí. Khi cất giày vào tủ, hãy bỏ chúng vào túi cotton. Vải cotton thúc đẩy lưu thông không khí đồng thời bảo vệ đôi bốt của bạn khỏi bụi bẩn.
Bước 2: Chất liệu da lộn rất dễ bị thấm nước, làm hư màu sắc và bề mặt da. Để ngăn việc này xảy ra, các chuyên gia đã khuyên dùng bình xịt bảo vệ. Khi ra ngoài, hãy xịt một lớp mỏng lên đôi bốt của bạn để giữ bốt không bị thấm nước.
Bước 3: Bạn cần dùng chổi chuyên dụng cho da lộn để phủi hết bụi bẩn trên bốt. Chiếc chổi này còn giúp xóa đi các vết trầy xước, giữ cho da luôn được mềm mại.
Bước 4: Để tẩy những vết ố, bạn có thể dùng khăn cotton thấm giấm ăn rồi lau cho đến khi vết ố phai đi. Nên nhớ lau nhẹ tay, tránh cho vết ố bị loang ra. Khi vết ố quá nặng và bạn không xử lý được, tuyện đối không được rửa giày với nước mà hãy mang tới nơi vệ sinh giày uy tín.
Cách bảo quản bốt có lót lông
Không gì tuyệt vời hơn khi được xỏ đôi chân vào đôi bốt có lót bông ấm áp bên trong vào ngày Đông lạnh giá. Nhưng bạn đã biết cách chăm sóc lớp bông này chưa?
Bước 1: Khử mùi. Vì có lót bông nên bên trong đôi bốt sẽ khá bí và dễ có mùi. Trước khi vệ sinh giày một ngày, hãy rắc bột nở vào bên trong rồi để qua đêm. Đổ bột ra khỏi giày vào sáng hôm sau để chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Bước 2: Làm ẩm khăn lông với nước và thêm một lượng nhỏ dung dịch xà phòng. Nhẹ nhàng lau bên trong giày và lau kĩ những chỗ bị dơ nhiều ở sâu trong mũi giày.
Bước 3: Dùng một chiếc bàn chải cũ, bỏ thêm xà phòng rồi chà lên những vết ố cứng đầu.
Bước 4: Dùng khăn ẩm lau đi lớp xà phòng.
Bước 5: Làm khô bằng cách để giày nơi thoáng mát. Nếu bạn muốn lớp bông được tơi hơn, hãy dùng máy sấy tóc để sấy khô.
Cách bảo quản bốt cao đến gối
Bốt cao đến gối thường được làm từ chất liệu da, da lộn nêu trên. Nhưng vì kiểu dáng khác biệt hơn với phần thân bốt cao đến qua gối, bạn không chỉ cần lưu ý vệ sinh mà còn nên biết cách giữ cho dáng đôi bốt luôn được đẹp.
Bước 1: Nếu làm từ da, kiểu bốt này có thể khiến đôi chân bạn khó chịu vì chất da còn cứng và bó chặt quanh chân. Hãy “dưỡng ẩm” cho đôi bốt bằng dung dịch bảo quản dành cho chất liệu da để da được mềm mại hơn.
Bước 2: Phải giữ đôi bốt thẳng đứng. Bạn không nên cứ thế cất vào trong tủ vì thân bốt sẽ bị ngả xuống, tạo các nếp nhăn xấu xí. Bạn có thể bỏ vào chai nước, giấy báo… bất cứ thứ gì không làm trầy chất liệu của đôi bốt.
Bước 3: Những đôi bốt có màu sáng như xám, beige… rất dễ bám bụi và bị ố nên cần được bọc lại bằng vải cotton, giấy…
Theo Elle