Black Orlov: Viên kim cương đen bị cất giấu trong tấm màn bí ẩn

Như nhiều những bí ẩn trong thế giới kim cương, viên kim cương đen lớn thứ 7 từng được tìm thấy từ trước đến nay cũng có một câu chuyện đáng được dựng thành phim: Một xuất xứ không rõ ràng, những nhân vật giàu có, và những vụ tự tử không rõ nguyên nhân.
Black Orlov: Viên kim cương đen bị cất giấu trong tấm màn bí ẩn ảnh 1

Ảnh: Christie’s

Viên kim cương đen Black Orlov ngày nay, trong buổi bán đấu giá trên sàn Christie’s năm 2006.

Viên kim cương đen Black Orlov có thật sự bị nguyền rủa? Như rất nhiều những bí ẩn trong thế giới kim cương, viên kim cương đen lớn thứ 7 từng được tìm thấy từ trước đến nay cũng có một câu chuyện đáng được dựng thành phim: Một xuất xứ không rõ ràng, những nhân vật giàu có, và những vụ tự tử không rõ nguyên nhân.

Viên kim cương Ấn Độ mang sức mạnh của thần Brahma

Tại một ngôi đền Hindu ở Pondicherry, có một tượng thần Brahma có ánh mắt long lanh như thật. Vì con mắt ấy làm từ một viên kim cương đen 195 carat, được gọi là viên kim cương Mắt thần Brahma. Nó đã nằm ở trên đầu tượng thần từ hàng ngàn năm, cho đến khi bị một tu sỹ đánh cắp vào đầu thế kỷ 19.

Brahma là Đấng tạo hóa, một trong ba vị thần tối cao trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Người theo đạo Hindu tin rằng bất kỳ ai sở hữu Mắt thần Brahma sẽ gánh chịu một cái chết thảm khốc. Nghe đồn, tu sĩ ăn cắp Mắt thần Brahma đã bị giết ngay sau khi sở hữu nó.

Quay lại với viên kim cương đen 195 carat. Đến nay, giới nghiên cứu đá quý không rõ liệu nó có thật sự xuất xứ từ Ấn Độ hay không. Vì Ấn Độ, tuy có mỏ kim cương, lại không phải là nơi có cấu tạo địa chất phù hợp để tạo ra kim cương đen. Ngoài ra, trong Ấn Độ giáo thì màu đen là màu không may mắn. Vì sao viên kim cương đen được chọn cho mắt thần của tượng Brahma là một bí ẩn.

Black Orlov: Viên kim cương đen bị cất giấu trong tấm màn bí ẩn ảnh 2

Tượng thần Brahma, một trong ba vị thần tối thượng của Ấn độ giáo. Ảnh: Peter Horree via Alamy

Ba vụ tự sát ly kỳ của thế kỷ 20

Sau khi kẻ cắp tu sĩ bị giết, người ta không rõ làm sao viên kim cương đen này có thể rời Ấn Độ. Chỉ biết rằng, năm 1932, một nhà buôn kim cương tên J.W. Paris đã tìm ra nó và đưa nó tới Mỹ. Ngay sau khi sở hữu nó, việc kinh doanh của ông Paris trở nên tồi tệ, và ông rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Ông phải bán đi nhiều tài sản, trong đó có viên kim cương này. Một năm sau, ông J.W. Paris đã nhảy lầu tự tử từ một toà cao ốc ở đại lộ số 5 New York.

Sau J.W. Paris, viên kim cương đen về tay hai cô công chúa Nga. Cả hai người đã trốn khỏi Nga để đi phiêu du châu Âu. Người đầu tiên là công chúa Leonila Galitsine-Bariatinsky. Người thứ nhì là công chúa Nadezhda Petrovna Orlov. Viên kim cương đen đã được đổi tên thành Black Orlov theo tên người sở hữu mới của mình. Năm 1947, cả hai nàng công chúa này cũng nhảy lầu tự sát.

Black Orlov: Viên kim cương đen bị cất giấu trong tấm màn bí ẩn ảnh 3

Ảnh: Bruno Vincent via Getty Images

Điều kỳ lạ về cả ba chủ nhân sở hữu viên kim cương đen trong thế kỷ 20 là câu chuyện của họ có chút hư cấu.

Đầu tiên, ông J.W. Paris. Là một nhà buôn kim cương nổi tiếng, nếu tự sát ở trung tâm New York, hẳn phải được báo giới quan tâm. Vậy mà không mấy tờ báo viết về vụ việc của ông.

Thứ nhì, công chúa Leonila Galitsine-Bariatinsky. Người duy nhất mang tên này đã chết từ năm 1918 ở Thụy Sỹ, hưởng thọ 102 tuổi!

Thứ ba, công chúa Nadezhda Petrovna Orlov. Trong lịch sử hoàng gia Nga không hề có bất kỳ ghi chép nào về một nàng công chúa như vậy cả.

Vì vậy, giới sử gia cho rằng những câu chuyện về nguồn gốc viên kim cương đen Black Orlov có phần hư cấu. Không rõ liệu thực sự nó có gây ra những vụ tự sát ghê rợn như được truyền miệng hay không.

Phá vỡ lời nguyền của viên kim cương đen Black Orlov

Dù gì đi chăng nữa, viên kim cương này đã bị thế gian phán xét là viên kim cương nguyền rủa. Cách duy nhất để thay đổi nhận thức của đám đông về nó là phải phá vỡ lời nguyền.

Chủ sở hữu mới của viên kim cương đen Black Orlov, ông Charles Wilson quyết định cắt nó ra làm ba viên nhỏ. Viên lớn nhất chính là viên kim cương đen Black Orlov của ngày nay, được cắt theo hình dáng cushion, nặng 67.49 carat. Hai viên nhỏ còn lại thì không rõ đã lưu lạc vào tay ai. Điều quan trọng nhất, là sau đó, không còn bất kỳ cái chết nào liên quan đến viên kim cương Black Orlov được ghi nhận. Lời nguyền hàng thế kỷ được phá vỡ.

Đôi nét về viên kim cương đen Black Orlov ngày nay

Black Orlov: Viên kim cương đen bị cất giấu trong tấm màn bí ẩn ảnh 4

Viên kim cương đen đã được cắt giũa ngày nay. Ảnh: London Museum of Natural History

Sau khi được ông Charles Wilson cắt nhỏ lại, viên kim cương đen cắt giác cushion Black Orlov ngày nay nặng còn 67,49 carat. Black Orlov giờ đây được gắn trên một cái trâm khảm 102 viên kim cương, đeo cùng sợi dây chuyền khảm 124 viên kim cương. Nó đã đạt mức giá 352.000 đô-la Mỹ khi được bán đấu giá năm 2006 trên sàn đấu giá Christie’s.

Viên Black Orlov nổi tiếng không chỉ vì những câu chuyện truyền kỳ, mà còn vì nó là một đại diện tiêu biểu cho nhóm kim cương đen. Màu sắc của nó được miêu tả là xám khói (gun-metal). Kim cương đen thực chất không đen tuyền. Nó có thể là màu xám đậm, xanh đen, hay thậm chí là nâu. Màu sắc dao động tùy theo những tạp chất nhiễm trong tinh thể cacbon. Khi được mài bóng, kim cương đen được miêu tả là có màu sắc ánh kim. Thậm chí, một số viên kim cương đen nhiễm đủ lượng chì graphite có thể trở thành thứ dẫn điện ưu việt.

Có thể bạn quan tâm

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Với hình dáng “kỳ quặc”, Volkswagen Beetle được những người mê xe yêu thích qua nhiều thế hệ. Di sản của “bọ cánh cứng” để lại là không thể phủ nhận và nhiều người đã từng rất đau lòng khi nghe thông tin ngừng sản xuất Beetle vĩnh viễn...