Moscow Fashion Week là một sự kiện hằng năm thu hút nhiều tín đồ thời trang thế giới. Năm nay, khác biệt với các kinh đô thời trang như Milan, Paris, Moscow Fashion Week vẫn diễn ra "offline" với những yêu cầu nghiêm ngặt cho người tham gia. Ngày nay, thế hệ trẻ tại Nga cũng xem thời trang như một tuyên ngôn về cuộc sống. Họ cũng có những phong cách thời trang độc đáo, có những thương hiệu với triết lý thiết kế khiến chúng ta mê mẩn.
1. Replicant Fashion
Vào tháng 5 năm 2020, nhà thiết kế Regina Turbina đã mở cửa hàng quần áo kỹ thuật số đầu tiên của Nga và đặt tên là Replicant Fashion. Replicant cung cấp các trang phục kỹ thuật số không tồn tại trên thực tế. Để “mặc” những trang phục này, bạn cần tải lên một bức ảnh có độ phân giải cao của mình trong tư thế mà bạn muốn diện trang phục đó. Trang web sẽ ngay lập tức hiển thị hình ảnh bạn với bộ đồ ảo vừa chọn. Sau khi “mặc thử”, bạn có thể thanh toán trực tuyến và hai ngày sau, bạn sẽ nhận được ảnh của mình trong trang phục kỹ thuật số.
Rất phổ biến tại Nga và vì thế, nếu muốn có một cuộc đời lung linh không tốn kém (giá từ 6 - 27 UDS, khoảng 140.000 - 620.000 đồng), đã có Replicant Fashion phục vụ bạn.
2. Vereja
Vereja sử dụng kỹ thuật đan móc truyền thống của Nga để khám phá các chủ đề về cơ thể và tình dục. Người sáng lập nhãn hiệu Igor Andreev đã học đan khi còn nhỏ trong một khu hàng thủ công trong một trường học. Về sau các kỹ thuật đan móc (crochet) này trở thành dấu ấn cho thương hiệu rất “adorkable” này.
Tất cả các sản phẩm may mặc của Vereja đều được dệt thủ công, đề cao tính bền vững nên thường sử dụng nguyên liệu từ áo len tái chế, khăn trải bàn và khăn lau.
Nói thêm về Crochet, ban đầu đây là loại vải được dùng cho khăn trải bàn, lót bình hoa, lót cốc... Nghĩ về Crochet trước đây bạn sẽ dễ liên tưởng đến phong cách bohemian phóng khoáng. Tuy nhiên giờ đây, Crochet đã có thể tạo nên những trang phục táo bạo và gợi cảm.
3. Kultrab
Kultrab là một tập thể các NTK trẻ ở Nga. Kultrab đã cho ra mắt nhiều bộ sưu tập thời trang đáng kinh ngạc để phơi bày thực trạng của hệ thống tư pháp và sự thiếu tự do ngôn luận tại Nga. Các thiết kế kiêm nhà hoạt động nghệ thuật của Kultrab mang thông điệp về tương lai của nền báo chí tại Nga. Những điều này góp phần tạo ra một nước Nga tự do hơn so với những gì mà thế giới đang biết.
Hơn cả thời trang, Kultrab là tiếng nói của giới trẻ về vấn đề xã hội
Nhìn chung, các thiết kế của Kultrab không đề cao kỹ thuật may mặc, chất liệu mà mang tính truyền bá những suy nghĩ phóng khoáng của giới trẻ của thời kỳ hậu - hậu Xô Viết (Post-Post-Soviet).
4. Krakatau
Krakatau là thương hiệu thời trang chuyên về trang phục công nghệ được thành lập vào năm 1999 tại St.Petersburg. Krakatau thể hiện một tầm nhìn mới mẻ về thời trang dạo phố, sáng tạo cùng các yếu tố chức năng và chi tiết công nghệ. Tên gọi thương hiệu bắt nguồn từ ngọn núi lửa vĩ đại Krakatoa. Vì thế chiếc áo đại diện cho sự đối lập của năng lượng lửa, sự hủy diệt, nhưng đồng thời cũng bảo vệ người mặt khỏi cái lạnh giá và mùa mưa dai dẳng ở Nga.
LX Krakatau biệt danh của nhà sáng lập Krakatau cho biết những cơn mưa bất tận tại St. Petersburg là nguồn cảm hứng đề thương hiệu này ra đời.
5. Namelazz
So với các thương hiệu cá tính, kì lạ phía trên, Namelazz đại diện cho một phong cách thời trang tinh tế, bí ẩn hệt như vẻ đẹp của những cô gái Nga. Namelazz đọc là “Nameless” vì nhà sáng lập Kristina Khasyanzhina không muốn thương hiệu gắn liền với tên cô như nhiều NTK khác.
Với Namelazz, những đường cong và đường nét của cơ thể phụ nữ là cảm hứng mà thương hiệu muốn lan tỏa đến thế giới. Điều dễ nhận thấy nhất từ Namelazz là những bảng màu trung tính như trắng, đen hoặc be.
Namelazz mang đến cảm giác của sự nữ tính hòa quyện với sự mạnh mẽ, hùng vĩ của thiên nhiên. Thương hiệu khắc họa chân dung người phụ nữ mà quyền lực được tạo nên từ những điều tinh tế. "DNA" của Namelazz là những thiết kế dress-corset (áo gắn liền với váy) và những đường cắt xẻ táo bạo.
Nguồn Diep Khoa