Chán chơi đào, quất dịp Tết, nhiều người tìm đến hoa hồng cổ như một thứ mới mẻ mà xưa cũ trong ký ức tuổi thơ. Tuy nhiên, hoa hồng cổ đã không còn nhiều nên bây giờ, nó đã dần trở thành một thú chơi đắt tiền.
Những năm gần đây, nhất là dịp Tết, thú chơi hoa hồng ở Hà Nội càng được đẩy lên cao với trào lưu hoa hồng ta cổ. Hiện nay trên thị trường có hơn chục giống hoa hồng cổ với các cây nguyên bản được lấy từ các tỉnh miền núi phía Bắc đặc biệt là Sơn La, Lào Cai như Bạch xếp, Bạch cổ ho, Hồng quế, Vân khôi, Leo cổ Hải Phòng, cổ Sơn La, hồng đào kép, hồng thơm cổ, cổ Sapa…
Cây hoa hồng cổ Sơn La này có giá gần 50 triệu đồng
Hồng bạch ho
Đặc điểm của hồng cổ là dễ chăm sóc, cây sống được ở mọi điều kiện khí hậu, có thể sống ở nhiệt độ dưới -15 độ, khả năng kháng sâu bệnh cao, phát triển mạnh vì là cây bản địa đã thích nghi rất tốt với khí hậu của Việt Nam. Hồng cổ rất thơm, sai hoa, độ lặp hoa nhanh, đặc biệt là hồng cổ có thể ra hoa quanh năm.
Chị Lê Thị Thu Hằng, cán bộ trung tâm nghiên cứu phát triển cây cảnh, rau quả cho biết, từ tháng 8 năm ngoái, chị bắt đầu đi thu thập hoa hồng cổ ở các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là Sơn La. Và phải vào tận vùng dân tộc Thái, Mông để tìm. Ở đó, họ không có khái niệm nhiều về hoa hồng cổ. Thấy cây to, già thì họ sẽ chặt đi để trồng cây non chứ không nghĩ là càng cổ càng quý.
Hiện nay, hai cây hồng cổ Sapa khủng nhất ở vườn của chị Hằng có giá lên tới 35 triệu đồng và 50 triệu đồng. Cây 35 triệu đồng đã được chuyển tới trồng ở một biệt thự ở Long Biên, nên chỉ còn 1 cây 50 triệu đồng. Các loại hồng cổ khác tùy vào hình dáng kích thước mà có giá khác nhau.
Theo chị Hằng, đối tượng khách hàng "chơi" hồng cổ chủ yếu là các biệt thự nhà vườn, vườn sinh thái và số ít người thích thưởng thức giống hoa cổ này.
Nếu khách hàng có nhu cầu thuê cây về chơi 3 tháng thì sẽ có giá bằng 40% giá trị cây đối với cây từ 10 triệu đồng trở lên. Với cây bé dưới 10 triệu đồng là 45%, chị Hằng cho biết.
Theo chị Hằng, giá trị lớn nhất của hoa hồng cổ là ở giống. Cùng một cây nhưng loại cổ Sapa Vân khôi lại đắt hơn nhiều so với giống khác. Tiếp đó là độ tuổi của cây và tình trạng cây, cây trơ trụi chả còn hoa giá khác với cây tán lá um tùm, giáng thế bonsai. Đặc biệt là cây nở hoa đúng vào thời điểm Tết dương lịch, dịp 8/3 và Tết âm lịch giá lại khác.
Nhiều dòng hoa hồng cổ ở trên khu vực miền núi phía Bắc rất đẹp nhưng về dưới đồng bằng thì te tua, tả tơi như hoa hồng cổ Sapa ưa mát, cứ đến mùa mát thì sẽ xoắn lại, đẹp hơn. Vì thế để thuần hóa trong điều kiện Việt Nam thì ngoài điều chuyển chế độ chăm sóc, kĩ thuật cắt tỉa còn phải tác động thêm 1 số biện pháp tỉ mỉ khác.
Giá hoa hồng cổ cao còn bởi tìm giống không đắt bằng công vận chuyển, thứ 2 là công phục hồi và thứ 3 là thuần hóa trong điều kiện dưới đồng bằng để cây đẹp ra hoa nhiều. Vì không phải cây nào đào lên cũng sống, đào lên để sống mà to, đẹp ra hoa được càng khó, chưa kể phí vận chuyển và trong lúc đánh lên còn vỡ bầu, vỡ nọ vỡ kia, rồi khôi phục thuần hóa cũng góp phần đội giá cây lên.
Tuy nhiên, giống hoa hồng cổ Sapa nói riêng, hay một số giống hồng cổ khác nói chung đều có đặc tính thú vị là ra hoa quanh năm. Một đợt hoa được hơn 1 tháng, cứ 30 - 40 ngày/lứa hoa. Hoa cứ tàn, cắt tỉa ngày nào thì đúng ngày ấy tháng sau hoa lại ra.
So với một số giống nước ngoài thì hương thơm của loại hồng cổ Sapa này không bằng nhưng so với hồng ta thì nó có hương thơm cực kì quyến rũ, hoa to, sang hoa và hoa có màu đỏ nhung truyền thống ngày xưa. Hoa hồng cổ rất sai hoa, hương thơm quen thuộc và đặc biệt nhân giống rất dễ, chỉ cần dâm hoặc chiết cành, có một chút kĩ thuật có thể nhân ra cả vườn hoa hồng cổ.
Hoa hồng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời tiết, ánh sáng, nếu thời tiết rét hơn thì cây sẽ chuyển sang màu đậm hơn, tất cả các giống, nếu nhiệt độ ánh sáng cao thì hoa sẽ nhạt màu hơn. Mùa lạnh hoa khum hơn, mùa nóng hoa sẽ xòe ra.
Chỉ cần cắt cành là sẽ ra mầm, ra hoa ở ngay đó
Chị Phương Anh là một khách hàng đến vườn xem hoa cho biết: "Đi qua đây thấy mùi hương thân thuộc nên rẽ vào xem, hương thơm của hoa hồng cổ không sang trọng như hoa hồng ngoại nhưng luôn gợi lại những hồi ức thân quen, gợi lại kí ức về tuổi thơ, khi ngày xưa vườn nhà ông mình cũng có một cây hoa hồng như thế này. Cứ đến rằm nó lại lên hoa, vì cắt theo chu kì 30 ngày nên cứ đúng ngày rằm cắt hoa thì tháng sau lại ra hoa vào đúng rằm".
Theo Dân trí