Khi thời trang xa xỉ hoà mình cùng nghệ thuật

Nghệ thuật từ lâu đã mang đến những nguồn cảm hứng bất tận cho thế giới thời trang. Nhưng cho đến tận ngày nay, các nhà thiết kế mới ngày càng dặn dĩ hơn trong việc bắt tay cùng các nghệ sĩ hiện đại với những dự án bạc tỷ của mình.

Để bắt kịp với sự đổi thay của xã hội, của thế hệ trẻ; các thương hiệu thời trang từ cao cấp cho tới bình dân đều muốn được chạm tay vào thế giới nghệ thuật. Giờ đây, việc các thương hiệu thời trang cao cấp sử dụng nghệ thuật để quảng bá thương hiệu đã trở nên khá phổ biến trên thế giới - dù là thông qua màn hình điện tử, billboard, triển lãm thu nhỏ tại cửa hàng hay trên sàn runway.

Chanel Runway 2014

Sàn diễn Chanel Spring/Summer 2014 tại Paris.

Các thương hiệu đều hiểu rằng, để khẳng định sự độc quyền cùng thẩm mỹ cao cấp họ sẽ cần phải tạo ra điểm khác biệt giúp mình nổi bật và thu hút hơn trong mắt công chúng. Và nghệ thuật là một trong những yếu tố hiểu quả và nhanh nhất để các thương hiệu khẳng định đẳng cấp của mình. Nhưng thay vì chỉ đơn thuần sử dụng cho mục đích thương mại, các thương hiệu thời trang đang bắt đầu đầu tư vào nghệ thuật một cách “hào phóng” và “bài bản” hơn.

Hermes, Prada, Salvatore Ferragamo, Ermenegildo Zegna, Trussardi và Louis Vuitton chỉ là một vài trong số những thương hiệu thời trang đang đầu tư lớn vào nghệ thuật. Họ sưu tầm những tác phẩm đương đại (hay đôi khi là hiện đại), đồng thời uỷ nhiệm cho những nghệ sĩ trẻ sản xuất ra những tác phẩm độc nhất vô nhị.

Đối với thời trang, hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc … là những nàng thơ, là nguồn cảm hứng bất tận. Rất nhiều thiết kế làm nên tên tuổi cho các NTK đều được lấy cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật, điển hình trong đó có BST The Mondrian Collection năm 1965 của Yves Saint Laurent hay trang phục haute couture của Christian Dior đến từ sự ngưỡng mộ của NTK John Galliano đối với tác phẩm “The Great Wave off Kanagawa” của nghệ nhân Katsushika Hokusai.

BST The Mondrian Collection năm 1965 của Yves Saint Laurent

BST The Mondrian Collection của Yves Saint Laurent.

“Gia tộc Medici” của xã hội hiện đại

*Gia tộc Medici là một trong những gia tộc giàu có tại Ý vào thế kỷ thứ 15,có truyền thống sưu tầm và uỷ thác tác phẩm nghệ thuật từ những hoạ sĩ nổi tiếng.

Trong số những cái tên được nhắc đến, Prada và Louis Vuitton là hai thương hiệu có những bước tiến lớn hơn cả. Fondazione Prada tại Milan hay Fondation Louis Vuitton tại Paris tuy mang tên gọi của các nhà mốt thời trang - nhưng lại là hai triển lãm nghệ thuật đầy ấn tượng.

Fondation_Louis_Vuitton

Fondation Louis Vuitton tại Paris (Pháp).

Jeff Koons và William N.Copley là hai tác giả phải kể đến trong bộ sưu tập cá nhân của Prada. Bên cạnh đó thương hiệu hàng đầu nước Ý cũng đã uỷ nhiệm một số nghệ sĩ như Anish Kapoor, Thomas Demand để sáng tác riêng cho triển lãm. Fondation Louis Vuitton lại sở hữu những tác phẩm tạo được tiếng vang như “Nu bleu aux bas verts” của Henri Matisse và “Ladies and Gentlemen” của Andy Warhol.

Fondazione_Prada

Fondazione Prada tại Milan (Italy).

Cả hai nhà mốt hàng đầu thế giới này đều có thể được so sánh như “gia tộc Medici” của thời hiện đại - họ đều hiểu rõ tầm ảnh hưởng và sức mạnh của nghệ thuật, văn hoá trong bối cảnh thương mại và chính trị của xã hội đương thời.

Prada hay Louis Vuitton tuy là những người tiên phong khi nói đến xu hướng thời trang và ngành công nghiệp xa xỉ, nhưng có lẽ họ vẫn giữ cho triển lãm của mình ở “khu vực an toàn” của nghệ thuật. Thiết nghĩ, với tầm ảnh hưởng lớn tới nhiều thệ hệ, họ hoàn toàn có thể sử dụng khả năng của thương hiệu để đưa công chúng đến với nghệ thuật và đưa nghệ thuật đến gần công chúng hơn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Với hình dáng “kỳ quặc”, Volkswagen Beetle được những người mê xe yêu thích qua nhiều thế hệ. Di sản của “bọ cánh cứng” để lại là không thể phủ nhận và nhiều người đã từng rất đau lòng khi nghe thông tin ngừng sản xuất Beetle vĩnh viễn...