Đứng đầu trong top 4 đồng hồ Nhật Bản, Seiko với điểm mạnh kết hợp linh hoạt giữa công nghệ mới mang tính năng hiện đại và thiết kế cơ khí truyền thống đã thu hút một cộng đồng fan lớn và trung thành với ông lớn xứ anh đào. Đặc biệt, fan của Seiko luôn thể hiện sự yêu thích và tự hào với các sản phẩm của hãng bằng cách đặt cho chúng những biệt danh (nickname) rất đặc biệt thay cho những cái tên dài ngoằng hay những mã hiệu khó nhớ và khô khan.
Chính nhà sản xuất cũng thấy rất thích thú với điều này. Đến nỗi Trung tâm Thiết kế của Seiko còn phải thực hiện mô phỏng lại hình ảnh đồng hồ của họ bên cạnh những biểu tượng do fan nghĩ ra.
Biệt danh của đồng hồ Seiko làm cho thương hijeu đồng hồ này trở nên gần gũi và phổ biến hơn với cộng đồng đam mê đồng hồ quốc tế. Ngay kể cả những người không phải fan hâm mộ cũng biết đến cái tên như Monster hay Turtle… Thậm chí, biệt danh độc đáo khiến những cỗ máy trở nên ăn khách hơn. Nhiều dòng còn được nhắc đến như một huyền thoại như Samurai hay Tuna,...
1. Seiko Monster (Quái Vật)
Ra đời vào năm 2000 với tư cách là một trong những sản phẩm bổ sung cho loạt đồng hồ lặn có số hiệu bắt đầu bằng SKX, phục vụ cho những ai tìm kiếm đồng hồ “công cụ”, “chuyên nghiệp” với mức giá phải chăng. Seiko Monster được thiết kế để trở nên “không thể phá hủy” chất lượng cao với bề ngoài khác biệt, dữ tợn của một con quái vật đang há mồm để lộ hàm răng sắc nhọn do các cọc số phủ đầy dạ quang tạo nên, các sản phẩm này (như SKX779 và SKX789) nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được fan gọi bằng cái tên Monster tức “quái vật”.
Trong số các mẫu Seiko Monster, có lẽ quái vật mặt cam Monster Orange (SKX789) có lẽ là lựa chọn “chất” nhất hiện nay. Bản gốc của thiết kế này dùng máy 7S26 siêu bền nhưng vào năm 2015, Seiko đã cập nhật máy 4R36 hiện đại hơn và sau đó nữa là máy 6R15 khi thêm nó vào bộ sưu tập Prospex (SBDC023).
Seiko Monster Orange với mặt số quái vật há mồm đặc trưng.
Sau hơn 20 năm, thiết kế đồng hồ lặn chuyên nghiệp Seiko Monster đã có 3 thế hệ, hàng chục phiên bản với đủ loại màu sắc cùng các biến thể của nickname Monster như: Baby Monster, Night Monster, Trek Monster, Land Monster định danh cụ thể và chi tiết cho một số mẫu mã đặc biệt.
Các thế hệ Seiko Monster.
2. Seiko Tuna/ Seiko Tuna Can
Nếu bạn muốn những chiếc đồng hồ lặn sâu nhất, hiện đại nhất từ Seiko thì cho đến nay không có lựa chọn nào khác ngoài Seiko Tuna, dòng đồng hồ lặn siêu sâu siêu chống khí Helium dành cho thợ lặn chuyên nghiệp. Seiko Tuna có bộ vỏ khổng lồ trông giống như lon cá ngừ đóng hộp vì thế nó đã có biệt danh này.
“Lon cá ngừ đeo tay” của năm 75 là mẫu đồng hồ đầu tiên sử dụng vỏ bằng Titanium không chỉ nhẹ, bền mà còn có khả năng chống ăn mòn nước biển cao cực (cao hơn nhiều so với thép không gỉ 904L, 316L…). Thiết kế vỏ 2 lớp riêng biệt mang đến cho Tuna một độ bền vô đối trước áp suất. Ron cao su có hình chữ L (thay vì hình tròn như bình thường) nằm ngay bên dưới lớp kính có nhiệm vụ chống nước và khí Helium.
Kết cấu vững chắc của vỏ Tuna để bảo vệ cỗ máy bên trong cũng hệt như chiếc hộp sắt bảo quản cá ngừ. Trùng hợp hơn nữa là vỏ đồng hồ được giữ nguyên màu trắng thép rất giống với màu da bạc của những chú cá.
Ngày nay, thiết kế 6159-7010 đã được gọi với biệt danh riêng là “Grandfather Tuna”, một số biến thể Seiko Tuna cũng được gọi riêng do kích thước, màu sắc, kiểu dáng khá khác biệt như Baby Tuna (SRP637), Emperor Tuna (SBDX011), Darth Tuna (SBBN013) …
3. Seiko Turtle
Đối với người lặn biển, rùa là một biểu tượng của thần hộ mệnh, mang lại may mắn và của cải. Thật thú vị khi tên của loài vật này được đặt tên cho dòng đồng hồ lặn mang số hiệu SRP77x trong bộ sưu tập Prospex cao cấp.
Các mẫu có biệt danh Seiko Turtle hiện đang nổi tiếng hàng đầu hiện nay với khi Seiko làm sống lại dòng Turtle cổ (6039) sản xuất từ 1976-1988 bằng dòng Turtle hiện đại năm 2016 (các mẫu có số hiệu SRP77x trong bộ sưu tập Prospex cao cấp).
Cái tên “Turtle” được đặt tên theo hình dáng đặc biệt của nó, bộ vỏ hình thùng tonneau với núm chỉnh ở vị trí 4 giờ, trông giống cái mai rùa đang thò một chân ra ngoài. Các bản Seiko Turtle năm 2016 cũng được nâng cấp thành máy tự động chất lượng cao Seiko 4R36 Seiko và với nhiều phiên bản màu sắc, kể cả bản giới hạn số lượng.
Trong khi các mẫu Seiko Turtle 2016 có giá khoảng trên dưới 400 USD thì các mẫu cổ 1976 – 1988 cũng phong phú với giá khoảng 300-500 USD trên thị trường hàng cũ.
4. Seiko Samurai
Lần đầu tiên các mẫu đồng hồ Seiko có biệt danh Samurai được giới thiệu là giai đoạn 2004 - 2008. Có nhiều nguồn tin cho biết rằng nguồn gốc nickname của Seiko Samurai mà cộng đồng người hâm mộ đã đặt là bởi vì bộ kim giờ phút của phiên bản đầu tiên có hình dáng như thanh kiếm.
Nhưng các nhà thiết kế của Seiko lại phát hiện ra nhiều lí do tinh tế hơn thế. Quan sát bề mặt vỏ đồng hồ, đặc biệt là phần tai (bộ phận kết nối giữa vỏ và dây) bạn sẽ thấy đường vát cạnh rất sắc và nét, giống như nó vừa được cắt bởi một thanh kiếm Nhật. Ở mặt bên cạnh của vòng bezel, những ô kẻ lưới hình kim cương lại tương đồng với phần bọc da của đuôi kiếm. Ngay cả chiếc đinh chốt của đồng hồ cũng không khác chiếc đinh tán trên vũ khí của võ sỹ Samurai.
Cái tên Samurai không những nêu lên sự đặc biệt của chiếc đồng hồ mà còn mang một tinh thần rất “Nhật Bản”, thể hiện niềm tự hào của đồng hồ Nhật trên trường quốc tế. Seiko cũng tỏ ra rất hài lòng với nickname ý nghĩa này.
Trước đây, Seiko Samurai chạy bằng máy 7S35 và được xem là mẫu đồng hồ lặn rắn rỏi, nghiêm túc trước khi ngừng sản xuất năm 2008. Hiện tại, các bản Seiko Samurai được hồi sinh vào tháng 2 năm 2017 dùng kim giờ hình mũi tên, chạy máy Seiko 4R35.
5. Seiko Sumo
Seiko Sumo tức loạt đồng hồ lặn Seiko Prospex Scuba Dive được phát hành lần đầu tiên vào năm 2007 và có ba phiên bản: SBDC003 (mặt xanh với dây kim loại, bản này còn có tên khác là Seiko Blumo), SBDC001 (mặt đen với dây kim loại), SBDC005 (mặt cam với dây cao su), tất cả đều dùng bezel bằng nhôm và vận hành bằng máy 6R15.
Có hai giả thuyết xung quanh nguồn gốc của cái tên Sumo này, thứ nhất là do bộ vỏ và dây đeo có bề ngoài bóng bẩy và béo mập, thứ hai là do cọc số ở vị trí 12 giờ trông giống với “Mawashi” tức cái khố mà các đô vật sumo Nhật Bản mặc trong suốt trận đấu.
Với khung giá 500-1000 USD, có thể nói Sumo là một trong những mẫu lặn chất lượng cao nhất mà bạn có thể có được.