Báo Anh viết về ‘thần đồng hội họa’ Việt: Bán tranh vài tỷ đồng

Những tác phẩm của Xèo Chu đã được bán với mức giá lên tới hơn 150.000 USD (hơn 3,4 tỷ đồng) và trở thành một hiện tượng đáng quan tâm không chỉ trong giới hội họa Việt, mà cả với giới hội họa quốc tế. Hiện tại, khi triển lãm tranh solo đầu tiên của Xèo Chu đang được tổ chức tại London (Anh), tờ tin tức The Guardian (Anh) đã thực hiện cuộc phỏng vấn với họa sĩ tài năng còn ít tuổi này.
Báo Anh viết về ‘thần đồng hội họa’ Việt: Bán tranh vài tỷ đồng

Khởi đầu của thần đồng

Chị Nguyễn Thị Thu Sương – mẹ của Xèo Chu – sở hữu hai triển lãm tranh tại TPHCM và đã sớm khuyến khích các con học vẽ ngay từ khi còn nhỏ. “Nếu không có mẹ, cháu sẽ không là gì cả. Cháu sẽ không ở đây để nói chuyện được với mọi người như thế này”, Xèo Chu chia sẻ với phóng viên của The Guardian.

Câu chuyện mà mẹ của Xèo Chu chia sẻ với phóng viên The Guardian bắt đầu từ việc cậu không ngừng xin được đi học vẽ với các anh trai, dù khi đó, cậu còn rất nhỏ, chưa đi học tiểu học. Vốn không kỳ vọng gì nhiều, vì Xèo Chu còn quá nhỏ, nên chị Thu Sương cũng không đầu tư nhiều họa cụ cho con, chỉ đưa cho con một tập giấy, bút chì và tẩy rồi cho con được theo học lớp vẽ với các anh. Dù vốn không kỳ vọng gì nhiều, nhưng khi thấy các con trai lớn dần từ bỏ các lớp học vẽ bởi không có hứng thú, chị Thu Sương đã bắt đầu phải nhìn nhận khác về Xèo Chu, bởi càng lúc, cậu bé càng trở nên ham học vẽ, cậu đã thực sự tìm thấy niềm đam mê của mình.

“Cháu yêu thích việc học vẽ, cho dù đôi khi cháu có cảm thấy buồn, nhưng chỉ cần được vẽ, cháu lại cảm thấy vui ngay. Cháu cảm thấy dường như bản thân mình tan biến trong vòng vài giờ khi cháu chìm đắm trong quá trình vẽ tranh”, Xèo Chu chia sẻ.

Sự phát triển của Xèo Chu trong lĩnh vực hội họa trong vòng một thập kỷ quả thực đáng kinh ngạc. Cậu bé đã bán được bức tranh đầu tiên cho một du khách tới thăm triển lãm của mẹ: “Khi ấy, cháu rất vui, lúc bán được bức tranh đầu tiên cháu mới khoảng 6 tuổi”.

Kể từ đó, các tác phẩm của Xèo Chu đã được các nhà sưu tập từ nhiều nơi trên khắp thế giới quan tâm và tìm mua, đó là những nhà sưu tầm đến từ Mỹ, từ Nhật và nhiều quốc gia khác. Giờ đây, các chuyên gia hội họa thường so sánh phong cách của Xèo Chu với phong cách của Jackson Pollock, những tác phẩm của cậu đã được bán ra với mức giá lên tới 150.000 USD và hơn thế nữa. Với triển lãm mới được tổ chức ở London (Anh) sau nhiều triển lãm solo khác đã được tổ chức tại quê nhà Việt Nam, tại Singapore, tại New York (Mỹ)…, Xèo Chu đã có những triển lãm solo được tổ chức tại 3 lục địa. Đó rõ ràng là thành tích không tệ đối với bất cứ ai, đặc biệt là đối với một họa sĩ trẻ sinh năm 2007.

Sự hào phóng của thần đồng

The Guardian đánh giá Xèo Chu không chỉ là một tài năng hội họa mà còn là một thiếu niên sống rất có trách nhiệm, giàu yêu thương và sự quan tâm đối với những người xung quanh. Năm Xèo Chu 10 tuổi, cậu đã có triển lãm tranh đầu tiên ở Singapore, số tiền thu về từ hoạt động triển lãm bán tranh khi ấy vào khoảng 20.000 USD, cậu thiếu niên đã sử dụng số tiền này để hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh tim, người già neo đơn và những trẻ em đường phố. Mùa hè năm ngoái, Xèo Chu bán được 8 tác phẩm trong một cuộc đấu giá online và cậu đã quyên góp toàn bộ số tiền thu về từ cuộc đấu giá – 2,9 tỷ đồng, để gửi tới một bệnh viện để bệnh viện mua trang thiết bị y tế điều trị cho các bệnh nhận Covid-19.

Mẹ của Xèo Chu nhận xét: “Con trai tôi có thể chỉ là một cậu bé nhưng chính tôi cũng đang học được nhiều điều từ con. Con trai đang dạy cho tôi bài học về sự hào phóng”.

Khi được hỏi về việc các anh trai trong gia đình và các bạn học ở trường có cảm thấy khó gần gũi với cậu vì những thành tích ấn tượng mà cậu đã đạt được hay không, Xèo Chu cho biết: “Cháu không thích nói về những bức tranh của mình với các anh và các bạn chính vì lý do đó. Cháu thường cố giấu mọi chuyện liên quan tới hội họa trong các câu chuyện với bạn bè của mình”.

Trong triển lãm tổ chức tại London, Xèo Chu trưng bày cả những tác phẩm cậu đã thực hiện từ thời kỳ đầu lúc mới đi học vẽ, khi ấy, cậu bé mới khoảng 4 tuổi. Chính từ những bức vẽ “vụng dại” đầu tiên này, mà giáo viên dạy vẽ của cậu đã nói với mẹ của cậu: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một cậu bé 4 tuổi vẽ như thế này. Những cành lá mà cậu ấy vẽ trông như thể đang muốn bay lên, đây đích thực là một họa sĩ”. Mẹ của Xèo Chu rất yêu hoa, khi cắm được một bình hoa đẹp, mẹ cậu có thể không ra khỏi nhà trong vài ngày chỉ để ở nhà ngắm hoa. Xèo Chu nhận thấy tình cảm của mẹ dành cho bình hoa nên mỗi khi thấy mẹ tâm đắc như vậy, cậu thường vẽ lại những bình hoa đẹp ấy để mẹ không cảm thấy nuối tiếc khi hoa đã tàn úa.

Hiện tượng thần đồng xuất phát từ những sức mạnh trong tiềm thức?

Cái tên Xèo Chu của cậu bé có nghĩa là “chú lợn nhỏ”, còn tên thật của cậu là Phó Vạn An. Mỗi lần được đi đâu, Xèo Chu luôn chụp rất nhiều ảnh để làm tư liệu cho các bức họa mà cậu thực hiện về sau: “Cháu rất yêu thiên nhiên, đó chính là đề tài mà cháu thấy rất đẹp đẽ. Cháu chỉ muốn vẽ những gì mà cháu thấy bằng đôi mắt của chính mình”.

Điều này khiến Xèo Chu rất khác với Jackson Pollock, bởi trong khi Xèo Chu vẽ bằng những gì mình nhìn thấy, thì Pollock lại theo đuổi những điều trừu tượng và không vẽ dựa trên những gì ông quan sát thấy. Nói về việc mình thường được so sánh với Jackson Pollock, Xèo Chu bật cười: “Mọi người đều nói cháu giống ông ấy, nhưng cháu không dám chắc về điều này”. Ông George Bergès, chủ một phòng trưng bày triển lãm nghệ thuật ở New York (Mỹ), người từng hỗ trợ Xèo Chu thực hiện triển lãm đầu tiên tại Mỹ, chính là người đã so sánh cậu bé với Jackson Pollock: “Xèo Chu đang tạo nên những tác phẩm rất tương đồng với những tác phẩm được Pollock sáng tạo trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Hơn 300 tác phẩm mà cậu bé Xèo Chu đã thực hiện khiến tôi có nhiều bất ngờ về tiềm thức của một con người. Những gì mà cậu ấy đang thể hiện được qua các tác phẩm của mình thực tế khiến nhiều họa sĩ lớn tuổi cũng cảm thấy khó mà biểu đạt nổi. Đối với tôi, thật thú vị khi một họa sĩ ít tuổi như thế có thể biểu đạt được những điều sâu sắc, dù trải nghiệm trong cuộc sống chưa nhiều. Xèo Chu làm thay đổi những quan niệm của tôi về nghệ thuật, về những trải nghiệm trong cuộc sống của một con người. Người ta có thể tìm thấy chiều sâu và những điều tinh tế, phức tạp trong tác phẩm của một con người vẫn còn rất hạn chế về trải nghiệm trong đời sống. Câu chuyện này đưa lại cho tôi góc nhìn mới về tiềm thức của con người, thứ mà tất cả chúng ta đều có trong mình”.

Khi được hỏi về cách thức vận động và phát triển trong quá trình sáng tạo của mình, Xèo Chu cho hay: “Khi mới bắt đầu vẽ tranh, cháu chủ yếu chỉ ngắm hoa và vẽ hoa. Thế rồi cháu bắt đầu đi đến nhiều nơi và thực hiện những bức tranh phong cảnh khắc họa những vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam, cháu cũng đã đi ra nước ngoài để tham quan và lấy tư liệu thực hiện các bức vẽ”.

Số phận của thần đồng

Thực tế, Xèo Chu không phải là họa sĩ thần đồng đầu tiên được giới hội họa quốc tế biết đến và quan tâm. Năm 2013, cậu bé Kieron Williamson 10 tuổi đến từ Norfolk (Anh) được gọi là “tiểu Monet” và nhanh chóng gây dựng được khối tài sản riêng trị giá 1,5 triệu bảng. Rồi tới họa sĩ nhí người Mỹ gốc Romania – Alexandra Nechita được mệnh danh là “tiểu Picasso” hồi năm 1996 khi mới 11 tuổi, những tác phẩm của cô bé khi đó cũng được bán ở mức giá 100.000 USD. Nhưng khi những nhà sưu tập muốn bán lại các tác phẩm này, thì mức giá bán lại thường không ở mức sinh lời như mong muốn. Đây là nhận định của chuyên gia hội họa Barden Prisant. Khi viết bài cho tờ tạp chí Forbes (Mỹ), ông Prisant đã chia sẻ rằng gần đây ông đã tìm kiếm thông tin về giá tranh của những họa sĩ thần đồng này trên thị trường đấu giá hiện nay, ông thấy tranh của Nechita chỉ đạt được mức giá 20.000 USD, dù chính bức tranh ấy trước đây từng bán được với giá 92.000 USD hồi năm 1998. Ông Prisant cũng thấy rằng hai tác phẩm của Williamson khi đem ra đấu giá thời gian gần đây đã không bán nổi. Liệu Xèo Chu – “tiểu Pollock”, có chịu chung số phận “sớm nở, chóng tàn” của các thần đồng hội họa hay không?

Đối với Xèo Chu, điều này không quan trọng: “Cháu thực sự không biết thần đồng có nghĩa là gì. Cháu cũng không thực sự quan tâm. Đó không phải là lý do để cháu vẽ tranh”. Đối với giáo viên dạy vẽ của cậu, điều đáng lo ngại nhất là Xèo Chu để mất sự tươi mới trong các tác phẩm của mình, khi cậu bé lớn dần và va chạm với cuộc sống nhiều hơn, rồi bị tác động từ đó. Tất cả các thần đồng khi lớn lên đều gặp phải những khó khăn, áp lực, vật vã để vượt qua cái bóng của chính mình. Chủ phòng tranh ở New York – ông George Bergès cũng đồng tình rằng Xèo Chu cần được bảo vệ để không xuất hiện quá nhiều trước truyền thông. Khi tiếp xúc với quá nhiều yếu tố gây xao nhãng, Xèo Chu có thể sẽ không còn đủ sự tập trung cho nghệ thuật nữa. Triển lãm mở ra ở London (Anh) hiện tại đưa lại góc nhìn về chặng hành trình 10 năm của Xèo Chu trong vai trò một họa sĩ. Khi được hỏi về cách hình dung của Xèo Chu về triển lãm tranh của cậu trong 10 năm nữa, Xèo Chu đáp: “Ai biết lúc ấy tôi có còn vẽ tranh nữa không”.

Xèo Chu thành thực nói rằng cậu chưa biết nhiều về nghệ thuật và muốn học tập một cách nghiêm túc. Mẹ của Xèo Chu cũng chia sẻ rằng gia đình muốn cho cậu theo học về nghệ thuật ở Anh. Nhưng chính bản thân họa sĩ nhí lại không chắc chắn về những gì mà mình muốn trở thành: “Cháu không chắc mình muốn trở thành người như thế nào khi lớn lên. Hiện tại, cháu vẫn chỉ là một đứa trẻ”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Với hình dáng “kỳ quặc”, Volkswagen Beetle được những người mê xe yêu thích qua nhiều thế hệ. Di sản của “bọ cánh cứng” để lại là không thể phủ nhận và nhiều người đã từng rất đau lòng khi nghe thông tin ngừng sản xuất Beetle vĩnh viễn...