Cold Brew là gì?
Cold Brew hay ủ lạnh là phương pháp chế biến cà phê không sử dụng đến nước nóng hay nhiệt độ cao. Phương pháp này vô cùng đơn giản, chỉ cần ngâm cà phê đã xay trong nước nguội rồi ủ trong một quãng thời gian dài (từ 12 đến 24 giờ). So với cà phê nóng thì cà phê lạnh này có hương vị thơm ngon, độ chua nhẹ hơn.
Cold Brew Coffee là cách pha cà phê bằng cách ngâm cà phê trong nước ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài.
Loại cà phê này nổi tiếng bởi hương vị tinh tế nhờ cách pha khác thường, vị mới lạ, ít chua, ít đắng và hạn chế mùi thơm đặc trưng hơn so với việc cà phê được pha bằng nước nóng. Là một làn gió mới trên thị trường thức uống đầy tính cạnh tranh ở Việt Nam, Cold Brew đang dần trở thành một xu hướng được các tiệm trà, cà phê đón nhận trong một năm gần đây.
Mất hàng giở để chuẩn bị, Cold Brew mang lại hương vị độc đáo cho ly cà phê lạnh
Nguồn gốc của cà phê Cold Brew
Hình thức pha cà phê Cold Brew bắt nguồn từ xứ sở của hoa Tulip - Hà Lan. Vào thời xưa, các thủy thủ Hà Lan đã mang theo cà phê trong những chuyến đi biển dài ngày. Do phải tiết kiệm nguyên liệu đốt nên cà phê không được chế biến theo cách thức thông thường mà được ngâm trong các bình chứa nước và được cất giữ dưới khoang tàu. Cách thức này cho phép các thủy thủ bảo quản cà phê trong thời gian dài hơn, ít tốn diện tích hơn tuy nhiên hương vị lại khác với loại cà phê pha nóng.
Cà phê Cold Brew bắt nguồn từ xứ sở của hoa Tulip - Hà Lan
Phương pháp này sau đó được các thương nhân Hà Lan mang đến xứ sở hoa anh đào. Người Nhật lúc bấy giờ cảm thấy thích thú với hương vị đặc sắc của món cà phê ngâm nước lạnh nên đã học hỏi cách thức pha chế và phổ biến rộng rãi.
Sau thời gian thử nghiệm và nghiên cứu, người Nhật nhận thấy việc chiết xuất lượng nhỏ cà phê sẽ khiến thức uống dễ uống hơn việc ngâm lượng lớn cà phê trong nước. Một chuyên gia pha chế ở Kyoto đã sáng chế ra dụng cụ bình 3 tầng để chiết cà phê. Kết quả vô cùng khả quan, loại cà phê chiết xuất được ưa chuộng và trở nên nổi tiếng, trở thành thức uống đặc hữu của Kyoto.
Những năm 70 của thế kỷ 19, cà phê pha lạnh dần lan rộng đến nhiều quốc gia bao gồm Anh, Mỹ.
Đặc biệt, tại Peru có một người đàn ông tên Todd Simpson sở hữu niềm đam mê vô cùng lớn với cà phê lạnh. Simpson đã tìm ra cách làm riêng và được cấp bằng sáng chế cho bộ dụng cụ pha cà phê lạnh. Bộ dụng cụ này sử dụng nhiều phễu lọc và đá lạnh, nên giúp cho cà phê được chiết xuất ra có lượng axit ít hơn 67% hàm lượng axit tự nhiên so với cà phê nóng. Đây có thể coi là nền tảng của cà phê pha lạnh hiện đại.
Cách pha cà phê Cold Brew tại nhà
Cold Brew có hương vị khác biệt và lôi cuốn hơn so với các loại cà phê khác là bởi cách pha rất độc đáo. Không chỉ sử dụng nước lạnh mà nguyên tắc pha cà phê này cũng cần thực hiện theo đúng các bước. Có như vậy, hương vị cà phê có được mới thực sự hoàn hảo như những gì mà bạn mong muốn.
Nguyên liệu và dụng cụ
- 250 g cà phê (có thể dùng cà phê hạt hoặc cà phê bột nguyên chất xay thô).
- 2 lít nước.
- Bình ủ Cold brew có nắp đậy kín (có thể dùng hũ thủy tinh).
- Giấy lọc cà phê.
- Bình đựng cà phê.
- Muỗng khuấy.
Bằng việc ủ lạnh, thức uống sau khi đã hoàn thành sẽ chứa lượng axit ít hơn, tạo hương vị dịu nhẹ và ít chua hơn cà phê pha nóng. Nhờ đó cà phê pha lạnh sẽ không gây cảm giác xót ruột sau khi uống.
Cách làm
- Bước 1: Xay 250 g hạt cà phê sạch nguyên chất ở mức thô, không xay mịn.
- Bước 2: Cho 125 g cà phê xay đã chuẩn bị sẵn vào bình ủ Cold Brew, đổ từ từ 1 lít nước vào rồi khuấy đều cho cà phê thấm nước.
- Bước 3: Đợi sau khi cà phê hãm được 5 phút, tiếp tục cho 125 g cà phê còn lại vào bình ủ, chế từ từ 1 lít nước còn lại vào bình.
- Bước 4: Đậy nắp kín và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, ủ trong vòng 12 - 24 tiếng tùy theo tỷ lệ pha cũng như độ đậm nhạt mà bạn muốn.
- Bước 5: Sau khi ủ đủ thời gian, lấy cà phê ra khỏi ngăn mát tủ lạnh, đặt giấy lọc cà phê lên bình, rót từ từ cà phê trong bình qua giấy lọc để loại bỏ bã cà phê.
Các lưu ý khi pha Cold Brew Coffee để có một ly thơm ngon
Tỷ lệ chiết xuất cà phê
Thông thường, tỷ lệ giữa cà phê với nước sẽ nằm ở mức 1:10 hoặc 1:15. Tuy nhiên, tùy vào loại cà phê mà bạn chọn cũng sẽ có tỷ lệ nước cũng như thời gian ủ không giống nhau.
Tỉ lệ cà phê và nước 1:10 sẽ cho ly cà phê Cold Brew ngon đúng vị.Hạt cà phê
Yêu cầu cần có của hạt cà phê dùng để pha chế chính là độ nguyên chất nên dùng cà phê Specialty Coffee. Bột cà phê không được tẩm ướp bất cứ chất nào khác. Ngoài ra, cà phê cũng phải được rang ở mức vừa. Màu sắc cà phê không quá đậm và cũng không nên có quá nhiều bột mịn. Tốt nhất, bột cafe Cold Brew được sử dụng là loại mới xay, hạt thô như hạt muối.
Để có ly cafe Cold Brew như ý bạn cần xay hạt cà phê ở mức Coarse như hình.Cách bảo quản cà phê Cold Brew sau khi pha
Mặc dù nói, cà phê lạnh sau khi “hãm” có thể bảo quản tốt trong tủ lạnh với thời gian đến đến 1 tháng. Nhưng, để giữ nguyên dưỡng chất bên trong thức uống này thì tốt nhất là bạn nên dùng hết lượng cà phê đã ủ trong thời gian từ 3 – 5 ngày.
Bạn có thể bảo quản cà phê bằng cách cất giữ trong tủ lạnh để dùng lâu hơn.
Tuyệt vời hơn nữa là bạn có thể thưởng thức ngay sau khi pha. Như vậy, bạn mới cảm nhận được độ tươi và thơm ngon quyến rũ của loại cà phê có cách pha độc đáo này. Chính vì vậy, để không phải bảo quản cà phê trong thời gian quá lâu; tốt nhất là bạn nên ủ một lượng cà phê vừa đủ với nhu cầu sử dụng của mình trong khoảng 3 – 4 ngày là thích hợp nhất.
Cách thưởng thức cafe Cold Brew
Cold Brew hiện có rất nhiều cách thưởng thức khác nhau để bạn có thể lựa chọn. Nếu là “tín đồ” của cà phê nguyên chất thì bạn có thể uống ngay sau khi ủ xong. Nếu bạn là người không thích thức uống có vị đắng thì nên cho thêm chút đường hay sữa.
Bạn có thể thưởng thức cafe Cold Brew với đá hoặc có thể thêm đường sữa tuỳ gu vị.
Độc đáo hơn là ở các quán cà phê chuyên nghiệp, những Barista thường có cách pha chế rất sáng tạo để mang đến cho người dùng hương vị độc đáo nhất. Đó chính là kết hợp cà phê lạnh này với các thành phần từ Tonic, Syrup hay trái cây…