Cơm gà
Với người dân Việt Nam, cơm và thịt gà đều là những món ăn quen thuộc, nhưng ở Hội An cơm gà đã trở thành thương hiệu, món ăn trứ danh nơi phố Hội được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Cơm gà được nấu khéo léo ăn kèm với thịt gà xé
Cơm được nấu khéo léo theo cách riêng, ăn kèm với thịt gà được xé thành những miếng nhỏ vừa ăn. Gạo để nấu cơm phải là gạo ngon, thơm, dẻo, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa. Khi cơm chín sẽ dậy mùi thơm của gạo quyện cùng lá dứa tạo nên sự nồng ấm. Gà được nuôi tự nhiên, là loại gà ta còn tơ, trọng lượng trên 1kg.
Gà làm sạch luộc chín, da gà vàng ngậy, thịt gà trắng trong được xé phay trộn với hành tây, rau răm, nước cốt chanh, ớt tạo thành hương vị đủ bộ: vị chua, cay, mặn, ngọt, sau đó rải thịt gà và gia giảm lên trên cơm nhìn rất ngon miệng và đẹp mắt.
Cơm gà ăn nóng, rưới nước tương, tương ớt, bên cạnh có thêm bát nước dùng ngọt ngào, thơm nức mũi.
Mì Quảng
Hà Nội có phở, Huế có bún bò, Sài Gòn có hủ tiếu thì Quảng Nam có món mì nổi danh từ khá lâu. Mì Quảng tuy giản dị nhưng lại là bản hòa tấu ẩm thực đầy ấn tượng. “Thương nhau múc bát chè xanh/Làm tô mì Quảng cho anh vui lòng”. Người Hội An vẫn mời khách như vậy, đủ thấy mì Quảng hấp dẫn như thế nào.
Mì Quảng là kiểu phở nước được chế biến từ gạo, nhưng có hương vị sắc thái riêng, khá đặc biệt. Sợi phở miền Bắc mềm, mỏng, dáng vẻ hơi kiêu sa một chút, còn sợi mì Quảng hơi dày, vẻ chất phác nhưng đậm đà tình ý.
Một tô mì Quảng ngon miệng được phủ lên trên là những lát thịt heo thái mỏng, tôm đỏ au, trứng luộc, ăn kèm miếng bánh tráng nướng, hành tươi, rau thơm, đậu phộng rang. Tất cả bày vào tô, trộn nước lèo béo ngọt đậm đà, có thể ăn kèm ớt xanh giòn cay tê lưỡi.
Cao lầu
“Ai qua phố cổ Hội An
Ghé thăm Phúc Kiến mà ăn Cao lầu”
Món ăn được chế biến khá kỳ công này là niềm tự hào của người Hội An. Gạo ngâm với tro từ củi của cây tràm ở Cù Lao Chàm, hòa nước giếng Bá Lễ trong vắt. Khi gạo chuyển màu vàng nhạt xay thành bột, nhồi và cán thành miếng hấp cách thủy, cuối cùng là cắt thành sợi mỳ vừa ăn.
Cao lầu phố hội
Tô cao lầu kèm thịt xá xíu tẩm ướp công phu, da heo chiên giòn rùm rụm, rưới nước xíu thơm ngào ngạt. Khi ăn thêm giá trần, rau thơm Trà Quế, ớt tươi. Người ta vẫn mách nhau phải đến Hội An, ăn cao lầu trong những tiệm ăn cổ kính mới cảm nhận hết vị ngon của món ăn này.
Bánh bao, bánh vạc
Bánh bao, bánh vạc thường được biết đến với cái tên “White rose” có nghĩa là bông hồng trắng, theo cách gọi của du khách nước ngoài. Cũng là bột gạo nhưng phải thật trắng, nhân bánh vạc là tôm đất giã nhuyễn trộn với tiêu, tỏi, hành, sả; nhân bánh bao là thịt heo, mộc nhĩ, hành lá.
Bánh hấp chín, bày chung lên đĩa trông trắng muốt, láng mịn, điểm xuyết hành phi vàng ruộm và rau xanh mát, ăn cùng với nước mắm chua cay mặn ngọt thơm nồng sóng sánh.
Bánh bèo
Thưởng thức bánh bèo là một trong những điều du khách thích thú nhất khi đến Hội An. Bánh bèo để trong những chiếc chén nhỏ xinh, trắng và mềm dẻo. Khi ăn, người bán sắp nhiều chén lên khay, phủ nhân tôm chấy thịt băm với hành phi lên trên. Khách ăn tùy theo khẩu vị mà rưới nước mắm chua cay.
Bánh bèo tuy nhỏ mà ăn rất “bắt”, bạn có thể ăn hết cả chục chén lúc nào không hay, nhất là khi được thưởng thức trong những quán lá nhỏ đơn sơ, ấm cúng bên sông Hoài.
Chè bắp
Chè bắp vô cùng đơn giản với bắp, đường, bột năng. Chè bắp Hội An ngon có tiếng là nhờ được nấu từ bắp Cẩm Nam trồng trên đất phù sa màu mỡ. Chè bắp có vị ngon tự nhiên thanh tao của bắp mới bẻ, khi ăn rưới thêm chút nước cốt dừa béo ngậy.
Chè bắp thơm ngon để dành ăn “tráng miệng” sau khi đã trải nghiệm các món ăn đặc sản của Hội An, sẽ để lại cho du khách những ấn tượng ngọt ngào và nhung nhớ mãi không nguôi.