Gia tộc Pinault - Xây dựng giá trị xa xỉ bền vững

Xuất phát điểm không liên quan đến thời trang xa xỉ nhưng PPR (viết tắt của Pinault-Printemps-Redoute) – với tên gọi hiện tại là Kering – đang là một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới với những quân át chủ lực như Gucci và Balenciaga.
Gia tộc Pinault - Xây dựng giá trị xa xỉ bền vững

François Pinault – người sáng lập nên tập đoàn xa xỉ phẩm Kering có xuất thân khiêm nhường đến bất ngờ. Lớn lên trong một gia đình thợ gỗ ở vùng ngoại ô phía Tây nước Pháp, ông đã phải ngừng học trung học vì bị kì thị bởi những đứa trẻ có xuất thân danh giá hơn. Bằng một khoản tiền đi vay cộng thêm niềm quyết tâm cao độ, François thành lập công ty kinh doanh gỗ của riêng mình. Bên cạnh đó, ông còn mua lại những công ty đang trên bờ vực phá sản và tái thiết chúng nhằm thu lại lợi nhuận.

François Pinault

François Pinault – người sáng lập nên tập đoàn xa xỉ phẩm Kering.

Chỉ sau 25 năm hoạt động với mô hình này, công ty nhỏ của nhà Pinault đã trở thành một cái tên đáng gờm, nắm giữ cổ phần lớn của các công ty cung cấp dịch vụ quan trọng như phân phối hàng hóa ở châu Phi, điện tín, nội thất và chuỗi bán lẻ. Để tương ứng với mô hình hoạt động mới của mình, Pinault S.A được đổi tên thành PPR, viết tắt của Pinault-Printemps-Redoute với Printemps và Redoute là 2 chuỗi bán lẻ quan trọng thuộc sở hữu của tập đoàn này, tạo nền móng quan trọng để Kering trở thành tập đoàn đối đầu trực tiếp với LVMH ngày nay.

Tuy vậy, François Pinault lại được biết đến và ngưỡng mộ nhiều hơn bởi bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của mình. Năm 1970, ông kết hôn với người vợ thứ hai – Maryvonne Campbell. Không chỉ là mối tình dài hơn 5 thập kỷ của nhà kinh doanh tài ba, bà Campbell còn là người se duyên cho ông với nghệ thuật để đến nay, bộ sưu tập của ông đã lên đến hơn 5.000 tác phẩm. Khởi đầu với những tác phẩm từ thế kỷ 20 của các nghệ sĩ bậc thầy như Mondrian, Picasso, Man Ray, François Pinault lại trở thành nhà bảo trợ quan trọng cho các nghệ sĩ đương đại trong những năm gần đây. “Chỉ có kẻ điên như tôi mới dám ra quyết định mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại nhanh như vậy”. Ông chính là người đứng sau những triển lãm độc đáo nhất của giới nghệ thuật, như “Treasures from the Wreck of the Unbelievable” của Damien Hirst cũng như hàng loạt triển lãm bộ sưu tập cá nhân của mình trên toàn cầu, từ Seoul cho đến Moscow, Monaco rồi Thụy Điển.

Từ trái qua: François-Henri Pinault, François Pinault và François III

Ba thế hệ gia đình Pinault: François-Henri Pinault, François Pinault và François III (Từ trái qua).

Khác với nhiều doanh nhân khác, Pinault có một niềm tin mãnh liệt vào sự cống hiến cho cộng đồng, có lẽ một phần vì xuất phát điểm khiêm nhường của ông. Hàng loạt chương trình bảo trợ nghệ sĩ trẻ được ông đề ra và cung cấp tài chính để hoạt động. Ông ủng hộ những dự án khắc phục thiên tai và bảo tồn văn hóa. Khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy lớn, gia đình Pinault chính là một trong những tổ chức đóng góp nhiều nhất để giúp phục dựng (số tiền lên đến 100 triệu euro). Ngay cả khi ông không còn quản lý trực tiếp tập đoàn của mình, sự phát triển bền vững vẫn là giá trị cốt lõi. Những chiến dịch về môi trường cũng như các vấn đề xã hội đều được thực hiện với sự cam kết cao nhất từ ban lãnh đạo tập đoàn.

Bận bịu với các hoạt động từ thiện và nghệ thuật, vị trí điều hành của tập đoàn PPR đã được François Pinault nhường lại toàn quyền cho con trai trưởng của mình, François-Henri Pinault vào năm 2005. Vào lúc này, François-Henri nhận thấy trung tâm phát triển đang xê dịch về châu Á với sự trỗi dậy của cả dân số lẫn tiềm lực kinh tế ở những cường quốc mới như Trung Quốc, Hàn Quốc. Mọi thứ thay đổi nhanh, người ta giàu nhanh hơn và tình yêu dành cho các thương hiệu cũng trở nên lớn hơn nhiều so với trước đây. Chiến lược mới của PPR ngay lập tức được François-Henri vạch ra, tập trung vào thể thao và xa xỉ phẩm.

Tỷ phú François-Henri Pinault và vợ Salma Hayek

Tỷ phú François-Henri Pinault và vợ - nữ diễn viên Salma Hayek.

Dù PPR đã sở hữu Gucci và Yves Saint Laurent từ năm 1999, quyết định tập trung vào phân khúc này chỉ trở nên thực sự quyết liệt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của François-Henri Pinault. Thu thập thêm các thương hiệu thời trang như Bottega Veneta, Balenciaga và Alexander McQueen vào đầu những năm 2000, nhưng niềm tự hào lớn nhất của gia đình này lại chính là cổ phần chính của Puma được mua lại vào năm 2007 – chiếc neo quan trọng để họ phát triển phân khúc thể thao. “Chúng tôi cho rằng những thương hiệu của mình có tính chiến lược về sức ảnh hưởng, vai trò và cả tương lai của những thị trường tiềm năng mới”. Từ năm 2003 đến 2014, dù doanh thu giảm hơn một nửa, nhưng lợi nhuận lại tăng 40% nhờ vào những bước đi táo bạo của ông François-Henri.

Gucci Balenciaga

Cú bắt tay táo bạo giữa Gucci và Balenciaga (hai thương hiệu hàng đầu của Kering) trong BST Aria đã thực sự gây chấn động.

Năm 2013, PPR được đổi tên thành Kering, như một lời tri ân tới quê hương vùng Brittany của gia tộc Pinault, với “Ker” nghĩa là “nhà”, đồng thời Kering cũng được đọc như “caring” – sự quan tâm. Tiếp tục củng cố vị thế của Kering với sự gia nhập của nhiều thương hiệu mới, Pinault công bố sẽ tập trung hoàn toàn vào phân khúc xa xỉ từ năm 2018, và khẳng định với ngôi sao là Gucci, Kering sẽ nhanh chóng vượt xa sự tăng trưởng của Louis Vuitton. Những quyết định bổ nhiệm giám đốc sáng tạo “không tưởng” tại các thương hiệu thuộc Kering trong những năm gần đây, cũng như những chiến lược ra mắt các bộ sưu tập gây sốt như Gucci x Balenciaga là lời khẳng định mạnh mẽ cho tham vọng thống trị thế giới xa xỉ phẩm của gia tộc Pinault.

Xem thêm

Gia tộc Gucci bất mãn vì bộ phim House of Gucci

Gia tộc Gucci bất mãn vì bộ phim House of Gucci

Đại diện gia đình Gucci cho biết họ không hài lòng về nhiều khía cạnh của phim. Các thành viên trong gia tộc không hài lòng với trang phục trong phim mặc dù nhà thiết kế Janty Yates đã sử dụng kho lưu trữ thời trang của thương hiệu.

Có thể bạn quan tâm

Những chiếc xe cảnh sát độc đáo nhất thế giới

Những chiếc xe cảnh sát độc đáo nhất thế giới

Một trong những phần thú vị nhất khi trở thành cảnh sát là có thể trải nghiệm trên một chiếc xe cảnh sát, từ những chiếc Ferrari cổ điển ở Colombia cho đến những chiếc Bugatti phá kỷ lục ở Dubai...

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Volkswagen Beetle: Hoài niệm một thương hiệu

Với hình dáng “kỳ quặc”, Volkswagen Beetle được những người mê xe yêu thích qua nhiều thế hệ. Di sản của “bọ cánh cứng” để lại là không thể phủ nhận và nhiều người đã từng rất đau lòng khi nghe thông tin ngừng sản xuất Beetle vĩnh viễn...