Con trai bầu Hiển: Đã đến lúc tôi trở về Việt Nam

Chỉn chu, chững chạc hơn sau 3 năm làm việc tại Mỹ, Đỗ Quang Vinh hướng đến hình mẫu doanh nhân thân thiện với mọi người.
Con trai bầu Hiển: Đã đến lúc tôi trở về Việt Nam

Lần về Việt Nam này của Đỗ Quang Vinh, Tổng giám đốc chi nhánh Mỹ Tập đoàn T&T, ngoài vì công việc, còn để tham dự kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ.

Trong suốt buổi trò chuyện, Đỗ Quang Vinh nhiều lần cười lớn khi nói về những kỷ niệm ngày còn đi học, mối quan hệ gia đình cùng bố mẹ và cậu em trai kém 6 tuổi. Anh cũng chia sẻ khá cởi mở về chuyện kinh doanh ở Mỹ, những dự định khi trở về Việt Nam cùng với hình mẫu của doanh nhân bản thân đang hướng đến. Có những chuyện lần đầu tiên được kể trên truyền thông.

- Các mảng công việc tại T&T chi nhánh Mỹ đang được vận hành như thế nào? Những dự định anh từng chia sẻ liên quan đến các lĩnh vực bất động sản, xuất nhập khẩu tại thị trường này đã phát triển được đến đâu?

- Hiện tại ở Mỹ, chúng tôi có 3 dự án bất động sản, đều nằm ở California. 2 trong số này là phát triển đất, xây nhà ở với khoản đầu tư gần 10 triệu USD, một còn lại là cho thuê, kinh doanh 7 triệu USD. Dự án cho thuê vẫn đang được vận hành như kế hoạch. Còn với 2 dự án nhà ở, tôi vừa quyết định bán. Lợi nhuận thu về của 2 dự án này khoảng 5-10% - mức khá tốt tại thị trường Mỹ.

Lúc tôi mới sang Mỹ thì việc đầu tư bất động sản nhà ở là rất tiềm năng. Nhưng hiện tại, thị trường lại đang báo tín hiệu rằng dự án cho thuê kinh doanh sẽ tốt hơn nên định hướng của T&T trong thời gian tới là phát triển các dự án bất động sản cho thuê.

Với xuất nhập khẩu, chi nhánh tập đoàn tại Mỹ có nhiệm vụ hỗ trợ về tìm hiểu thị trường, tìm dần đầu ra cho các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam ở Mỹ cũng như tìm kiếm các mặt hàng tiềm năng ở Mỹ để xuất khẩu về Việt Nam.

- Vậy anh đánh giá việc bán dự án lãi 5-10% và chưa phát triển được xuất khẩu thương mại tại Mỹ đối với mình là thành công hay thất bại?

- Thứ quan trọng mà tôi làm được là thiết lập được bộ máy tại chi nhánh ở Mỹ. Ngoài ra, việc kinh doanh tôi đảm nhận cũng đã bù lỗ được cho T&T Mỹ, đồng thời đủ cho chi nhánh tiếp tục vận hành.

Nói thành công rực rỡ thì chưa đúng, nhưng thành công thì chắc chắn đúng. Những gì tôi có sau 3 năm là không nhiều. Tuy nhiên, ở phương diện nào đấy, tôi thấy mình đã xây dựng được hình ảnh Đỗ Quang Vinh trưởng thành, mạnh mẽ hơn và tố chất lãnh đạo cũng đang dần được bộc lộ.

- Trong quá trình vận hành công ty tại Mỹ, ông Đỗ Quang Hiển hỗ trợ anh như thế nào?

- Sự hỗ trợ đầu tiên là niềm tin. Ông trao cho tôi cơ hội, môi trường, điều kiện để được làm một CEO. Ông cũng ủng hộ, tin tưởng những đánh giá của tôi với tư cách của một người con, một cán bộ quản lý tại chi nhánh Mỹ. Thêm vào đó, ông cũng định hướng, hướng dẫn tôi xác định được mục tiêu, cách đi, rồi sau đó để tôi tự triển khai. Khi gặp bất cứ vấn đề gì, tôi sẽ tìm đến ông, coi ông như người chỉ đường, truyền cảm hứng.

- Sang Mỹ 3 năm, anh học được gì sau khi đảm nhiệm vị trí cao nhất trong điều hành hoạt động của chi nhánh?

- Tôi thấy mình học được nhiều. Bài học lớn nhất là học cách để trở thành một nhà quản lý, CEO. Trước khi sang Mỹ, tôi chỉ là nhân viên bình thường, chưa bao giờ được làm tổng giám đốc cả. Khi trở thành tổng giám đốc thì tôi biết mình cần có khả năng lãnh đạo, cũng biết cách tìm được người phù hợp trong công việc của mình.

Tôi cho rằng CEO không nhất thiết phải là người biết tất cả mà phải biết quản lý, sử dụng người đúng vị trí. Khi làm CEO, tôi thích tuyển người cầu tiến, trung thực thay vì tuyển người “cực kỳ giỏi”.

Một điều nữa tôi học được là mình phải biết dự trù, tính toán những thứ có thể xảy ra, thậm chí là trường hợp xấu nhất. Lấy ví dụ về câu chuyện xin cấp phép kinh doanh ở Mỹ cho 2 dự án bất động sản nhà ở chẳng hạn. Lúc làm, tiến độ bị chậm khoảng một năm vì tôi chưa dự trù được những khó khăn trong việc xin giấy phép. Khi ấy, có thể mình không đủ kinh nghiệm để nhìn thấy những điều này nhưng sau này tôi có thể dự đoán tốt hơn.

- Tổng giám đốc T&T Mỹ được trả lương ra sao?

- Tôi được trả lương rất thấp, thấp hơn mặt bằng (cười). Ví dụ như ở Mỹ, lương CEO thấp nhất là 10.000 USD một tháng nhưng tôi chỉ được trả một nửa, trừ thuế còn khoảng 3.800 USD.

- Chủ tịch T&T đánh giá như thế nào về kết quả của anh khi làm CEO chi nhánh Mỹ?

- Tôi cho rằng những gì bố tôi muốn thấy ở con mình là sự trưởng thành, tố chất lãnh đạo. Trong một lần trả lời truyền thông, ông cũng có nói là muốn tôi đi tu nghiệp, phát triển ở nước ngoài để có thể tự bươn chải, vận động. Hiện tại thì thời gian 3 năm cũng đã hết rồi, có lẽ kết quả như thế nào ông cũng đánh giá được. Ông chưa nói, nhưng theo cảm nhận của tôi thì bố tôi cũng khá hài lòng với những gì tôi đã đạt được, bằng chứng là càng lúc ông càng giao cho tôi nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn.

- Nói như thế tức là Đỗ Quang Vinh đang có ý định trở về Việt Nam?

- Thời hạn, mục tiêu tôi đặt ra trước khi đi Mỹ là đạt được kết quả gì đó trong 3 năm, trau dồi kiến thức, kỹ năng cá nhân. Hiện tại, tôi nghĩ mình đã đạt được mục tiêu này. Đã tới thời điểm tôi về Việt Nam, hỗ trợ tập đoàn, ngân hàng, có thể là trong năm tới.

- Vậy khi về Việt Nam, lĩnh vực anh hướng đến là gì?

- Như mọi người biết thì gia đình tôi có 2 lĩnh vực kinh doanh chính là ngân hàng và tập đoàn đa ngành. Ngân hàng đang trong trạng thái ổn định, phát triển nên mục tiêu lớn nhất hiện tại là tập đoàn. Tập đoàn đang có ý định phát triển bán lẻ, dịch vụ, mảng khá phù hợp với xu hướng. Có lẽ tôi sẽ hướng đến 2 mảng này.

- Đây rõ ràng là con đường khó khi mà mảng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay đang có sự cạnh tranh rất lớn với sự tham gia của những tên tuổi lớn?

- Tôi cho rằng ngành nào, đặc biệt là bán lẻ, dịch vụ đều có đối thủ. Tuy nhiên, trong cạnh tranh thì luôn có 2 hướng đi, một là về giá, hai là yếu tố khác biệt. Tôi sẽ chú trọng cạnh tranh về yếu tố khác biệt. Tuy nhiên, hiện tại thì đó mới là định hướng, còn cụ thể ra sao thì cần chờ xem đã.

- Vì sao anh lại có ý định về Việt Nam, thay vì định cư tại Mỹ và phát triển chi nhánh công ty ở đây?

- Tôi không có mục đích ở nước ngoài. Tôi thích Việt Nam hơn. Bố mẹ tôi cũng mong con cái sống gần gũi, tiếp quản sự nghiệp gia đình ở Việt Nam.

- Có khi nào khuôn mặt có phần trẻ hơn tuổi thật của Đỗ Quang Vinh khiến cho anh gặp bất tiện trong vấn đề điều hành, gặp đối tác?

- Chắc chắn là có rồi (cười). Có bác lớn tuổi còn hỏi tôi: “Mày học xong chưa”. Khi nghe tôi nói đã học xong, đang làm CEO của T&T chi nhánh Mỹ, họ còn thậm chí nghi ngờ về kinh nghiệm của mình. Nhưng tôi sẽ chứng minh năng lực, kiến thức của mình qua việc làm cụ thể. Thật ra, vẻ bề ngoài là bất lợi ở một góc độ nào đó nhưng cũng là lợi thế nếu nhìn nhận ở góc độ khác. Nếu cứ trẻ và phong độ hơn tuổi thật thì vẫn tốt hơn chứ (cười).

- Khi trở thành CEO T&T chi nhánh Mỹ, Đỗ Quang Vinh được biết đến nhiều hơn. Vậy trước khi làm CEO, cuộc sống của “con đại gia” như thế nào?

- Trước khi ra nước ngoài học, tôi là đứa trẻ nhút nhát, có phần thiếu tự tin, không có chính kiến, hoàn toàn “núp bóng” bố mẹ. Năm 15 tuổi, tôi quyết định đi du học sau một lần sang Singapore du lịch cùng gia đình. Chuyến du lịch diễn ra vào tháng 6 thì tháng 8 tôi đi du học luôn, chỉ vì thích học tiếng Anh. Trước đó, tôi hầu như không có sự chuẩn bị gì và thực sự 2 tháng đầu tiên đến Singapore, tôi phải “bơi” trong môi trường mới.

Ở đó, có lúc tôi thấy tủi thân, thậm chí " nhục nhã" vì không thể giao tiếp, cũng không có bạn. Tuy nhiên, tôi lại giấu bố mẹ những chuyện này. Cho đến một buổi tối ngồi nói chuyện trước webcam với bố mẹ, thì cả nhà cùng khóc. Tôi xin bố mẹ cho quay về Việt Nam. Mẹ tôi thương con, xót con nên mềm lòng nhưng bố lại động viên con cố gắng thêm một thời gian nữa. May mắn là sau đó tôi cũng bắt nhịp được với cuộc sống mới.

Hồi tôi sang Mỹ cũng vậy. Không hiểu sao mình lại chấp nhận một thử thách như thế khi mà bố tôi nói thẳng là có thể ở Việt Nam, ông sẽ sắp xếp công việc tại một ngân hàng nào đó (Đỗ Quang Vinh học ngành tài chính - PV).

Từ việc du học Singapore đến sang Mỹ làm T&T chi nhánh ở đó, tôi cũng không hiểu sao bản thân lại làm thế. Đôi khi, tôi cũng không tính toán quá nhiều, nếu thấy thích, phù hợp, tôi sẽ nhận việc.

- Con đại gia “sinh ra đã ngậm thìa vàng” nhưng cách giáo dục con của mỗi gia đình lại khác nhau. Người để con tự học và làm những gì mình thích, người cho con đi học nước ngoài, định hướng đường đi nước bước, kết quả cũng không giống nhau. Góc nhìn của anh như thế nào?

- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tùy quan điểm giáo dục của mỗi gia đình mà họ đưa ra những quyết định khác nhau trong việc dạy con cái. Tuy nhiên, tôi tin đó đều là những quyết định mà họ cho là tốt nhất cho con cái của họ.

Tôi không phản đối cách này. Nhà tôi thì dạy các con lối sống tự lập, dĩ nhiên cũng không để con đối mặt với quá nhiều khó khăn. Tự bản thân tôi cũng quan niệm muốn thành công thì cần trải qua gian khó trước, chứ chỉ sống trong môi trường trải đầy hoa hồng thì lúc vấp ngã sẽ không đứng dậy được.

- Du học sinh mà là con cái của các doanh nhân thường có hội nhóm, có người gọi là Rich kids, Đỗ Quang Vinh thì sao?

- Tôi không có trong các hội đó vì khi đi học ở nước ngoài, tôi chỉ chơi với các bạn trong lớp. Tôi không có nhiều bạn, thậm chí không có những người là con cái gia đình doanh nhân, dòng dõi trâm anh thế phiệt hay gì cả (cười).

Bố mẹ tôi không có thói quen vung tiền cho con. Khi còn đi học, tôi tiêu tiền trong thẻ tín dụng như thế nào thì bố mẹ đều biết vì vậy mà mọi khoản mình đều được kiểm soát. Ngay cả khi đã đi học thạc sĩ rồi, muốn mua cái quần cái áo nào tôi cũng gọi điện về xin, nhân tiện hỏi xem có đẹp không (cười).

Học xong, về Việt Nam, trên người tôi toàn là đồ giảm giá. Hồi đó cứ đến mùa sale tôi mua nhiều lắm, có khi cả bộ trên người giá chưa đến 2 triệu đồng. Vì thế người ta mới gọi Đỗ Quang Vinh là thiếu gia nghìn tỷ đi xe máy, mặc đồ sale, ăn quán vỉa hè (cười).

Đi học nước ngoài, tôi cũng đi làm thêm trong nhà hàng, 2 buổi tối một tuần, kiếm được 60 USD mỗi buổi. Làm phục vụ bàn, tôi còn lóng ngóng đổ cả bia lên người khách. Công việc đó sau này cũng được tôi ghi vào CV đi xin việc.

- Bây giờ thì sao, vẫn là “thiếu gia nghìn tỷ” đấy, nhưng có còn đi xe máy?

- Bây giờ thì không đi xe máy nữa. Ngày xưa, tôi ở Hà Nội thường chọn đi xe máy vì đi lại thuận tiện. Còn giờ, tôi dùng xe hơi do ở Mỹ phải đi xe hơi. Mỗi lần về thăm gia đình đi xe máy cũng khá bất tiện nên tôi đi xe lúc của mẹ, lúc của em trai, lúc thì đi taxi.

- Có vẻ như bố mẹ anh kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, liệu đó có phải là bài học về tài chính ông bà muốn dạy các con?

- Thực ra bố tôi không kiểm soát chặt, nhưng mẹ thì có. Tính bà rất tiết kiệm, có lẽ do bà xuất thân trong gia đình cơ bản. Bố tôi thì không có giới hạn nhưng mẹ tôi lại hỗ trợ trong vấn đề quản lý chi tiêu của hai con.

Lý do khiến bố mẹ tôi có phần chặt chẽ như thế do ông bà đi lên từ gian khổ. Trước đây, có những giai đoạn bố tôi phải chở mẹ bằng xe đạp, đi sửa ti vi cho nhà người khác. Sau này, gia đình làm điện máy điện lạnh, có những hôm bố tôi về rất muộn, nên tôi hiểu để kiếm được tiền đôi khi phải đánh đổi cả máu, nước mắt.

Bố mẹ tôi trải qua những giai đoạn khó khăn nhất nên rất trân trọng từng đồng tiền kiếm ra. Sau này, khoảng năm 1995, việc kinh doanh của gia đình tôi đứng trên bờ vực phá sản, sau đó vượt qua được thì hai người càng trân trọng những gì vất vả làm nên.

- Là doanh nhân trẻ, lại là con đại gia, chắc hẳn Đỗ Quang Vinh cũng có những thú vui như sưu tập đồng hồ, đồ công nghệ?

- Ngoài kinh doanh, tôi thích âm nhạc, thời trang.

- Facebook của nhiều doanh nhân trẻ thuộc thế hệ kế cận thường chia sẻ về công việc, Đỗ Quang Vinh thì không như vậy?

- Facebook của tôi có bạn bè đều ở Việt Nam mà công việc của mình lại ở Mỹ nên tôi không muốn chia sẻ. Chưa kể, công việc của tôi là việc văn phòng, cũng không biết phải chia sẻ như thế nào. Tôi nghĩ, Facebook là nơi thể hiện cá tính, con người thật của một người, nên cũng không cần thiết phải chia sẻ quá nhiều về công việc.

Doanh nhân dùng mạng xã hội cũng tốt vì có thể cập nhật được các thông tin cuộc sống cũng như xây dựng được thương hiệu cá nhân. Tôi xây dựng hình ảnh có phần khác với mọi người, đi theo hướng thân thiện, gần gũi chứ không kiểu “tôi là doanh nhân, và tôi có khoảng cách, khác biệt với người khác”. Đôi khi, tôi đăng mấy câu vui vui kiểu “thả thính” nhưng thực sự đó là cảm xúc bản thân, con người mình, mình thích thì mình đăng thôi (cười).

Bố tôi nhìn kết quả, không thích nghe hứa hẹn

Đỗ Quang Vinh chia sẻ khi mở hệ thống bánh ngọt riêng The Cake Factory, anh bị chính bố mình là ông Đỗ Quang Hiển tỏ ý không ủng hộ. Ông muốn con trai tập trung cho công việc kinh doanh của tập đoàn. Thậm chí, theo tiết lộ của CEO T&T Mỹ, khi anh trả lời truyền thông rằng muốn phát triển việc kinh doanh cá nhân, anh còn bị bố mắng “Nhà còn bao việc không lo lại tập trung làm gì đó riêng”.

Nhưng Vinh vẫn làm. Anh chia sẻ muốn làm gì đó mang dấu ấn riêng, bên cạnh việc phát triển và có một vị trí nhất định trong tập đoàn. “Sau đó, tôi vẫn mở The Cake Factory. Bố tôi khi ấy không nói gì nữa, chắc ông cũng đồng tình. Tôi cảm nhận thế vì sau khi chuỗi cửa hàng vận hành, ông cũng tự hào giới thiệu với người khác là đây là hệ thống của con trai”, anh chia sẻ.

Theo cảm nhận của Đỗ Quang Vinh, ông Hiển thường không ủng hộ những gì quá mới nhưng nếu chứng minh được bằng kết quả thì sẽ được ông tin, ủng hộ. “Thật ra tôi khá cứng đầu Nhiều lúc bố tôi không ủng hộ nhưng nếu cảm thấy đúng thì tôi vẫn cứ làm để chứng minh cho ông thấy là tôi làm được”, Đỗ Quang Vinh bày tỏ.

Đỗ Quang Vinh chia sẻ anh nghe ông Đỗ Quang Hiển khoảng 80%. 20% còn lại anh dành cho cái tôi cá nhân, làm những việc mình cho là đúng, chứng minh bằng kết quả cụ thể. “Bố tôi thích nhìn kết quả, không thích nghe nói nhiều hay hứa hẹn. Ai đó hứa hẹn nhiều quá là ông không thích nên bản thân tôi không bao giờ hứa hẹn mà chỉ nói ‘con sẽ làm để ba thấy con làm được”, Vinh nói.

Theo Người Đồng Hành

Có thể bạn quan tâm

Từ nhà giáo đến doanh nhân quyền lực

Từ nhà giáo đến doanh nhân quyền lực

Trước khi trở thành “đại gia” nổi tiếng, những doanh nhân này từng mang tình yêu với bục giảng, với nghề “gõ đầu trẻ”, thậm chí còn có những cựu giảng viên gắn bó thanh xuân với giáo dục.