Nhắc tới Jeff Bezos là nhắc tới một biểu tượng vĩ đại của việc dám nghĩ, dám làm, không do dự và thành công. Tỷ phú giàu nhất thế giới này cùng với gã khổng lồ Amazon đã trở thành cảm hứng bất tận cho giới trẻ trên toàn thế giới trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau hào quang của một ông hoàng, thì Jeff Bezos được coi là một kẻ “dị biệt”.
Tên gàn dở thích kiểm soát người khác
Bezos tham gia vào hầu như tất cả mọi công đoạn. Phong cách lãnh đạo của ông là không ủy quyền vào quản lý. Một khi các tính toán được đưa vào, Bezos đều muốn thực thi theo cách của riêng mình. Theo ông, một nhà lãnh đạo hiệu quả mà không dành thời gian cho cấp cơ sở thì sẽ không thể nào theo kịp thời thế, và sẽ bị lạc hậu cùng đám đông.
Bezos luôn muốn biết hết mọi thông tin từ nhỏ đến lớn liên quan đến công ty, từ bản hợp đồng hay các thông cáo báo chí, ông đều xem xét kỹ càng. Thậm chí, sự ám ảnh về tiểu tiết của Bezos còn thể hiện qua cách đóng gói và giao hàng. Nhân viên Amazon từng kể lại câu chuyện về việc Bezos trong một lần quan sát hoạt động ở kho chứa hàng thấy các nhân viên chật vật để đóng gói chiếc ghế gỗ cho khách hàng, ông liền ra quyết định ngưng bán mẫu ghế đó ngay lập tức. Theo đó, ông cũng cho rà soát lại và đồng loạt ngưng bán các sản phẩm tốn quá nhiều thời gian để gói hàng và vận chuyển.
Bezos thường nói với nhân viên của mình là họ rất may mắn khi được làm việc ở Amazon và đáng lẽ ra họ phải trả tiền để được làm việc cho hãng này. Với những nhân viên hay bất đồng ý kiến, mỗi lần ông đi qua bàn thường để lại một giấy note vàng có ghi tên của ông như một sự nhắc khéo rằng, ở Amazon ai mới là người làm chủ.
Gã điên làng công nghệ
Vào năm 1994 - thời đại mà nhiều người vẫn chưa nhận ra giá trị của Internet, lúc Bezos đang đọc bài báo có nói rằng mỗi năm số lượng người dùng Internet tăng 2300%, ông đã lóe lên câu hỏi: "Có cơ hội kinh doanh nào trên Internet không nhỉ?" Gần như ngay lập tức, ông đã phá vỡ mô hình kinh doanh cổ điển vào thời đó bằng cách cho ra đời cửa hàng kinh doanh sách trực tuyến tại Seattle.
Amazon không phải là cửa hàng trực tuyến đầu tiên trên mạng, nhưng Bezos đã làm lu mờ các đối thủ khác vì sáng tạo ra quy trình mua hàng trực tuyến nhanh chóng và tiện lợi hơn so với các loại hình bán lẻ khác. Ví dụ như ông sáng chế cách đưa ra những đề nghị dựa trên thói quen mua sắm, cách mua hàng chỉ với 1 cú click chuột, cách gian hàng thay đổi giao diện theo sở thích khách hàng.
2007 là một năm đặc biệt với giới công nghệ. Trong tháng 6, Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên giúp định hình lại ngành công nghiệp di động. Chỉ 5 tháng sau, chiếc Kindle của Amazon xuất hiện và nhanh chóng trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi trong thị trường xuất bản.
Với triết lý lấy khách hàng là trung tâm, Bezos không kiếm lời ngay trên chiếc Kindle. Thay vào đó, ông chủ Amazon bán máy đọc sách của mình với mức giá vốn, và công ty sẽ kiếm tiền từ việc bán eBook cho những người sử dụng Kindle. Điều này cũng gần giống với việc Apple tạo ra iPod và bán nhạc trên iTunes, nhưng có điều táo khuyết chưa bao giờ bán sản phẩm của mình ở mức giá "bình dân học vụ" như Amazon.
Nhìn thấy cách Apple kiếm tiền từ nhạc số, Amazon cũng mở rộng danh mục nội dung số của mình, từ sách cho đến nhạc, phim và truyền hình theo yêu cầu. Đồng thời, Bezos cũng tập trung"nội soi", cải tổ lại chính Amazon bằng cách sửa chữa lại các kênh phân phối.
Nhờ có "bầu sữa" mang tên Amazon Web Services, Bezos nuôi được mảng bán lẻ, đầu tư thêm vào trí tuệ nhân tạo Alexa, smarthome và sản phẩm mới nhất của hãng là loa thông minh Amazon Echo.
Nó đơn giản là một chiếc loa có khả năng nghe ngóng khẩu lệnh và tương tác tốt với người dùng. Nó tập trung vào tính năng hỏi đáp thông tin, nghe nhạc, đọc tin tức, dự báo thời tiết, và nhiều thứ khác…Để muốn nó làm việc, người dùng chỉ cần nói “Alexa”.
Mới đây Jeff Bezos cùng công ty nghiên cứu lĩnh vực du hành vũ trụ. Ông đã phóng thử nghiệm thành công tàu không gian New Shepard với tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Việc làm này đã khuấy động mạnh các công ty công nghệ cũng như các hãng tàu không gian khác.
Khởi nguồn từ “gã hói xanh xao đi bán sách” đến ông hoàng của “thương mại điện tử” “muốn gì thì bán cái đó”, Jeff Bezos đang ngày càng bộc lộ và bành trướng thế lực của mình trên nhiều phương diện để tận dụng triệt để sức sáng tạo của khoa học công nghệ. Tài năng và sự khác biệt của Bezos làm nên một đế chế Amazon hùng mạnh và có thể sẽ là “vị vua công nghệ” của tương lai.
Phong cách dị biệt của CEO Amazon
Không bao giờ kiểm tra thông báo trên điện thoại của mình
Theo tờ Business Insider, Bezos luôn tập trung vào những gì ông đang làm và không bị sao nhãng bởi những điều xung quanh. Giám đốc điều hành Amazon cho biết: “Tôi không thích làm nhiều việc cùng một lúc bởi điều đó làm phiền tôi. Nếu tôi đang đọc email, tôi muốn thực sự dành hết tâm trí vào việc đọc email của mình”.
“Tôi không cần cố gắng để không có thói kiểm tra email và điện thoại liên tục. Đối với tôi điều đó rất tự nhiên và tôi không cảm thấy khó chịu khi không được kiểm tra thông báo trên điện thoại”, Bezos nói.
Ông trùm công nghệ Jeff Bezos cũng chia sẻ rằng, nếu có việc thật sự quan trọng đang xảy ra, mọi người sẽ tìm gặp ông. Thêm vào đó, ông nói ông thích trao đổi trực tiếp với mọi người hơn.
“Khi tôi ăn tối, tôi chỉ ăn tối thôi và không nói chuyện hay làm bất cứ việc gì khác, dù tôi đang ăn tối với bạn bè hay gia đình tôi. Tôi thích làm những điều tôi đang làm”, tỷ phú này cho hay.
Nhưng Bezos cũng cho biết rằng làm nhiều việc một lúc và kiểm tra điện thoại thường xuyên có lẽ không phải là một sự lựa chọn tồi cho tất cả mọi người. Ông đã kể lại việc ăn tối với vợ ông, bà MacKenzie trong một nhà hàng và hai người đã nhìn thấy các cặp vợ chồng khác nhắn tin và cho nhau xem điện thoại của họ.
“Có vẻ như họ đang có một ngày tuyệt vời vì vậy tôi không chắc có bất cứ điều gì sai với việc đó”, tỷ phú công nghệ này nói thêm.
Không cung cấp thông tin từ khi thực sự cần thiết
Amazon không cho Melville House biết số lượng sách của nhà xuất bản này đã bán ra. Amazon cũng giữ bí mật về doanh số của Kindle và không tiết lộ số lượng nhân viên ở Seatle là bao nhiêu. Chưa hết, địa điểm làm việc của các nhân viên Kindle ở Seatle được gọi là “Ku vực 51” (tên gọi một căn cứ quân sự tuyệt mật của Hoa Kỳ). Chẳng ai biết nó ở chỗ nào nếu không phải là người trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bezos muốn cung cấp thông tin và kể câu chuyện về Amazon theo cách của riêng mình, một cách chu đáo thông qua các bức thư gửi cổ đông.
Không chuyện trò quá nhiều
Theo Bezos, việc trò chuyện nhiều sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Trong đó có giao tiếp chéo giữa các nhóm sẽ giới hạn sự độc lập của nhóm, dẫn đến việc mọi người dễ đồng ý thỏa hiệp với nhau, điều đó đi ngược với văn hóa sáng tạo từ xung đột vốn là bản sắc riêng của Amazon.
Sáng tạo từ xung đột – văn hóa sáng tạo khác người tại Amazon
Bezos không dựng lên thứ gọi là “mối liên kết xã hội”, khuynh hướng giả tạo của những kẻ ưa thỏa hiệp với người khác và đồng thuận một cách dễ dãi. Tại Amazon, các cuộc tranh luận công khai và thẳng thắn của ai đó với cấp trên để bảo lưu quan điểm của mình là việc xảy ra thường xuyên. Đó là một đặc điểm quản trị đã hình thành nên nền văn hóa của Amazon. Mọi người ở đây đều phải tin tưởng tuyệt đối vào triết lý “Cạnh tranh để sáng tạo” mà người đứng đầu Amazon đã đưa ra. Trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào thì ở Amazon, việc thỏa hiệp để tạo lợi ích cho các phe phái luôn là điều cấm kỵ. Có thể nói, đây chính là điểm khác biệt cũng như điểm tạo nên sức mạnh bứt phá thần kỳ của Amazon với vị thuyền truyền tài ba và độc tài của Teff Benzos.
Quy tắc hai chiếc Pizza
Đây là một quy tắc khắt khe dành cho nhân viên nổi tiếng của Bezos tại Amazon. Theo ông, không nên có đội nhóm nào cần ăn nhiều hơn hai chiếc Pizza, tức là các nhóm chuyên môn chỉ nên giới hạn từ 5-7 người, cho phép toàn đội có thể kiểm tra ý tưởng của nhau mà không phải qua tay quá nhiều người. Thực tế cho thấy, các nhóm nhỏ đã tạo ra những thay đổi to lớn cho toàn công ty như chương trình Gold Box Deal, một khuyến mãi đã được áp dụng phổ biến cho khách hàng giao dịch trong một thời gian giới hạn.
Luôn ưu tiên dịch vụ khách hàng
Jeff Bezos nổi tiếng với việc đặt một chiếc ghế trống trong mỗi phiên họp. Ông nói rằng chiếc ghế đó tượng trưng cho người quan trọng nhưng không có mặt trong phòng họp: khách hàng. Việc này sẽ giúp Bezos và cả nhóm nhận thức được khách hàng sẽ nghĩ như thế nào đến các quyết định của họ. Và điều này cũng chứng minh được Amazon đặt khách hàng lên hàng đầu.
Mặt khác, Jeff Bezos có một tài khoản email công khai là jeff@amazon.com. Ông thường xuyên đọc những lời phàn nàn và chuyển tiếp những email đó đến bộ phận liên quan, cùng với 1 kí tự duy nhất: “?”
Khi nhân viên của Amazon nhận được thư đó từ Bezos, họ sẽ phản ứng như vừa phát hiện ra một quả bom đang đếm ngược. Thông thường họ sẽ có vài giờ để giải quyết sự việc cùng với lời giải trình vì sao nó lại xảy ra. Những phản hồi này sau đó sẽ được quản lí xem xét trước khi nó được trình bày đến Bezos.
12 câu nói nổi tiếng của Jeff Bezos
1. Năng khiếu là bẩm sinh, lựa chọn mới phức tạp
2. Nếu bạn xây dựng được trải nghiệm tốt thì khách hàng sẽ kể cho nhau nghe về điều đó. Tin truyền miệng là thứ lan tỏa rất nhanh
3. Có 2 kiểu công ty, kiểu thứ nhất luôn cố gắng để lấy tiền của khách hàng và kiểu thứ hai luôn cố gắng giảm thiểu chi phí cho khách hàng. Chúng tôi là kiểu thứ hai.
4. Nếu bạn không cứng đầu, bạn sẽ sớm từ bỏ các thử nghiệm của mình. Nếu bạn không linh hoạt, bạn sẽ đâm đầu vào tường mà không tìm ra bất cứ giải pháp nào cho vấn đề đang gặp phải.
5. Nếu bạn quyết định sẽ chỉ làm những điều bạn biết bạn sẽ bỏ lại rất nhiều cơ hội trên chiếc bàn giấy.
6. Đừng bao giờ quá đam mê việc tỏa sáng. Vì không có ánh đèn nào là sáng mãi.
7. Nếu chỉ tập trung vào đối thủ, bạn phải chờ cho đến khi họ làm gì đó. Nếu tập trung vào khách hàng, bạn mới là người đi tìm cái mới.
8. Cách tốt nhất để không bị chỉ trích, chính là đừng cố gắng làm điều gì mới mẻ cả.
9. Có 3 điều đã gắn bó với Amazon suốt 18 năm và giúp chúng tôi thành công: Khách hàng là số một, phát minh và kiên nhẫn.
10. Trước đây người ta bỏ 30% thời gian để xây dựng dịch vụ tốt, và dùng 70% thời gian để đi rêu rao chúng. Ở thời đại mới chúng tôi làm điều ngược lại.
11. Không bao giờ tôi lại nói không với những điều mà nhân viên muốn làm. Nhưng đôi lúc tôi sẽ yêu cầu làm cả những điều họ không muốn. Nhân viên của tôi luôn phải biết cách mạo hiểm để thành công.
12. Tôi không bao giờ muốn kế hoạch B đề phòng khi kế hoạch A thất bại. Kế hoạch B phải là thứ đảm bảo cho kế hoạch A thành công.